Khi Facebook "hủy kết bạn" với Úc, người dùng Úc phản ứng ra sao?

20/02/2021 15:43 GMT+7
Người dùng Facebook tại Úc đang dần chấp nhận thực tế rằng họ không còn quyền truy cập, cập nhật các trang tin tức hàng ngày trên nền tảng mạng xã hội này.

Sau tuyên bố chóng vánh hôm 17/2, Facebook nhanh chóng chặn người dùng Úc khỏi quyền truy cập và chia sẻ mọi tin tức từ các hãng thông tấn trong và ngoài nước. Động thái được xem như một phản ứng trực tiếp đối với dự luật mới sắp được chính phủ Úc thông qua trong tuần tới, quy định các nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google phải chia sẻ lợi nhuận với các hãng xuất bản tin tức để có quyền sử dụng các liên kết nội dung của các hãng này trong kết quả tìm kiếm hay nguồn cung tin tức cập nhật hàng ngày.

Trong khi Google nhanh chóng công bố thỏa thuận lớn với tập đoàn truyền thông News Corp, Facebook lại quyết định chọn cách phản ứng cứng rắn chưa từng có khi cắt quyền xem và chia sẻ tin tức của mọi người dùng Úc, bao gồm cả các tin tức cập nhật về đại dịch Covid-19 và mối đe dọa cháy rừng.

Khi Facebook "hủy kết bạn" với Úc, người dùng Úc phản ứng ra sao? - Ảnh 1.

Thủ tướng Úc Scott Morrison tức giận vì động thái phản đòn của Facebook

Hành động của Facebook nhanh chóng nhận về những phản ứng trái chiều từ người dùng Facebook tại Úc. Đáng chú ý, khi xóa các trang tin tức, Facebook vô tình xóa luôn tài khoản của hàng chục tổ chức từ thiện, tổ chức y tế nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và thậm chí… cơ quan dự báo thời tiết. Trong khi một bộ phận người dùng tỏ ra thờ ơ, số khác lại bày tỏ sự tức giận vì phản ứng “ngạo mạn” của gã khổng lồ mạng xã hội. Lời kêu gọi #deletefacebook đã lọt top thịnh hành trên MXH Twitter tại Úc hôm 18/2, một ngày sau khi Facebook chặn quyền truy cập tin tức.

Fred Azis-Laranjo, một cư dân Sydney nhận định rằng động thái của Facebook sẽ phản tác dụng và kết quả là gã khổng lồ mạng xã hội sẽ mất đi lượng lớn người dùng Úc. “Nó gây bất tiện và khó chịu cho lượng lớn những người dùng thường truy cập tin tức từ mạng xã hội Facebook… Về lâu dài, tôi nghĩ rằng đó là xu hướng tốt, vì nó khuyến khích người dùng tìm kiếm tin tức một cách chủ động hơn. Điều này đồng nghĩa họ được tiếp xúc với các nguồn tin đa dạng hơn. Điều này cũng có lợi cho các hãng thông tấn trong dài hạn”.

Một cư dân Sydney khác, Josh Gadsby cho rằng Facebook đang làm trầm trọng hóa vấn đề khi cấm cả những trang không phải là trang tin tức. “Tôi đã làm việc cho Financial Times vài năm, cá nhân tôi nhận thấy tác động của các nền tảng trực tuyến như Facebook và Google đến doanh thu quảng cáo của các hãng tin truyền thống. Tôi nghĩ rằng việc các nền tảng này phải trả tiền để sử dụng nội dung từ phía nhà xuất bản là hoàn toàn hợp lý”.

Gadsby tin rằng Facebook lẽ ra nên đàm phán một thỏa thuận với các hãng thông tấn, tương tự như những gì Google đã làm. “Sẽ rất thú vị khi chờ xem bước tiếp theo Facebook định làm gì. Tôi nghĩ rằng lệnh cấm sẽ không kéo dài quá lâu”.

Nhưng không phải ai cũng kiên nhẫn chờ đợi như Gadsby. Việc Facebook chặn người dùng Úc truy cập tin tức đúng vào thời điểm người dùng cần được thông tin cập nhật, chính xác về các diễn biến của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người tức giận. 

John Henderson, một nhà đầu tư mạo hiểm tại AirTree Ventures (Sydney) cho hay ông lo lắng về hậu quả xã hội khi các nguồn tin tức hợp pháp biến mất khỏi Facebook. “Chắc chắn điều này sẽ tạo không gian cho những nguồn tin giả, tin tức ít hợp pháp lan tràn”.

Jon Gore, một người dùng khác ở New South Wales thì tỏ ra không quan tâm: “Tôi không vào Facebook để tìm kiếm tin tức trong những ngày này… Tôi không quan tâm đến những câu chuyện giật gân được chia sẻ trên Facebook”. Theo Gore, anh sẽ đọc tin tức ở các nguồn trực tiếp có uy tín và tính hợp pháp cao hơn. 

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Statista cho thấy 62% người Úc tiếp cận các nguồn tin tức từ TV, lớn hơn con số 52% có thói quen truy cập tin tức từ mạng xã hội.

Trong khi người dùng Facebook Úc phản ứng trái chiều, các nhà lãnh đạo Úc lại vô cùng tức giận vì động thái của gã khổng lồ mạng xã hội. Thủ tướng Úc Scott Morrison đã chỉ trích đây là phản ứng ngạo mạn, mang ý nghĩa "hủy kết bạn" với nước Úc. “Hành động đi ngược lại Úc của Facebook khi cắt đứt quyền truy cập thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp là động thái kiêu ngạo và đáng thất vọng. Tuy nhiên mới đây, phát biểu trước giới truyền thông hôm 20/2, Thủ tướng Scott Morrison tiết lộ Facebook đã “tạm thời kết bạn trở lại” với Úc bằng cách quay lại bàn đàm phán, điều mà ông Morrison hết sức hoan nghênh.


NTTD
Cùng chuyên mục