Khi nào nam tiếp viên Vietnam Airlines bị xử lý hình sự?
Bệnh nhân 1342, nam tiếp viên Vietnam Airlines tên D.T.H., được công bố mắc Covid-19 vào ngày 29/11. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, bệnh nhân này đã vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung. Sau đó, anh H. không tuân thủ quy định tự cách ly tại nhà nên lây bệnh cho 3 người khác (bệnh nhân 1347, 1348 và 1349).
"Bệnh nhân 1342 vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp chiều 1/12.
Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm quy định cách ly làm lây lan dịch bệnh của bệnh nhân 1342 có thể bị xử lý ra sao?
Phạt tiền tối đa 10 triệu
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ hành vi của bệnh nhân 1342 để làm căn cứ xác định trách nhiệm.
Nếu bệnh nhân nhận thức được mình thuộc một trong các trường hợp phải cách ly y tế nhưng cố tình đi lại và tiếp xúc nhiều người, không thực hiện các biện pháp an toàn thì hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt từ 5-10 triệu đồng.
Theo luật sư, thông qua điều tra dịch tễ, có nhiều chứng cứ rõ ràng về việc đi lại, tiếp xúc, sinh hoạt của bệnh nhân này làm nhiều người bị lây bệnh. Vấn đề còn lại là chứng minh bệnh nhân này có hành vi vi phạm pháp luật hay không, có làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hay không, mức độ ra sao.
Xử lý hình sự nếu có lỗi cố ý
Bên cạnh đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được bệnh nhân 1342 có lỗi cố ý gián tiếp thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Lỗi cố ý gián tiếp ở đây được hiểu là bệnh nhân nhận thức được việc không thực hiện tốt biện pháp cách ly của mình của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức được bản thân mình đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là tiếp xúc với nhiều người, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh lây lan có thể xảy ra. Và hậu quả cuối cùng dịch bệnh đã xảy ra, làm lây lan dịch bệnh ra người khác.
"Như vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm ở đây thuộc về cơ quan điều tra. Họ có trách nhiệm phải chứng minh được các dấu hiệu cấu thành của tội danh này, trong đó phải chứng minh được bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi dẫn đến hậu quả dịch bệnh làm lây lan, lỗi ở đây phải là lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Hình phạt của tội danh này là phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm", luật sư Hùng nêu quan điểm.
Trong trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi cố ý của bệnh nhân 1342 (không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, không cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để bỏ mặc hậu quả việc lây lan dịch bệnh có thể xảy ra), thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự.
Về nguyên tắc, trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật và đòi hỏi phải có yếu tố lỗi của người vi phạm. Lỗi ở đây là vấn đề nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi.
Cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trả lời những thắc mắc của dư luận và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, hành vi không tuân thủ quy định cách ly của bệnh nhân 1342 đã khiến dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp trở lại nên cần phải xử lý nghiêm.
"Việc vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly đã gây ra hậu quả lây lan ra cộng đồng nên cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội", luật sư nói.