Khi ngân hàng di động về vùng sâu

Quốc Lương Thứ ba, ngày 17/12/2019 15:50 PM (GMT+7)
Thực tế qua một năm triển khai, kết quả đạt được cho thấy, điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng của Agribank chi nhánh huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk) là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn và các sản phẩm dịch vụ của Agribank.
Bình luận 0

Khai thông kênh dẫn vốn

Ngày 16/11/2018, tại trụ sở UBND xã Krông Nô, huyện Lăk, Ngân hàng NNPTNT tỉnh Đăk Lăk (Agribank Đăk Lăk) đã tổ chức khai trương “Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng”.

img

  Một phiên giao dịch tại điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng của Agribank tại xã Buôn Triết, huyện Lăk. Ảnh: Q.L

Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng hoạt động như một chi nhánh của Agribank. Tại đây, có đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như huy động tiền gửi tiết kiệm, mở tài khoản tiền gửi thanh toán, dịch vụ tiện ích Agribank E-Mobile Banking; tiếp nhận và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng, thực hiện giải ngân, thu nợ vốn gốc, lãi và cung ứng các dịch vụ ngân hàng tiện ích khác.

Tính từ ngày khai trương đến nay, đơn vị đã triển khai 17 lượt giải ngân và đã có 183 lượt khách hàng được vay vốn từ điểm giao dịch lưu động. Doanh số cho vay 19 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6 tỷ đồng. Nhờ khai thông kênh dẫn vốn từ điểm giao dịch lưu động nên nguồn vốn tín dụng cung ứng cho các địa bàn tại 4 xã có điểm giao dịch lưu động (gồm Buôn Triết, Krông Nô, Nam Ka, Ear Bin) đã tăng trưởng đáng kể và đạt con số là 224 tỷ đồng.

Ngoài việc vay vốn phục vụ sản xuất, đời sống, bà con tại các điểm xã này cũng đã bắt đầu quen dần với hình thức gửi tiền tiết kiệm và thực hiện chuyển tiền ngay tại điểm giao dịch, cụ thể là huy động tiết kiệm đạt 750 triệu đồng, chuyển tiền đạt 549 triệu đồng.

Về phía ngân hàng, việc giao dịch được thực hiện trực tuyến nhờ thiết bị công nghệ gắn trên xe chuyên dụng nên việc hạch toán cũng được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi và chính xác. Kết quả giao dịch nộp tiền đạt 219 bút toán; giao dịch tiền vay 1.143 bút toán và giao dịch tiền gửi tiết kiệm, chuyển tiền, bảo hiểm và dịch vụ khác đạt 1.027 bút toán.

Tiện lợi cho người dân

Từ kết quả đạt được nêu trên cho thấy, điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng của Agribank triển khai 1 năm qua tại huyện Lăk đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho bà con nông dân đến giao dịch. Đó là người dân được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tiện ích, nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất, cải tạo nhà cửa… Đặc biệt là đảm bảo việc giải ngân và rút tiền cho người dân được an toàn hơn, vì không người dân phải mang số tiền lớn đi xa.

Ông Lã Đức Hùng - người dân thôn Ea Kiết 1 (xã Buôn Triết, huyện Lăk) cho biết: “Ngân hàng về tận xã giao dịch như thế này rất thuận tiện cho bà con, cán bộ cũng phục vụ tận tình chu đáo, nhanh gọn nên bà con rất hài lòng”. Còn ông Y Mang Pang Ting (ở thôn Liêng Krăk, xã Krông Nô) nhận xét: “Trước đây mỗi lần đi vay, mình phải đi gần 60km đường đèo dốc mới đến được ngân hàng huyện. Nay có điểm giao dịch lưu động về đến xã rồi, không lo ngại gì chuyện đi lại khó khăn nữa, tôi rất mừng”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Y Thị Niê - Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết, việc Agribank chi nhánh huyện Lăk chọn xã Krông Nô làm điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân. Nguồn vốn tín dụng ngày một tăng trưởng mạnh là một trong những nguồn lực để địa phương thực hiện các tiêu chí, tiến dần đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Xuân - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Lăk, mặc dù quy mô tín dụng tại đơn vị đã có sự tăng trưởng đều hàng năm từ 15 - 20% năm, dư nợ cho vay đạt con số 801 tỷ đồng với hơn 5.000 hộ vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về vốn trên địa bàn. Nguyên nhân là có những địa bàn xa như xã Krông Nô, Nam Kar, EaR Bin, Buôn Triết...

Riêng xã Krông Nô, khoảng cách từ thôn xa nhất đến ngân hàng huyện là trên 60km, đường rất khó đi. Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng ở ngân hàng huyện Lăk đang quản lý trên 1.000 hộ vay vốn, trong điều kiện địa bàn đi lại rất khó khăn. Do vậy việc đáp ứng nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng cho người dân, nhất là những vùng điều kiện đi lại khó khăn sẽ khó thực hiện được.

“Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng bước đầu đã khắc phục những khó khăn nêu trên” - ông Xuân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem