Khi Nhật Bản bị gạt ra khỏi trật tự thế giới công nghệ mới

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 11/10/2021 11:30 AM (GMT+7)
Từ chế tạo tàu cao tốc chạy 210 km/h đến những băng nhạc cassette của Sony, Nhật Bản từng để lại dấu ấn sâu đậm trong nền công nghệ thế giới. Nhưng viễn cảnh huy hoàng này giờ đây không còn nữa, điển hình là trong ngành công nghệ bán dẫn chế tạo chip, Nhật Bản vẫn là cái tên khá xa vời.
Bình luận 0

Có quá muộn đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản?

Vào năm 1964 khi Nhật Bản đăng cai kỳ Thế vận hội Olympic đầu tiên của mình, quốc gia này đã làm cả thế giới trầm trồ với những công nghệ tiên tiến, từ những đoàn tàu cao tốc chạy 210 km/h đến những băng nhạc cassette của Sony. Cũng vào thời điểm đó, các doanh nghiệp nước này luôn đi đầu trong nhiều công nghệ mới, thậm chí nhiều người còn mơ đến viễn cảnh quốc gia này sẽ vượt cả nền kinh tế số 1 thế giới lúc đó là Mỹ. Nhưng giấc mơ có thể chỉ là giấc mơ.

Bởi không thể phủ nhận rằng, thời kỳ hoàng kim công nghệ của Nhật Bản với những chiếc tivi màu, băng cassette hay máy tính cá nhân đã qua. Trong khi người Nhật từng tự hào về những chiếc máy nghe nhạc Walkman thì Apple đã cho ra đời iPhone. Trớ trêu hơn nữa là người láng giềng Hàn Quốc hiện nay cũng vượt Nhật Bản về mảng smartphone và hạng mục kinh doanh chip nhớ điện tử.

Ngoài ra, trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh nhau về bằng sáng chế công nghệ, ganh đua nhau về kỹ thuật tiên tiến nhất, cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cho công nghệ mới thì Nhật Bản, từng là trụ cột công nghệ một thời của Châu Á nay đã bị loại ra khỏi vòng.

Nhật Bản tìm cách hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn bị đình trệ. Ảnh: @AFP.

Nhật Bản tìm cách hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn bị đình trệ. Ảnh: @AFP.

Chính phủ Nhật Bản đã nhìn nhận thực tế này và đang có kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử như một dự án quốc gia. Tuy nhiên, để làm được điều này, một số chuyên gia thị trường quốc tế nhận định, bản thân Nhật Bản phải giải quyết triệt để các vấn đề mang tính gốc rễ, gây vướng víu suốt nhiều năm qua chưa có hồi hết.

Đầu tiên, chính phủ cần dỡ bỏ những vùng bảo hộ, giảm bớt thủ tục hành chính, tuyển dụng thêm tài năng từ nước ngoài và đặc biệt là loại bỏ tư tưởng "Nhật Bản là trung tâm" (Japan Centricism) đã ăn sâu vào tiềm thức các doanh nghiệp kinh doanh tại đất nước nay trước giờ. Chuyên gia Kazumi Nishikawa của Bộ Công thương Nhật Bản cho biết, đây là thời điểm cần tiếp thu cái mới, cần sự cầu thị và học hỏi chứ không phải đắm mình trong hào quang quá khứ.

"Tư tưởng thiết kế, quy trình sản xuất sản phẩm công nghệ của Nhật Bản hiện không còn hiệu quả nữa", ông Nishikawa nói rõ.

Ngoài ra, Nhật Bản hoàn toàn có thể nhờ những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hiện nay trợ giúp, ví dụ như thu hút các công ty sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan hỗ trợ xây dựng nhà máy.  Bởi vào tháng 7/2021, CEO C.C.Wei của một trong những hãng chip điện tử hàng đầu thế giới TSMC đã bày tỏ dấu hiệu về khả năng xây nhà máy ở Nhật Bản.

Kazumi Nishikawa, Giám đốc ngành CNTT tại METI cho biết: "Các công ty chip hàng đầu có thể xây dựng nhà máy ở Nhật Bản và xuất khẩu, nhưng trước hết Nhật Bản phải dễ dải hơn thì mới có thể tăng cường hợp tác công nghệ được".

Khi nói về mức đầu tư cho ngành công nghệ chip bán dẫn, Nhật Bản đang đổ hàng trăm tỷ Yên vào mảng chip điện tử nhưng nhiêu đó vẫn chưa là gì so với số tiền Mỹ chi vào mảng này. Điển hình là theo các thống kê, Mỹ đã chi tới 52 tỷ USD, tương đương 5,7 nghìn tỷ Yên để phát triển mảng chip nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng chi nhiều tiền chẳng kém. Những tập đoàn như Samsung hay SK đã cam kết để thêm 450 tỷ USD cho mảng này trong 10 năm tới. Thậm chí doanh nghiệp TSMC của Đài Loan cũng cho biết sẽ chi tới 100 tỷ USD cho mảng mà họ đang dẫn đầu trong 3 năm tới. Điều này cho thấy, nếu không chịu đầu tư cho tương lai, Nhật Bản sẽ luôn phải phụ thuộc vào nước khác trong kỷ nguyên công nghệ số, và sẽ mãi nằm khỏi vòng cuộc đua kinh doanh chế tạo chip bán dẫn.

Một yếu điểm nữa khiến công nghệ Nhật Bản gặp cản trở là chính phủ quá coi trọng những tập đoàn trong nước mà bỏ quên khả năng hợp tác phát triển với nước ngoài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hợp tác và làm việc chung với người nước ngoài là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho mảng công nghệ. Tinh thần lao động của người Nhật là đáng kính nể nhưng nếu không thể hòa nhập được với thế giới, tiềm năng công nghệ của họ vẫn sẽ bị giới hạn.

Với ngành công nghệ bán dẫn hay chế tạo chip, Nhật Bản vẫn là cái tên khá xa vời. Ảnh: @AFP.

Với ngành công nghệ bán dẫn chế tạo chip, Nhật Bản vẫn là cái tên khá xa vời. Ảnh: @AFP.

Ngoài ra, muốn đi nhanh và thắng nhanh, có một sáng kiến là biến Nhật Bản thành một trung tâm dữ liệu châu Á. Những trung tâm như vậy tạo ra nhu cầu lớn về chất bán dẫn, do đó sẽ thu hút các nhà sản xuất chip xây dựng các nhà máy ngay tại quốc gia này. Giới chuyên gia công nghệ lo ngại rằng, nếu không thay đổi trong khi cuộc cạnh tranh ngành bán dẫn đang ngày càng khốc liệt thì sớm muộn Nhật Bản cũng bị gạt ra khỏi trật tự thế giới công nghệ mới.

Nhật Bản đưa ra 'dự án quốc gia' về chip sau nhiều thập kỷ thất bại

Nhật Bản sẽ tìm cách "thúc đẩy tăng trưởng" trong ngành công nghiệp chip của quốc gia, cố gắng thổi luồng sinh khí mới vào một lĩnh vực có công suất lớn nhưng lại gặp khó khăn trong việc tạo ra các sản phẩm tiên tiến.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết trong một báo cáo rằng, họ sẽ coi tăng trưởng ngành bán dẫn là một "dự án quốc gia" - cũng quan trọng như kế hoạch đảm bảo nguồn lương thực và năng lượng. Và chính phủ sẽ hỗ trợ việc thành lập các cơ sở sản xuất tại Nhật Bản, bao gồm cả việc liên doanh với các xưởng đúc chip ở nước ngoài.

Sự thúc đẩy này diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu đã đè nặng lên sản xuất trên nhiều ngành công nghiệp và đe dọa sản xuất ô tô của Nhật Bản. Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đều đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp chip nội địa của họ.

Thị phần bán dẫn toàn cầu của Nhật Bản giảm xuống chỉ còn 10% vào năm 2019, giảm từ 50% vào năm 1988. Nước này vẫn có 84 nhà máy sản xuất chip, nhiều nhất trên thế giới, nhưng họ không sản xuất đủ sản phẩm cao cấp. Do đó, Nhật Bản hiện phải nhập khẩu 64% chất bán dẫn của mình.

Báo cáo mới dựa trên một dự thảo chiến lược tăng trưởng từ Ban Thư ký Nội các Chính phủ được ban hành. Nhật Bản là nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới trong những năm 1980, nhưng sau đó đã thua các nước như Đài Loan và Hàn Quốc, giờ đây thua luôn cả Mỹ và Trung Quốc.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng sẽ tìm cách "cải tổ mạnh mẽ" các nhà máy sản xuất chip hiện tại được coi là quan trọng về mặt chiến lược trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ cũng sẽ tăng cường phát triển các chip cần thiết cho các hệ thống mạng viễn thông 5G và hỗ trợ đổi mới theo công nghệ xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem