"Kho báu" quý giá dưới những tán rừng Tây Nguyên đang chờ được đánh thức

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 28/04/2022 09:39 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk diễn ra sáng nay, 28/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, với nhiều tiềm năng, lợi thế, các tỉnh Tây Nguyên đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bình luận 0
"Kho báu" quý giá dưới những tán rừng Tây Nguyên đang chờ được đánh thức - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, với nhiều tiềm năng, lợi thế, các tỉnh Tây Nguyên đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: D.V

Tây Nguyên có lợi thế so sánh lớn trong phát triển nông nghiệp du lịch

Tây Nguyên là vùng đất được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả có thế mạnh. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng nông nghiệp của Tây Nguyên?

- Nông nghiệp Tây Nguyên nói chung và từng tỉnh trong khu vực nói riêng đều rất nhiều tiềm năng. Tây Nguyên là vùng đất có địa kinh tế, vị trí quốc phòng an ninh đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, Tây Nguyên có lợi thế lớn về đất đai sản xuất nông nghiệp, với khoảng 5,45 triệu hecta đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91%.

Thứ hai, Tây Nguyên có 3 sân bay, hệ thống đường giao thông đang phát triển, tạo điều kiện cho giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Tây Nguyên cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với 47 dân tộc anh em sinh sống, cùng những bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, riêng biệt, là lợi thế để các tỉnh Tây Nguyên phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, Tây Nguyên từ lâu đã là thủ phủ của nhiều cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn như cà phê, hồ tiêu, ca cao,... Mới đây, nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái cũng được định hình ở khu vực này như chanh leo, sầu riêng, bơ,...

Với diện tích rừng lớn, Tây Nguyên có tiềm năng phát triển dịch vụ môi trường rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong chỉ đạo của Chính phủ tới đây sẽ có đề án phát triển sâm Việt Nam, đây là một lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, trong đó có Bộ NNPTNT, nông nghiệp Tây Nguyên đã có bước chuyển quan trọng, nhiều chuỗi liên kết được hình thành, nhiều doanh nghiệp tìm đến Tây Nguyên để đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến trái cây.

"Kho báu" quý giá dưới những tán rừng Tây Nguyên đang chờ được đánh thức - Ảnh 2.

Phát triển dược liệu dưới tán rừng là một lợi thế của Tây Nguyên. Trong ảnh: Tham quan gian hàng cây giống sâm Ngọc Linh ở chợ sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum.

Dù có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp nhưng thực tế, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn nghèo. Theo Thứ trưởng làm thế nào để những tiềm năng của Tây Nguyên được đánh thức?

- Trên thực tế, hạ tầng của các tỉnh Tây Nguyên tuy đã được quan tâm và phát triển nhưng nếu so sánh bình diện chung giữa các vùng thì vẫn còn nhiều khó khăn, đến nay, bình quân thu nhập của người dân Tây Nguyên mới đạt 33,8 triệu đồng/người/năm, thấp hơn bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 11%, nguồn nhân lực qua đào tạo trong độ tuổi lao động mới đạt 13%.

Trong khi đó, dù sở hữu nhiều loại cây công nghiệp chủ lực, có giá trị xuất khẩu lớn nhưng nông sản của Tây Nguyên chủ yếu xuất bao chứ chưa xuất gói nhiều, có nghĩa mới chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp.

Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ cả về hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị thì mới đánh thức Tây Nguyên. 

Kỳ vọng tạo đột phá cho nông nghiệp Tây Nguyên 

Thứ trưởng có kỳ vọng gì về Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk?

- Đây không phải là lần đầu tiên Bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đó, Bộ đã phối hợp với Lai Châu tổ chức rất thành công một hội nghị như vậy, lần đầu tiên một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn lên đến 11.000 tỷ đồng. 

Cũng như ở Lai Châu, Bộ NNPTNT hy vọng, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Lắk sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hiểu địa phương và địa phương hiểu doanh nghiệp, thông qua đó trao giấy phép đầu tư, triển khai thực hiện.

Đơn cử như ở Lai Châu, để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tỉnh thành lập một tổ công tác đặc biệt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để khắc phục những hạn chế về trình tự thủ tục hành chính. 

Thông qua hội nghị lần này, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy lợi thế của Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cũng trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, nếu không có môi trường thuận lợi thì không thể cổ vũ doanh nghiệp. 

Tôi hy vọng, sau hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư, khai phá nông nghiệp Tây Nguyên bằng những chuỗi liên kết khép kín, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, cung cấp cây con giống, vật tư, đẩy mạnh chế biến và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem