"Khó hiểu" khi Bộ Công Thương khuyến khích dân đầu tư điện mặt trời nhưng không cho bán dư thừa?

An Linh Thứ tư, ngày 02/08/2023 10:09 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia, việc Bộ Công Thương khuyến khích người dân phát triển điện mái nhà "tự sản tự tiêu" là phù hợp, song không cho họ bán cho điện lực hoặc khách hàng khác sẽ đẩy khó cho người dân.
Bình luận 0

Cụ thể, tại báo cáo số 101/BC-TTg của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.

Vì sao "khuyến làm" điện mặt trời nhưng "không khuyến bán"?

Theo đó, Bộ Công Thương chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở nhưng không bán điện cho điện quốc gia hoặc tổ chức cá nhân khác. Ngoài ra, Bộ cũng để ngỏ khả năng khuyến khích, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời, sử dụng và bán lại cho ngành điện.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân này xuất phát từ truyền tải điện không đủ đáp ứng khi công suất điện mặt trời thường không ổn định, khó bù tải điện nền và có thể dẫn đến rủi ro cung ứng điện. Lượng điện mặt trời đấu nối cầu giao hai pha quá lớn, sẽ rủi ro truyền tải đường dây, trường hợp "sụt áp", điện nền khó đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao ở một hoặc nhiều khu vực nhất định, cục bộ.

"Khó hiểu" khi Bộ khuyến dân đầu tư điện mặt trời nhưng không cho bán dư thừa? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương khuyến khích dân phát triển điện mái nhà song không cho bán lên lưới gây khó cho người dân (Ảnh Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia khác đặt vấn đề, Bộ Công Thương, EVN cần tính toán xây dựng khu dự trữ pin cấp hạ áp, trung áp hoặc cho phép hộ dân tự đấu nối đường điện riêng, liên kết bán cho nhau trong khu vực có công suất nắng cao, ổn định. Với khu vực có số giờ nắng ít, thất thường như miền Bắc, miền Trung cần đầu tư pin trữ hoặc xem xét tính hiệu quả khi làm điện mặt trời.

Trong đề xuất cơ chế khuyến khích, Bộ Công Thương đề nghị ưu đãi thuế, phí, theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước có liên quan ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, công sở.

Đánh giá về các cơ chế ưu đãi này, một số chuyên gia, giới đầu tư điện mặt trời cho rằng khá chung chung, không rõ ràng cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Thậm chí, một số cơ chế còn không rõ rằng như Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, theo đó Chính phủ ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của dân, công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Theo đó, Chính phủ ưu tiên các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật. Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà hoặc thiết kế gói cho vay lãi suất ưu đãi.

Theo một số chuyên gia, báo cáo số 101 của Bộ Công Thương còn chung chung, chưa làm rõ vấn đề để khuyến khích người dân khi đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư điện mặt trời hai miền Nam và Bắc rất khác nhau.

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Với những ưu và nhược điểm của mình, dựa trên thế mạnh tự nhiên, có lẽ chỉ nên khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam, còn tại miền Bắc, từ Bắc Trung bộ trở ra thì nên cân nhắc bởi khí hậu 4 mùa, cường độ nắng không cao, thì cần cân nhắc hiệu quả để không ảnh hưởng chi phí đầu tư và truyền tải lưới điện".

"Khó hiểu" khi Bộ khuyến dân đầu tư điện mặt trời nhưng không cho bán dư thừa? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Trong báo cáo số 101 của Bộ Công Thương, vấn đề đang được tranh luận là Bộ Công Thương khuyến khích phát triển nguồn điện mái nhà công sở, nhà ở được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát lên lưới quốc gia, và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Điều này được hiểu, các chủ đầu tư điện mái nhà sẽ phải tự cân đối nguồn - tải tại chỗ, ưu tiên điện tự sản, tự tiêu. Nếu đầu tư điện mái nhà dư thừa cần lắp thêm pin lưu trữ điện, nếu khi điện mặt trời không đủ sử dụng, phải mua điện từ EVN, việc đầu tư thêm pin lưu trữ có thể làm tăng chi phí lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Thực tế, nếu quy định không được bán điện cho tổ chức cá nhân khác sẽ nảy sinh vấn đề điện mái nhà của người dân vượt công suất sử dụng trong ngày sẽ không bán được cho EVN hoặc khách hàng khác, dẫn đến lãng phí. Nếu phải đầu tư thêm pin lưu trữ, sẽ gây đội vốn đầu tư, tốn kém. Tại miền Bắc, khi số giờ nắng thấp, thời tiết 4 mùa nên điện mặt trời chỉ khai thác hiệu quả trong 3 tháng hè, trong khi đó nếu không có bộ lưu điện, điện thừa sẽ lãn phí, trong khi đó, mùa xuân, đông, số giờ nắng thấp, pin lưu trữ có thể không phù hợp vì không đủ sử dụng.

Theo chuyên gia từ EVN, sở dĩ kêu gọi người dân lắp đặt hệ thống điện mái nhà 1kW do ít chi phí, không tác động đến công suất, EVN chạy bù tải điện nền thấp, có tính phân tán và không ảnh hưởng nhiều tới lưới.

"Sản lượng của 1kW điện mặt trời tối ưu sản sinh 120-150 kWh/tháng, trong điều kiện nắng nóng như Nam bộ, nếu hộ sử dụng thấp, mức này đủ cả tháng nếu có pin lưu trữ, hộ dùng điện trung bình (trên 200kWh/tháng) là không đủ, bổ sung mua điện EVN. Bản chất khi hộ tiêu dùng sử dụng điện mặt trời quy mô hộ gia đình, EVN vẫn phải truyền tải dự phòng công suất tương đương mức sử dụng của gia đình đó, đề phòng trường hợp người dân không thể dùng điện mặt trời (do hết nắng, không có pin lưu trữ, dùng 100% điện lưới). Nếu người dân đầu tư 1kW đến 10kW điện mặt trời, EVN sẽ phải đầu tư truyền tải, tính toán dự phòng truyền tải điện tương ứng để đảm bảo sự cố, mất an toàn lưới", kỹ sư Hoà nêu.

Theo PGS, TS Trần Văn Bình, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, điện mặt trời có ưu và nhược điểm, nơi có bức xạ nhiệt cao (nắng nóng) sẽ có công suất điện cao, nhưng khi không có nắng hoặc bị đám mây che lấp, bức xạ nhiệt giảm, sản lượng điện suy giảm (hiện tượng sụt áp diễn ra). Chính vì vậy, lắp đặt điện mặt trời cũng cần căn cứ trên điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng.

Khu vực phía Nam, nếu hộ gia đình công sở sử dụng điện ban ngày nhiều có thể, việc đầu tư hiệu quả. Nhưng nếu tại các tỉnh miền Trung, phía Bắc, nếu hộ dân đầu tư pin trữ điện mặt trời, chỉ hiệu quả trong thời gian 3 tháng hè, còn lại không hiệu quả, vẫn phải dựa vào điện lưới và cần phải tính toán có nguồn điện nền chạy song song. "Về cơ bản, mức sử dụng điện của người dân không lớn, lại phân tán nên việc lắp điện mặt trời chỉ sử dụng thêm là hợp lý đối với miền Bắc, còn thay thế hoàn toàn điện lưới là rất khó", ông Bình nói.

Lấy gì để khuyến khích 12,5% nhà dân trên cả nước lắp 1kW điện mặt trời?

Trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, cơ quan này nhấn mạnh chỉ cần hơn 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021-2030).

Thực tế, trong Quy hoạch Điện VIII mà Thủ tướng mới phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Hiện, tỷ lệ người dân lắp đặt điện mặt trời tự sản, tự tiêu hoặc doanh nghiệp lắp đặt để tự sử dụng chủ yếu diễn ra ở một số địa phương phía Nam, nơi có cường độ nắng cao. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí như Quy hoạch điện VIII đặt ra, còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành điện phải có nhiều chính sách khuyến khích, thậm chí theo nhiều chuyên gia là phá rào.

Bộ Công Thương cho biết, tính hết ngày 31/12/2020, cả nước có hơn 103.809 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt hơn 9.600 MW. Từ năm 2021 đến nay, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự phát để sử dụng, chưa được kiểm soát.

"Khó hiểu" khi Bộ khuyến dân đầu tư điện mặt trời nhưng không cho bán dư thừa? - Ảnh 3.

Theo giới chuyên gia, với ưu và nhược điểm của điện mặt trời, chỉ có khu vực phía Nam người dân mới đầu tư hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, người am hiểu điện mặt trời và bản thân người dân lắp điện mặt trời, chính sách ưu đãi cho điện mặt trời hiện chưa cụ thể, chung chung và hầu hết hộ gia đình chưa tận hưởng. Đa số người dân đầu tư điện mặt trời thời gian qua vì điều kiện nắng nóng thuận lợi, có điện sử dụng và khi thừa có thể bán lại cho điện lực bằng hình thức nối lưới.

Thời điểm tháng 6/2023, Bộ Công Thương đề xuất các nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, họ được giảm thuế phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp tự tay "chèo", thậm chí khi Nhà nước ngừng mua điện mái nhà dôi dư, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực sự bất an, khốn khổ.

Việc mua điện mái nhà của dân đã từng được ngành điện đến hết 31/12/2020, nhưng từ ngày 1/1/2021, EVN dừng việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Điều này ảnh hưởng đến việc mở rộng và tăng tỷ lệ điện mặt trời, khiến một số hộ dân "lỡ" đầu tư điện mái nhà ở khu vực phía Nam như ngồi trên đống lửa bởi không biết xử lý công suất phát điện dư thừa ra sao trong khi không muốn đầu tư hệ thống pin lưu trữ do chi phí đắt đỏ, không hiệu quả.

Về suất đầu tư và bài toán hiệu quả cho người dân đầu tư điện mái nhà, theo một số chuyên gia điện mặt trời tại EVN Hà Nội, nếu người dân đầu tư điện mặt trời nhu khuyến cáo của Bộ Công Thương là 1kW (tương đương 3 tấm panel) sẽ sản sinh công suất điện 120 đến 150kWh/tháng, mức trung bình thấp cho hộ gia đình. Suất đầu tư cho thiết bị này là 15 đến 25 triệu đồng (bao pin có thể 40-50 triệu đồng/bộ). Sản lượng điện này chỉ hỗ một phần (30%) lượng điện tiêu dùng của một gia đình tại Hà Nội, chưa thể thay thế hoàn toàn điện lưới. Nếu muốn thay thế hoàn toàn điện lưới, hộ gia đình sẽ phải đầu tư hệ thống điện mái nhà từ 3kW trở lên. Nếu đầu tư hệ thống điện mặt trời từ 3kW đến 10kW, hộ gia đình có thể dôi dư điện, bán cho EVN hoặc cho khách hàng khác.

Đơn cử, với hệ thống 3kW, tương đương 12 tấm panel, công suất sản lượng bình quân trong điều kiện tối ưu (nhiều nắng nóng) là 360kWh – 450kWh/tháng, mức giá đầu tư sẽ vào khoảng 45-50 triệu đồng/ gói. Tuy nhiên, chuyên gia về điện mặt trời cho rằng hệ thống 3kW điện mái nhà chỉ phát điện tối đa trong điều kiện lý tưởng khi nắng đều 10 giờ đến 15 giờ chiều. Vì vậy, đối tượng sử dụng thích hợp nhất là nhà trẻ tư nhân, hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, công sở nơi có lượng người sử dụng đông đúc, phụ tải trong ngày cao.

"Khó hiểu" khi Bộ khuyến dân đầu tư điện mặt trời nhưng không cho bán dư thừa? - Ảnh 4.

Theo thống kê đến hết 31/12/2020, cả nước có hơn 103.809 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt hơn 9.600 MW (Ảnh EVN).

Tuy nhiên, nếu hộ dân đầu tư hệ thống 3kW cho gia đình sử dụng cả ngày thay điện lưới, bắt buộc phải có hệ thống lưu trữ pin. Nếu tính cả tiền pin, hộ gia đình sẽ phải đầu tư khoảng 75 đến 120 triệu đồng/ gói/ tuỳ loại, chi phí rất lớn. Trong điều kiện khí hậu Việt Nam, các tỉnh phía Nam sẽ có điều kiện lý tưởng vì đặc trưng nắng nóng quanh năm và hình thức lắp đặt có thể là nối lưới hoặc độc lập. Tuy nhiên, nối lưới vẫn phù hợp vừa có thể đăng ký bán điện dư thừa vừa mua điện khi thiếu.

Chuyên gia điện của Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR) cho rằng, không thể phát triển điện mặt trời độc lập mà không có điện nền đối ứng đủ lớn để bù trừ công suất. Điện mặt trời có nhược điểm là chỉ phát ban ngày, bức xạ nhiệt cao nhất (9- 16 giờ trong ngày). Vậy, đêm và sáng sớm, lấy điện đâu để dùng, phải có điện tích trữ hoặc điện lưới.

Theo vị này, nếu điện tích trữ đủ dùng trong ngày, thì phải tính đến tình trạng nhiều ngày không có nắng hoặc có bão, mây khiến điện mặt trời không thể phát hoặc phát kém thì lấy điện ở đâu bù trừ. Như vậy, bài toán là nhà dân đầu tư 1kW - 3kW điện mặt trời sẽ sản sinh công suất 120kWh/tháng đến 450kWh/tháng (trong điều kiện tối ưu). Trường hợp này, ngành điện cũng phải dự trù công suất tương đương để truyền tải, nhằm tránh sự cố, hộ gia đình mất điện mặt trời, sẽ mua được điện lưới. Từ 1-3kW điện mặt trời, tính phân tán nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến lưới truyền tải, nhưng đối với hộ dân dùng đầu tư từ hàng chục kW điện mặt trời, vấn đề dự trù điện nền truyền tải sẽ là rất lớn đối với EVN, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn lưới điện.

Nhiều người đầu tư điện mặt trời áp mái than phiền đầu tư trọn gói hệ thống điện mặt trời ngốn từ 50-70 triệu đồng/tháng, thậm chí hơn 100 triệu đồng tương đương số tiền mua điện lưới cho gia đình từ 3 đến 5 năm, nhưng từ năm thứ 6 trở đi, các tấm panel sẽ suy giảm công suất, sang năm thứ 7 sẽ phải thay thế và duy tu nhiều gây phát sinh chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, cần Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi các tấm panel để đảm bảo an toàn môi trường. Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi vay rất cần thiết nhằm giảm suất đầu tư cố định cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan công sở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem