Khó khăn bủa vây, ngân hàng “mòn mỏi” đợi hồi âm giảm cước, phí

Huyền Anh Thứ ba, ngày 01/09/2020 10:26 AM (GMT+7)
Dù nhiều lần đề nghị, các ngân hàng vẫn chưa được các nhà mạng trong nước và các tổ chức thẻ quốc tế (Visa và Mastercard) giảm phí.
Bình luận 0

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, để hỗ trợ các ngân hàng hội viên thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản số 87/HHNH-PLNV ngày 9/4/2020 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn (SMS) đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Ngân hàng than lỗ vì phí dịch vụ tin nhắn, nhà mạng "làm ngơ"?

Tuy nhiên, sau 3 lần gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn với dịch vụ tài chính ngân hàng (lần gần nhất là 17/7/2020), đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được bất kỳ sự phản hồi nào.

Được biết, hiện nay phí SMS banking được ngân hàng thu ở mức thấp và chỉ thu 1 lần/tháng (từ 5.500đ/tháng đến 8.800đ/tháng, một vài ngân hàng thu 11.000đ/tháng). Nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng nhằm tăng tiện ích công nghệ cho khách hàng, người dân và đẩy mạnh chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến.

Mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Thực tế một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đ/giao dịch thanh toán. Bình quân mỗi khách hàng có từ 15 – 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 – 30 tin nhắn/tháng, tương đương khoảng 20.000 – 25.000đ/tháng.

Trong khi giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 tỷ - 9 tỷ đồng/tháng. Ở ngân hàng lớn thì chi phí lớn hơn nhiều. Do đó, nhiều ngân hàng cho biết đang phải "gánh" lỗ hàng trăm tỷ đồng với dịch vụ tin nhắn.

Lời "hứa" từ Visa và MasterCard

Không chỉ bị "làm ngơ" trước đề xuất giảm giá cước tin nhắn, các ngân hàng cũng đang trong "tâm thế" mỏi mòn đợi Visa và Mastercard hồi âm về giảm phí dịch vụ.

Cụ thể, theo phản ánh của các ngân hàng, hiện Visa và MasterCard đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu quá nhiều loại phí đối với một loại giao dịch. Theo thống kê trung bình, các ngân hàng thanh toán đang phải trải cho Visa, MasterCard từ 3 - 4 loại phí trên mỗi giao dịch. Mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.

Trong khi đó, nhằm hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng rất lớn, đến nay khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Khó khăn bủa vây, ngân hàng “mòn mỏi” đợi hồi âm giảm cước, phí - Ảnh 2.

Khó khăn bủa vây, ngân hàng “mòn mỏi” đợi hồi âm giảm cước, phí

Việc giảm phí nói trên khiến cho các ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh. Trước tình hình trên, Hiệp hội ngân hàng đã thay mặt các ngân hàng Việt Nam gửi công văn tới các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Mastercard đề nghị miễn, giảm một số loại phí giao dịch thẻ để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

"Ngay sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị, hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, có ý kiến trả lời với Hiệp hội. Cụ thể, hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu của mình", ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho hay.

Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn 4 tháng, Hiệp hội và các ngân hàng vẫn phải tiếp tục chờ đợi và yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam. 

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí là đúng và trúng. Bởi lẽ, ngành ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức thẻ Visa và MasterCard cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, theo như đề nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

"Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam" - ông Hiếu nói.

Để hiệu quả hơn, vị chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không chỉ Hiệp Hội Ngân hàng, hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo phản ánh của các ngân hàng, nửa đầu năm nay, do ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh số phát hành và thanh toán thẻ giảm mạnh song các ngân hàng lại trả quá nhiều loại phí trên mỗi giao dịch cho Visa, MasterCard.

Cụ thể, trong cơ cấu thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu, bao gồm rất nhiều loại phí: vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn tới tình trạng thu phí chồng phí với một giao dịch.

Đơn cử, với một giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như: phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ… và nhiều loại phí khác.

Chính vì vậy, giải pháp trước mắt, Hiệp hội đề nghị, đối với phí xử lý giao dịch, Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành.

Đồng thời, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí. Bên cạnh đó, chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.

Đối với phí trao đổi (interchange fee) ngân hàng thanh toán phải trả ngân hàng phát hành, hiện nay, do mức phí trao đổi các tổ chức thẻ quốc tế thu cao nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard giảm mức phí interchange cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị, Visa và Master cần rà soát, điều chỉnh chính sách phí dài hạn nhằm hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam.

Cụ thể, đối với phí trả cổng thanh toán, đề nghị giảm 50% phí xử lý giao dịch (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch) và miễn phí đối với các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng thanh toán và phí bảo trì hàng tháng.

Đối với chính sách thu phí, Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng trong việc dễ dàng theo dõi tình hình thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế.

Đồng thời, có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, giảm bớt mức phí để phù hợp với mức phí của tổ chức chuyển mạch thẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem