2 lần giảm phí, ngân hàng “hy sinh” gần 600 tỷ

03/04/2020 08:57 GMT+7
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau 2 lần giảm phí trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng khoảng 560 tỷ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05 tháng 12 năm 2013 của NHNN ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN.

Theo đó, tại Thông tư số 04/2020/TT-NHNN đã điều chỉnh giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 "Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng" tại Phần III "Phí dịch vụ thanh toán trong nước" Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN; thời gian áp dụng từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NHNN đã thực hiện.

Thời gian thực hiện từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát lại biểu phí dịch vụ thanh toán của tổ chức mình (loại phí, mức phí) và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc áp dụng miễn/giảm phí và thông tin công khai, rộng rãi tới khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng; Báo cáo Thống đốc NHNN về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí (thông qua Vụ Thanh toán) trước ngày 15/4/2020 để tổng hợp và theo dõi.

2 lần giảm phí, ngân hàng “hy sinh” gần 600 tỷ - Ảnh 1.

2 lần giảm phí, ngân hàng “hy sinh” gần 600 tỷ

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, NHNN đã có 02 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Lần 1, tại Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/02/2020, NHNN chỉ đạo TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ. Chính sách này áp dụng từ ngày 25/2/2020.

Trong đợt giảm phí lần 1, Napas đã thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương và một số ngân hàng cũng đã triển khai thực hiện miễn phí dịch vụ như: Vietcombank, Agribank…..

Lần 2, NHNN đã có văn bản số 1680/NHNN-TT ngày 13/3/2020 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ lần 2 đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Sau 02 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả 02 lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.

Qua đó, ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Đặc biệt, đối với giao dịch chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí.

Ngày 24/3/2020, NHNN đã có công văn số 2094/NHNN-TT ngày 24/3/2020 chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.

Không chỉ NHTM giảm phí dịch vụ thanh toán, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng 2 lần giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng. Giải pháp của CIC ngoài việc giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tin tín dụng của CIC là tất cả các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Lần 1, mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian triển khai từ tháng 01/2020 đến hết tháng 04/2020.

Lần 2, CIC thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, là cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng cho khách hàng.  Đây là hành động thiết thực, kịp thời của CIC trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh. 

Bên cạnh các chính sách về miễn, giảm phí, nhiều NHTM còn triển khai các chính sách về giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ và cả khoản vay mới, hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

PV
Cùng chuyên mục