Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài 2): “Giấc mơ” của các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 28/08/2021 09:58 AM (GMT+7)
Bỏ ra hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống kho lạnh, silo hiện đại để bảo quản nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay là việc đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện.
Bình luận 0

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã (HTX) thì bản thân họ sở hữu một kho lạnh để bảo quản nông sản vẫn chỉ là "giấc mơ".

Chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư kho lạnh

ĐBSCL được coi là "vựa" nông sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở khu vực này đã làm cho nông sản tiêu thụ rất khó khăn. Điều này dẫn tới nhu cầu lưu trữ nông sản, thực phẩm tăng đột biến khiến ngành kinh doanh kho lạnh trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Năm 2020, Công ty TNHH Dịch vụ Vận chuyển CMU Logistics (TP.HCM) đã đầu tư 160 tỷ đồng để xây dựng kho lạnh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, sức chứa 12.000 pallet (khoảng 12.000 tấn) được chia thành nhiều ô cài đặt nhiệt độ khác nhau để trữ được nhiều loại nông sản, trái cây và thủy sản. Bà Nguyễn Tú Uyên - Tổng Giám đốc cho hay, việc đầu tư kho lạnh giúp công ty hoàn chỉnh dịch vụ logistics lạnh cho khách hàng nên dù chưa đi vào hoạt động nhưng đã có lượng khách đặt chỗ trước, do đó dự kiến có thể hoàn vốn sau 5 năm.

Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài 2): “Giấc mơ” của các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã - Ảnh 1.

Do không tiêu thụ được và không có hệ thống kho lạnh để bảo quản nên củ cải của thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) có lúc phải đổ bỏ. Ảnh: T.L

"Trước kia, mỗi ngày HTX xuất đi khoảng 20 - 30 tấn rau, củ thì khoảng 1 tháng trở về đây, các mặt hàng rau, củ tồn đọng rất nhiều. Nếu HTX đầu tư được kho lạnh thì tiêu thụ nông sản sẽ rất thuận lợi".

Ông Đàm Văn Đua -

Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao

Là đơn vị xuất khẩu gạo, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng đã chi 3 triệu USD để xây dựng hệ thống silo để bảo quản gạo, từ đó đơn vị này đã chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng xuyên suốt 12 tháng trong năm, với chất lượng giá cả luôn ổn định. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, gạo là một mặt hàng kinh doanh, xuất khẩu có điều kiện (phải được Bộ Công Thương cấp phép), doanh nghiệp muốn mạnh trong ngành hàng này phải luôn chủ động nguồn hàng. Muốn đạt được như vậy thì phải có vùng nguyên liệu trồng lúa ổn định. Song song với đó phải có hệ thống sấy lúa ướt và chứa lúa khô với công nghệ tiên tiến hiện đại theo dây chuyền tự động.

"Với 10 silo, mỗi silo chứa 3.000 tấn, chi phí đã hết 3 triệu USD. Xây hệ thống silo dù đắt vậy nhưng tính ra vẫn rẻ hơn xây kho chứa" - ông Bình nói và cho biết, nếu chứa lúa khô trong kho thì không thực hiện được vì không đủ nhân công xúc lúa vào bao, cất vào kho. "Làm như vậy không đáp ứng được tiến độ, trong khi hệ thống silo thì hoàn toàn tự động và dự trữ theo công nghệ châu Âu, chất lượng lúa gạo hoàn toàn yên tâm. Chính vì vậy, chúng tôi chuẩn bị đầu tư thêm 20 silo để tăng sức chứa thêm 60.000 tấn nữa" - ông Bình chia sẻ.

Doanh nghiệp nhỏ, HTX gặp khó

Đối với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh thì việc đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản là câu chuyện không quá khó khăn. Nhưng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bài toán này dường như hơi "quá sức".

Là đơn vị xuất khẩu nông sản được thành lập từ năm 2017, thị trường chủ yếu của Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) là xuất khẩu 90% sang thị trường Trung Quốc, phần còn lại tiêu thụ trong nước và xuất đi châu Âu. Bởi vậy, để đảm bảo được chất lượng nông sản thì việc phải thuê kho lạnh là điều không thể không làm.

Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài 2): “Giấc mơ” của các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã - Ảnh 3.

Để có hệ thống bảo quản nông sản (lúa, gạo) như thế này, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phải đầu tư khoảng 3 triệu USD. Ảnh: PV

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm, sau khi thu mua của nông dân, nông sản sẽ được chuyển lên container lạnh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không thuận lợi, bị ùn ứ thì chi phí lưu kho ở các cửa khẩu là tương đối lớn. "Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp phải chịu giá cước phí container tăng chóng mặt và chi phí lưu kho lạnh cũng đang ở mức cao ngất ngưỡng" - bà Tuyết nói.

"Công ty tôi phải thuê 1 kho lạnh để bảo quản nông sản ở Gia Lâm, Hà Nội chi phí phải bỏ ra 700.000 đồng/tấn/tháng" - bà Tuyết cho hay, bà cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ về xuất khẩu nông sản thì việc phụ thuộc vào kho lạnh là không thể tránh khỏi, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Còn theo ông Đàm Văn Đua - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), HTX rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không có tiềm lực về vốn. Mê Linh được biết đến là vùng cung cấp rau, củ lớn của Thủ đô. Theo ông Đua, nếu HTX có kho lạnh để bảo quản nông sản thì việc đổ bỏ sẽ gần như không xảy ra. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng kho lạnh là rất tốn kém về chi phí, trong khi đó, HTX không đủ tiềm lực để thực hiện, nên điều này vẫn chỉ là "giấc mơ". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem