'Khó sống' sau lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei phải bán thương hiệu smartphone Honor

10/11/2020 15:28 GMT+7
Huawei hiện đang có kế hoạch bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor cho một tập đoàn do nhà phân phối thiết bị di động Digital China và chính quyền Thâm Quyến hậu thuẫn, một nguồn tin thân cận của Reuters cho hay.
'Khó sống' sau lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei phải bán thương hiệu smartphone Honor - Ảnh 1.

Cạn linh kiện chip sau lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei phải bán thương hiệu smartphone Honor

Kế hoạch bán thương hiệu Honor được đưa ra trong bối cảnh các hạn chế thương mại của chính phủ Mỹ buộc nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới phải lựa chọn con đường cay đắng: chỉ tập trung vào dòng smartphone cao cấp.

Trước đó, nhà quan sát công nghệ Ming-Chi Kuo từng có lần tiết lộ Huawei đang xem xét bán Honor cho một tập đoàn Trung Quốc do nguồn dự trữ linh kiện smartphone cạn kiệt sau lệnh cấm vận của Mỹ. Giải pháp tình thế này không chỉ giúp Huawei không còn chịu áp lực phát triển hai thương hiệu smartphone cùng lúc dưới sức ép từ Mỹ, vừa tạo cơ hội cho sự phát triển của Honor trong tương lai.

Theo nguồn tin của Reuters, giá trị thương vụ này khoảng 100 tỷ NDT. Việc bán Honor sẽ bao gồm hầu hết các tài sản từ thương hiệu, mảng nghiên cứu và phát triển, quản lý chuỗi cung ứng. Dự kiến, Huawei sẽ công bố thương vụ sớm nhất vào cuối tuần này.

Nhà phân phối thiết bị di động Digital China Group Co Ltd sẽ trở thành một trong hai cổ đông hàng đầu với 15% cổ phần của Honor Terminal Co Ltd, doanh nghiệp mới được tách ra khỏi Huawei. Digital China Group trước đó là đối tác lớn của Huawei trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như điện toán đám mây…. Ngoài ra, thương vụ còn có sự tham gia của ít nhất 3 công ty đầu tư tài chính và công nghệ do chính quyền Thâm Quyến hậu thuẫn, mỗi công ty sở hữu từ 10-15% cổ phần Honor Terminal Co Ltd.

Sau thương vụ bán lại, dự kiến Honor vẫn sẽ giữ lại hầu hết đội ngũ quản lý và 7.000 nhân viên. Chưa có xáo trộn nhân sự nào được tiết lộ.

Hiện Huawei, Digital China và chính quyền Thâm Quyến chưa đưa ra bình luận nào về thương vụ này.

Huawei thành lập thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào năm 2013. Đây là thương hiệu smartphone cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nội địa là Xiaomi, Oppo và Vivo trên thị trường thiết bị di động giá rẻ. Smartphone Honor cũng chiếm thị phần lớn ở Đông Nam Á và Châu Âu.

Theo ước tính của nhà nghiên cứu Canalys, tính riêng trong quý III/2020, smartphone thương hiệu Honor chiếm khoảng 26% trong số 51,7 triệu thiết bị di động mà Huawei xuất ra thị trường. Ngoài smartphone, Honor cũng sản xuất laptop, máy tính bảng, smart TV và nhiều phụ kiện điện tử.

Một nguồn tin cho hay năm ngoái, Honor báo cáo lợi nhuận ròng khoảng 6 tỷ NDT trên 90 tỷ NDT doanh thu.

Các nhà phân tích cho hay việc Huawei thoái vốn khỏi Honor sẽ giúp thương hiệu này tránh được các lệnh hạn chế trừng phạt của Mỹ. Trước đó, hồi tháng 5, Washington đã siết chặt hàng loạt quy tắc hạn chế xuất khẩu nhắm trực tiếp vào nguồn cung linh kiện của Huawei. Theo đó, mọi nhà cung cấp sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Từ thời điểm đó, Huawei gần như không thể mua thêm chip từ các nhà cung cấp quen thuộc như TSMC (Đài Loan) để sử dụng trong sản xuất smartphone và chip bộ xử lý mạng 5G.


NTTD
Cùng chuyên mục