Khốc liệt hạn mặn, vì sao ở Tiền Giang đang chống hạn mặn bằng nước mặn?

Trần Đáng Thứ hai, ngày 08/04/2024 10:31 AM (GMT+7)
Tình hình hạn mặn năm 2024 ngày càng khốc liệt. Tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn. Tuy nhiên, tỉnh này cũng đã triển khai lấy nước mặn vào nội đồng để chống…hạn mặn.
Bình luận 0

Để chống hạn mặn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang vừa tổ chức vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa, với độ mặn nhỏ hơn 2g/l. Hiện mỗi ngày, cống Xuân Hòa lấy vô 900 đến 1 triệu m3 nước mặn dưới 1,5 gam/lít.

Khốc liệt hạn mặn, vì sao ở Tiền Giang đang chống hạn mặn bằng nước mặn?- Ảnh 1.

Bức bối hạn mặn, anh Lê Tấn Thanh Bình, một nông dân ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), đặt ống lấy nước mặn từ cống Xuân Hòa đổ về để tưới cây. Ảnh: T.Đ

Bức bối hạn mặn, có nên lấy nước từ cống Xuân Hòa để tưới cây

Theo anh Lê Tấn Thanh Bình, một nông dân ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) cho biết, nước mặn sau khi qua cống Xuân Hòa đã đổ về xã Xuân Đông từ ngày 3.4 cho đến nay.

Mấy ngày nay, sáng nào anh Bình cũng ra kênh thử độ mặn của nước rồi lấy vào hồ để xử lý trước khi tưới cây kiểng, vườn bưởi và dừa. Sáng nay 7/4, độ mặn dưới kênh ở khu vực xã Xuân Đông là 1,23 phần 1.000.

"Ở đây, nông dân phải tranh thủ lấy nước từ sáng, chứ để tới chiều là nước đổ về các huyện phía Đông hết", anh Bình cho biết.

Cũng theo anh Bình, do làm nghề trồng cây kiểng, nên trước khi nước mặn từ cống Xuân Hòa đổ về, anh đã được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang khuyến cáo hạn chế lấy nước mặn tưới cho cây kiểng, vì cây mẫn cảm với nước mặn.

Tại huyện Gò Công Tây, ông Mai Đức Tấn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây cho biết, hiện nước mặn từ cống Xuân Hòa đã đổ về tới địa phương.

Khốc liệt hạn mặn, vì sao ở Tiền Giang đang chống hạn mặn bằng nước mặn?- Ảnh 3.

Người dân vùng hạn mặn Tiền Giang phải kiểm tra độ mặn nước từ cống Xuân Hòa về trước khi sử dụng. Ảnh: T.Đ

Một số kênh chính trong nội đồng, mấy ngày trước cạn kiệt nước, giờ mực nước đã dâng cao 3 - 4cm. Tuy nhiên, đấy là những kênh chính, còn hầu hết những con nhỏ vẫn khô cạn, chưa nhận được nước từ cống Xuân Hòa.

Ông Tấn cho biết, nước mặn thấp độ từ cống Xuân Hòa về sẽ hòa lẫn với nước mặn trong kênh tại khu vực cho ra loại nước có độ mặn trung bình là 1,5g/l.

"Nước mặn từ cống Xuân Hòa đang được bà con người dân tranh thủ tận dụng để tưới cây cối, sinh hoạt với hy vọng vượt qua hạn mặn năm nay", ông Tấn thổ lộ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), mặc dù nước từ cống Xuân Hòa đã về tới địa phương, nhưng ông Tốt khuyến cáo nông dân không đưa nước vào vườn, không dùng nước tưới cây, nhất là bưởi và dừa. Hiện, xã Thạnh Nhựt khoảng 400ha trồng dừa và hơn 30ha trồng bưởi da xanh.

"Nước mặn từ cống Xuân Hòa về chỉ có thể để chống sạt lở bờ kênh, rạch chứ không thể dùng để tưới cây. Tôi cho rằng, với độ mặn của nước hiện nay nếu đem tưới cây bưởi hay dừa nhiều khả năng cây sẽ rụng trái non", ông Tốt chia sẻ.

Khốc liệt hạn mặn, vì sao ở Tiền Giang đang chống hạn mặn bằng nước mặn?- Ảnh 5.

Các kênh trục chính ở huyện Gò Công Tây từ chỗ khô hạn do hạn mặn đã có nước từ cống Xuân Hòa đổ về. Ảnh: T.Đ

Chống hạn mặn bằng nước mặn

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đã tổ chức vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa từ chiều tối ngày 3/4 với độ mặn lấy vào tại cống khống chế nhỏ hơn 2,0g/l; mực nước trên các kênh trục chính, kênh sườn duy trì nhỏ hơn - 0,3m.

Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang lý giải, việc lấy gạn nước ngọt vào nội đồng nhằm nâng cao mực nước trên các kênh trục chính, kênh sườn trong vùng Dự án "Ngọt hóa Gò Công" với mục tiêu hạ nền nhiệt do nắng nóng gây ra.

Đồng thời, hạn chế phèn, mặn nội tại trong đất phát sinh và mặn phía ngoài sông thẩm thấu vào vùng dự án gây ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Mặt khác, điều này còn giúp hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở bờ kênh, rạch có thể xảy ra khi mực nước nội đồng ngày càng hạ thấp.

Khốc liệt hạn mặn, vì sao ở Tiền Giang đang chống hạn mặn bằng nước mặn?- Ảnh 7.

Cống Xuân Hòa đang làm nhiệm vụ cấp nước cho khu vực Dự án "Ngọt hóa Gò Công" để chống hạn mặn năm 2024. Ảnh: T.Đ

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, vùng Dự án "ngọt hóa Gò Công" hiện tại nước mặn nội đồng phát sinh do trong đất phèn chảy ra thẩm thấu bên ngoài vào trên 2g/l và ô nhiễm, các tuyến đê trên 5g/l. Lấy nước vào để cải thiện môi trường, giữ ém mấy tầng phèn, hạn chế sạt lở. Thậm chí, độ mặn nước 2g/l vẫn tưới được cho cây thanh long, cỏ rất tốt.

Ngày 5.4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã ban hành Quyết định 586/QĐ-UBND về việc Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem