Khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19

Nhật Lệ Thứ sáu, ngày 21/02/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng, thị trường du lịch “đóng băng” trong hơn một tháng trở lại đây gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhiều công ty lữ hành đứng trước nguy cơ phá sản. Tìm và triển khai ngay giải pháp để vực dậy ngành du lịch, “phá băng” trên thị trường chính là mục tiêu chung của doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Giảm 80% doanh thu

Sự thiệt hại của ngành du lịch cả nước nói chung và  TP.HCM nói riêng chỉ trong một tháng đã thấy rõ. Trung tâm du lịch lớn của cả nước nay lao đao vì khách Trung Quốc (vốn chiếm 15% thị phần), do dịch bệnh phải  hủy tour khiến doanh thu giảm từ 60-80%.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch TP.HCM cho biết, khách du lịch đến thành phố bằng đường hàng không tháng 2 giảm 28,35% so với tháng 1 và giảm 22,72%  so với cùng kỳ.

Theo đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP.HCM, mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và toàn quý I là giảm doanh thu từ 40 - 60%, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh đón khách thị trường Trung Quốc thì giảm mạnh doanh thu từ 70 - 80%.

img

 Đoàn khách nước ngoài thoải mái đi thăm thú các địa danh nổi tiếng ở Hà Nội (chụp ngày 19/2).  (ảnh: phạm hưng)

Các doanh nghiệp kinh doanh thị trường out-bound cho biết, lượng khách đăng ký tour tại Việt Nam giảm mạnh, điển hình như: Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Còn với các khách sạn từ 3-5 sao, phần lớn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài; tổng doanh thu giảm 60-70%.

Chiều nay (21/2), tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức lễ công bố Liên minh kích cầu Du lịch Việt Nam năm 2020 và Chương trình xúc tiến du lịch 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk và Gia Lai.

Theo số liệu cung cấp của một số nhà hàng lớn trên địa bàn TP.HCM, lượng khách giảm từ 30 - 50%, có nơi 70%. Bên cạnh đó, tình hình khách tham quan các địa điểm du lịch trên địa bàn giảm khoảng từ 30-40%; lượng khách tham quan chủ yếu là đi theo các chương trình du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tour mới hiện ít có người đặt tiếp.

Không chỉ “an toàn” suông

Khi chiến dịch “Tôi an toàn” được một doanh nghiệp du lịch lớn khởi xướng mới đây, nhiều chuyên gia tin rằng cùng với các chương trình kích cầu và quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn, du khách sẽ sớm quay trở lại. Hiện tại, một số tỉnh thành sắp công bố hết dịch, là điều kiện thuận lợi đầu tiên để thu hút khách du lịch. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để du khách biết Việt Nam thực sự an toàn để đưa gia đình họ đến đây?

Ngày 20/2, một vị khách người Mỹ đã đặt câu hỏi khi trao đổi với phóng viên: “Vì sao ngành du lịch kêu gọi du khách quay trở lại và không ngừng quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, mà toàn bộ học sinh trên địa bàn TP.HCM cùng một số tỉnh lại nghỉ học?”. Đem trao đổi vấn đề này, nhiều chuyên gia du lịch lắc đầu, và bày tỏ họ chỉ mong học sinh quay trở lại trường học như ở các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia... Đây là một minh chứng về sự an toàn, hơn là các khẩu hiệu suông.

img

 Khách du lịch được phát miễn phí và sử dụng khẩu trang khi tham quan TP.HCM.  (ảnh: Nhật Lệ)

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Lửa Việt Tours, nhận định: Hiện nay, tại Nha Trang, khách Nga vẫn khá đông, nhưng khách Việt thì lại muốn ở nhà. Nếu có khách Việt thì cũng chỉ có khách các tỉnh khác, còn người TP.HCM đi rất ít.

“Thế nên, theo tôi, việc  cần làm ngay là cho trẻ con, học sinh, sinh viên đi học trở lại. Không ai dám cho trẻ con đi học thì làm sao còn ai dám đi chơi? Thứ hai, khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường thì cuộc sống của người dân không bị xáo trộn. Trẻ con ở nhà nhiều khi không ai quản, dễ bị tai nạn hoặc bất trắc. Thực ra, đây là dịp du lịch trong nước thuận lợi hơn cả. Ở các vùng quê chẳng mấy ai đeo khẩu trang, mà nếu có lây nhiễm thì nguy cơ sẽ thấp hơn so với  mật độ dày đặc ở thành phố. Hơn nữa, về mặt chuyên môn, Việt Nam đã chứng minh được khả năng chữa trị và cứu sống các bệnh nhân mắc Covid-19. Còn tâm lý bất an  thì người dân làm sao đi du lịch?” - ông Mỹ  phân tích.

Cũng theo ông Mỹ, slogan “Tôi an toàn” nên đổi thành  “Việt Nam an toàn” và các nhà làm du lịch hãy học theo Tây Ban Nha với 4 chữ S: Việt Nam Safe, Sea, Sun, Sand (Việt Nam an toàn, biển, nắng và cát).

Một vấn đề nữa đặt ra là vào tháng 5 - tháng vào mùa du lịch, học sinh vẫn phải đi học, thậm chí năm nay chưa chắc nghỉ hè, thì làm sao cha mẹ yên tâm đi du lịch? Một chuyên gia du lịch cho rằng, nên chăng có kế hoạch cho học sinh ôn bài trực tuyến, giảm tải chương trình, để đến kỳ nghỉ hè ít nhiều còn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Còn nếu không thì kích cầu du lịch cũng rất khó.

Cơ chế mở, thông thoáng

Theo bà Ánh Hoa, sau khi dịch bệnh được khống chế, tình hình du lịch địa phương sẽ có khả năng hồi phục nhanh, trước hết là thị trường khách nội địa. Nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 3 thì du lịch nội địa có thể hồi phục ngay khi vào mùa, mà cao điểm là từ cuối tháng 5.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới. Theo đó, tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như Úc, Ấn Độ để bù đắp phần nào việc thiếu hụt khách từ thị trường Trung Quốc;  tăng thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ...

“Thông thường, thị trường nội địa sẽ hồi phục nhanh nhất. Thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm” - bà Ánh Hoa nhấn mạnh.

Chính vì thế,  Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP.HCM sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch trong và sau dịch Covid-19 từ tháng 4 đến tháng 7. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng các chương trình kích cầu du lịch với các hình thức khuyến mãi, giảm giá đặc biệt và tặng thêm các dịch vụ bổ sung cho khách du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng xây dựng các chương trình du lịch về các tỉnh ĐBSCL cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giảm giá sâu nhằm thu hút người dân thành phố đi du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch kiến nghị UBND  có chính sách miễn, giảm chi phí vé tham quan (từ 50% giá vé trở lên) tại các điểm tham quan, giảm hoặc miễn phí đậu xe. Ngoài ra, Sở đề xuất Tổng cục Du lịch các nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch (về thuế, tài chính - chính dụng, cơ chế, chính sách).

Về chính sách thuế, đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (gồm: Thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng) của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý IV/2020. Hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển... Theo đó, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh; đồng thời dự kiến đề xuất phương án miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên. Đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn trong 2 năm 2020 – 2022...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem