Không bảo vệ chủ nợ, ngân hàng xử lý nợ xấu rất khó khăn

Trần Giang Thứ tư, ngày 07/06/2017 10:50 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang, đoàn Nghệ An, cho biết việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Thực tế thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án. Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào?
Bình luận 0

Sáng nay, 7.6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Nhiều ý kiến phát biểu cho rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An, quan ngại về quyền thu giữ tài sản đảm bảo được quy định trong dự thảo Nghị quyết.

“Tôi thấy quy định này chỉ phù hợp và khả thi khi người thế chấp tài sản đảm bảo đồng ý cho các TCTD thu hồi tài sản đảm bảo nhưng trong trường hợp họ không đồng ý cho TCTD thu hồi tài sản đảm bảo thì việc các TCTD đơn phương thu giữ tài sản sẽ phát sinh một số vấn đề”, đại biểu Dung nêu quan điểm.

img

Ảnh: Đàm Duy

Công tác trong ngành thi hành án dân sự, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, đoàn Nghệ An, cho biết việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Thực tế thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án.

“Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác, cần có cơ chế rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế”, đại biểu Trang đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP.HCM, chỉ ra điểm bất cập tại Điều 7 về nội dung phải có thoả thuận về quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm. Điều nay chỉ đúng khi hợp đồng được ký trước khi Luật Dân sự 2015 có hiệu lực.

“Theo điều 301 Luật Dân sự 2015 có quy định người đang giữ tài sản đảm bảo có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo cho bên nhận bảo đảm để thanh lý. Như vậy sẽ bất lợi cho TCTD khi phải điều chỉnh hợp đồng khi người đang giữ tài sản không đồng ý điều chỉnh hợp đồng và nợ xấu không được xử lý”, đại biểu Quốc nêu ý kiến.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc xử lý tài sản đảm bảo nếu đảm bảo đủ 3 điều kiện (phải có thẩm quyền duyệt, tài sản không tranh chấp và tài sản không nằm trong danh sách bị thu hồi) thì sẽ rất khó xử lý nợ xấu với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình:

Quốc hội ban hành Nghị quyết là cấp bách, là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu kịp thời, đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đây cũng chính là giải pháp tạm thời, khi pháp luật chưa hoàn chỉnh, còn nhiều vướng mắc, không xử lý nhanh được tình hình nợ xấu hiện nay.

Điều quan trọng là Nghị quyết còn có giá trị nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho khách hàng có nghĩa vụ sử dụng ngồn vốn vay có hiệu quả và ý thức được việc hoàn trả vốn đã vay. Nếu không phải chấp nhận bị xử lý tài sản thế chấp, điều mà tổ chức tín dụng và cả khách hàng không ai mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem