Không để lao động trở về từ Libya bị thiệt

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 12/08/2014 08:44 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc gấp rút đưa lao động tại Libya - nhất là lao động đang ở trong vùng chiến sự về nước, ngay từ lúc này Bộ LĐTBXH, các doanh nghiệp XKLĐ và doanh nghiệp sử dụng lao động cũng đã lên phương án dự kiến nhằm hỗ trợ rủi ro cho các lao động phải về nước trước hạn.
Bình luận 0

3 bên cùng hỗ trợ lao động

Thông tin từ Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH), tính đến hết ngày 11.8, Việt Nam đã đưa 626/1.750 lao động làm việc tại Libya về nước. Hiện Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đảm bảo an toàn và đưa những lao động Việt Nam còn lại về nước trong thời gian sớm nhất.

Về đến quê nhà an toàn, nhưng với rất nhiều lao động thì sau niềm vui là nỗi lo. Điều trông mong nhất của họ là nhận được hỗ trợ sau rủi ro bất khả kháng khiến họ phải về nước trước hạn. Nhiều lao động nấn ná ở Hà Nội để chờ đợi thông tin này chứ chưa vội về quê.

Theo thông tin NTNN có được thì hiện lao động đang được hỗ trợ từ 3 nguồn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ chi trả một số khoản như vé máy bay, chi phí xuất cảnh. Chiều ngày 11.8, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Thanh Hòa – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Mức hỗ trợ sẽ được căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Đối với các lao động đi làm việc tại Libya trong thời gian ngắn, chưa hết hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền chi phí xuất cảnh. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/lao động. Tuy nhiên, nếu tình hình lao động khó khăn, Bộ sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ cao hơn”- ông Hòa nói.

Đại diện phía các doanh nghiệp phái cử lao động đã có những cam kết trong việc hỗ trợ lao động. Mặc dù nhiều lao động đi làm việc tại Libya đã gần hết hạn hợp đồng, ít nhiều đã có khoản vốn tích lũy nhưng phía Simco Sông Đà vẫn cam kết hỗ trợ tối đa cho lao động. Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà cho biết: “Trước mắt, công ty đã hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng để có tiền về quê ngay khi xuống sân bay. Bước tiếp theo chúng tôi đã chuẩn bị các phương án cụ thể, chỉ chờ Bộ LĐTBXH có quyết định về việc hỗ trợ là thực hiện ngay lập tức”.

Theo ông Thạch, chậm nhất ngày 30.8 doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng với người lao động. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp cũng sẽ trả lại một phần phí dịch vụ đã thu trước đó của người lao động. “Hiện nay công ty đang có một số đơn hàng về xây dựng tại Quata, Oman... vì thế các lao động trở về từ Libya có nhu cầu tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài sẽ được ưu tiên giới thiệu đi làm việc theo các đơn hàng này với mức phí thấp nhất” – ông Thạch khẳng định.

Về phía nhà thầu Huyndai Engineerning (Hàn Quốc) - đơn vị đang sử dụng hơn 600 lao động Việt Nam tại Libya đã thuê 3 chuyến chuyên cơ đưa lao động Việt Nam về nước cũng cho biết đang xem xét việc hỗ trợ, trả lương cho lao động trong những ngày cuối cùng còn làm việc ở Libya.

Lao động trông mong

Sau hai lần đi làm việc không thuận lợi tại Libya, lao động Nguyễn Đình Sang (Nghệ An) về nước vẫn chưa nguôi lo lắng. Anh cho hay: “Đây là lần thứ 2 tôi đi làm việc tại Libya. Lần đầu đi chưa được 1 năm gặp biến động phải về nước năm 2011. Lần này đi mới được 13 tháng thì đã phải về nước”.

Mặc dù làm được hơn 1 năm, nhưng theo anh Sang hầu như số tiền tích cóp mới chỉ đủ để bù chi phí bỏ ra để xuất cảnh. “Lần đầu tiên tôi đi (năm 2011) phải đóng 43 triệu, còn lần thứ 2 đi (năm 2013) đóng 38 triệu. Ngoài khoản tiền này, tôi còn phải trả thêm một số khoản khác. Trong khi đó, mức lương chỉ nhận được 380 USD/tháng, thấp hơn so với cam kết ban đầu của công ty” – anh Sang nói. Hỏi về mong muốn “hậu” xuất khẩu, anh Sang nói: “Vì lý do khách quan mà anh em chúng tôi phải kết thúc hợp đồng trước hạn nên rất mong công ty, Cục hỗ trợ để anh em tiếp tục đi làm việc ở các thị trường lao động khác ổn định hơn”.

Trong khi đó, thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước quản lý thì mức phí mà các lao động đóng cho doanh nghiệp khi đi làm việc tại thị trường Libya chỉ dao động từ 1.000–1.200USD. Đối với những lao động đi lần 2 thì mức phí này thấp hơn, chỉ khoảng 630USD. Chính vì vậy, mức hỗ trợ cho lao động cũng sẽ được dựa trên mức phí đóng ban đầu này.

“Tinh thần hỗ trợ là sẽ không để bất cứ lao động nào bị thiệt, doanh nghiệp cũng phải cùng Cục, Bộ hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, bản thân lao động cũng phải xác định đã là rủi ro thì mỗi bên phải chịu một tý, phương án là sẽ phải ưu tiên cho lao động khó khăn nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói. Cũng theo ông Hòa, ngày 11.8, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trình Bộ trưởng Bộ LĐTBXH các phương án về quyết định hỗ trợ cho các lao động về nước từ Libya. Dự kiến, quyết định này sẽ được Bộ trưởng ký và ban hành trong ngày 12.8.

  Đã có thêm 94 lao động của Vinamex về đến Sân bay Nội Bài lúc 13 giờ 50  ngày 11.8. Trưa cùng ngày, có thêm 56 lao động Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại. Ngoài ra, 23 lao động khác (17 của Lilama và 6 của Sona) về đến Sân bay Nội Bài tối 11.8. Như vậy, tính đến tối 11.8, đã có 626/1.750 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước.

Thu Tuyết - Minh Nguyệt 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem