Không đi học nhưng hàng tháng vẫn đóng đều tiền sổ liên lạc điện tử

Tào Nga Thứ năm, ngày 01/09/2022 07:30 AM (GMT+7)
Một phụ huynh cho biết trong nhiều khoản thu bất cập hiện nay ở các trường thì có khoản sổ liên lạc điện tử là không cần thiết nhất.
Bình luận 0

Không đi học nhưng vẫn đóng tiền sổ liên lạc điện tử?

Sổ liên lạc điện tử là một phương tiện để nhà trường cập nhật thông tin về tình hình học tập, lịch trình học tập và các thông tin về quá trình theo học của một học sinh tới phụ huynh. Sổ liên lạc điện tử thường là một ứng dụng, một website, hay là những tin nhắn dạng SMS để cha mẹ dễ dàng nhận thông tin về con và trường, lớp. 

Mặc dù về mặt mục đích, sổ liên lạc điện tử giúp thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh, tuy nhiên có những bất cập đã xảy ra khiến phụ huynh ấm ức nhưng không thể nói ra.

Không đi học nhưng hàng tháng vẫn đóng tiền đều sổ liên lạc điện tử - Ảnh 1.

Sổ liên lạc điện tử ở một trường Hà Nội có phí 20.000 đồng/tháng. Ảnh: FBNV

Chị Nguyễn Lê Chi, một phụ huynh có con học lớp 3 ở Hà Nội cho hay: "Tiền sổ liên lạc điện tử đóng đều hàng tháng nhưng mình thấy không có tác dụng gì. Trong khi đó, đợt dịch Covid-19, cả mấy tháng không nhận được tin nhắn gì, đến khi đóng tiền vẫn phải nộp 20.000 đồng. Mình thắc mắc là không nhận được tin nhắn trong mấy tháng qua tại sao phải đóng và được cô thủ quỹ trả lời là nghỉ dịch thì có gì mà nhắn. Đúng là cười mếu luôn".

Cùng chung chia sẻ, chị Hoàng Thị Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Mỗi tháng mình đóng 20.000 đồng tiền sổ liên lạc điện tử cho nhà trường nhưng cả tháng mới nhận được 1 tin nhắn SMS. App Enetviet tải từ đầu năm thì cả năm chỉ vào đúng 2 lần xem điểm kiểm tra của con".

Anh Nguyễn Thành Trung, một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ: "Sổ liên lạc điện tử Enetviet trong đó rất nhiều mục, nhưng thực tế phụ huynh chỉ nhận được hàng ngày tin nhắn là con đã đến lớp, giữa kỳ thì cập nhật kết quả học, cuối kỳ cập nhật kết quả học. Chấm hết. Quá lãng phí kho tài nguyên và phụ huynh thì thấy không cần thiết".

Chị Phạm Hải Yến, phụ huynh có con học lớp 3 quận Hà Đông, Hà Nội cho biết mới đây cô giáo thông báo thu 15.000 đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử Enetviet. "Những năm trước trường dùng ứng dụng khác miễn phí nên tôi không rõ ứng dụng mới này thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hiện nay có các phương thức liên lạc khác như Zalo, Facebook, kết quả học tập cuối kỳ thì họp phụ huynh cô giáo cũng thông báo nên các ứng dụng này không cần thiết lắm nếu chỉ giải quyết vấn đề là thông báo điểm hay báo con có đi học hay không".

Dù vậy, một số phụ huynh khác cho hay khá hài lòng khi mỗi ngày cô giáo đều đặn nhắn 1-2 tin thông báo tình hình chung của lớp. "Các nhóm chat nhiều quá nên đôi khi tôi không để ý hết được. Tin nhắn SMS thì dễ xem hơn. Tôi thấy khá hài lòng với sổ liên lạc điện tử của trường", một phụ huynh nói.

Không đi học nhưng hàng tháng vẫn đóng tiền đều sổ liên lạc điện tử - Ảnh 2.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong buổi tựu trường năm 2022. Ảnh: Tào Nga

Sổ liên lạc điện tử có cần thiết không?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay: "Sổ liên lạc điện tử là hình thức liên kết chuyển đổi số thực hiện nhiều năm nay. Sổ liên lạc điện tử tiện ích trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu ngành và trao đổi thông tin với cha mẹ học sinh. Cha mẹ có điện thoại thông minh có thể tải ứng dụng về hoặc trong trường hợp không có điện thoại thông minh thì ứng dụng có thể chuyển được thông tin dưới dạng tin nhắn SMS. Sổ liên lạc điện tử cung cấp thông tin về tình hình học của học sinh, điểm kiểm tra, điểm thi vào lớp 10... Đây là khoản thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường chứ không bắt buộc".

Theo ông Ngát, các Phòng GDĐT khuyến khích các trường mua gói thấp nhất để vừa đảm bảo điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh và vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh cũng như chuyển tải được nội dung thông tin của nhà trường. Hiện nay gói thấp nhất đang được các trường sử dụng là 20.000 đồng/tháng. Ngoài ra, nếu trường sử dụng thêm các dịch vụ khác thì phí sẽ cao hơn như mỗi ngày nhận 1-2 tin nhắn báo con đã đến trường... 

Chia sẻ về việc hiện nay có các kênh mạng xã hội trao đổi rất thuận tiện thì có cần thiết phải sử dụng sổ liên lạc điện tử không, ông Ngát cho rằng giáo viên và phụ huynh có thể sử dụng nhưng chỉ chia sẻ thông tin chung. Các kênh này tính bảo mật không cao. Nếu quản trị không tốt dễ bị hack tài khoản, thông tin sẽ bị chỉnh sửa sai lệch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem