Không đoán được “tuổi thọ” của dịch tả lợn châu Phi

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 28/10/2019 10:36 AM (GMT+7)
Tin tức về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở Việt Nam và thế giới liên tục xuất hiện nhưng “tuổi thọ” của dịch bệnh này vẫn là thứ khó đoán định, kể cả với các chuyên gia, nhà khoa học...
Bình luận 0

Phải mất nhiều năm

Trên Tạp chí Farm Journal's Fork, Arlan Suderman - nhà kinh tế hàng hóa hàng đầu tại INTL FCStone Inc (công ty môi giới và dịch vụ tài chính toàn cầu) cho rằng, mọi người đang sống trong một nền kinh tế - xã hội mà tất cả mọi thứ có thể được xử lý rất nhanh. “Tuy nhiên, bệnh DTLCP là ngoại lệ. Nó không đến thật nhanh rồi đi ngay và luôn!”.

img

Nhiều người chăn nuôi vẫn khó đoán được “tuổi thọ” của đại dịch tả lợn châu Phi (ảnh minh họa).  Ảnh: N.V

Báo cáo của Rabobank đánh giá, khi DTLCP càn quét qua châu Á, một sự thay đổi lâu dài sẽ được thiết lập. Tại Việt Nam, nhiều hộ, trại đã ngừng nuôi; các lò giết mổ bất hợp pháp đang đóng cửa; nhiều mô hình chuyển đổi từ nuôi lợn sang vật nuôi khác đang thực hiện. Sự thay đổi cấu trúc trong tiêu dùng sẽ có lợi cho nguồn cung thịt lợn trong dài hạn, cả về nhập khẩu và sản xuất tại địa phương...

Theo Suderman, sự tồn tại của dịch ở Trung Quốc và trên toàn thế giới sẽ còn kéo dài hơn nhiều so với những bài báo mà các phương tiện truyền thông đã viết. Một năm đã trôi qua nhưng dịch bệnh vẫn lan rộng và ảnh hưởng ngày càng tệ hơn.

Ông này cho rằng, công chúng đang không biết “tuổi thọ của dịch” và phải mất bao lâu để xây dựng lại ngành công nghiệp chăn nuôi lợn sau dịch.

Tết năm ngoái, giá thịt lợn ở Trung Quốc có tăng nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận được vì họ không nghĩ đó là vấn đề dài hạn. Tuy nhiên, Arlan Suderman dự đoán, năm nay giá sẽ còn tăng cao và tết này sẽ có nhiều người thấy khó khăn để có thể mua thịt.

“Chúng tôi tin rằng, sẽ mất thêm 4 - 6 năm nữa để Trung Quốc xây dựng lại đàn lợn, với điều kiện là tạo ra được một loại vaccine hiệu quả” - ông Arlan Suderman nói.

Hồi đầu tháng 10, cũng trên tạp chí Farm Journal's Fork, Ngân hàng Rabobank của Hà Lan - nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu cho rằng, mức độ nghiêm trọng của DTLCP chưa được đánh giá đúng mức. Khi số lượng các quốc gia bị nhiễm dịch tăng lên, bà Christine McCracken - nhà phân tích cao cấp của Rabobank cho rằng, ít nhất 75% số lợn trên thế giới có nguy cơ mắc DTLCP.

Vượt qua biên giới Trung Quốc, Đông Nam Á trở thành điểm nóng nhất gần đây về DTLCP. Việt Nam có dịch ở khắp 63 tỉnh, thành. Báo cáo của Rabobank dự đoán, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam sẽ tăng, nhưng nguồn cung toàn cầu được kiểm soát chặt chẽ lại. Điều này sẽ làm tăng mức cạnh tranh về giá trong năm 2020.

Thiết lập trật tự mới

Trong nước, “tuổi thọ” của DTLCP được đoán định là khả năng mất bao lâu để ngành chăn nuôi lợn có thể phục hồi sau dịch. Với nông hộ, người chăn nuôi có thể hiểu nôm na là chừng nào có thể tái đàn sau khi chuồng trại đã trống trơn.

Tại thủ phủ chăn nuôi lợn Đồng Nai, ngành chức năng tỉnh này khẳng định, khả năng tái đàn hiện giờ là không thể nếu không có biện pháp vệ sinh chuồng trại và đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngành chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho biết, tình hình DTLCP đang có dấu hiệu trầm lắng. Số lượng lợn tiêu hủy trong vài tuần trở lại đây đã giảm mạnh so với cao điểm xảy ra dịch.

Ghi nhận trong ngày 19/10, toàn tỉnh chỉ tiêu hủy 87 con ở 2 huyện Định Quán và Long Thành. Trong khi vào cao điểm xảy ra dịch, có ngày, các địa phương của Đồng Nai tiêu hủy hàng ngàn con. Toàn tỉnh hiện có 26 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh lại ổ DTLCP.

Tuy nhiên, trong đó 16 xã đã lập thủ tục công bố hết dịch vẫn có 5 xã tái phát dịch. Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tại các vùng dịch, lợn bệnh được chôn ngay trong vùng nuôi nên sẽ phải tốn vài năm nữa mầm bệnh mới phai bớt, việc tái đàn mới khả thi.

Ông Trần Hữu Trung - hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thì cho rằng, dịch giảm do đàn lợn giảm, nhất là đàn nuôi trong nông hộ. Nếu không có đợt dịch vừa qua thì người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ vô tội vạ, ảnh hưởng nhiều thứ lên môi trường, giá cả, số lượng.

“Không cần kiện ngành tài nguyên môi trường thì cũng không còn hôi thối vì còn có mấy hộ nuôi lợn nữa đâu” - ông Trung chua xót nói.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, mặt trái của DTLCP là ngành chăn nuôi có cơ hội cơ cấu lại bài bản hơn. Chăn nuôi nhỏ lẻ không còn tràn lan, chăn nuôi quy mô trang trại và công ty được kiểm soát theo diện quản lý tập trung và hoàn thiện.

Đồng tình, ông Nguyễn Trí Công cho biết, khó khăn của chăn nuôi hiện nay là thiếu con số thống kê chính xác. Vì thế, việc chăn nuôi hiện còn tự phát, chưa có kế hoạch cụ thể theo nhu cầu thị trường. Việc giảm đàn cùng với tăng năng suất sẽ giảm áp lực lên thức ăn chăn nuôi và gánh nặng môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem