Không đủ quyết liệt khó có vaccine

Nguyễn An Thanh Thứ tư, ngày 09/06/2021 09:46 AM (GMT+7)
Việt Nam đã có được cam kết cung cấp vaccine Covid-19 từ những nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng danh sách xếp hàng rất dài, trong khi nguồn cung không kịp. Đang có nhiều lo ngại cam kết là một chuyện, vaccine có về được không lại là chuyện khác.
Bình luận 0

Hiện nay đã có 63% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19. Trong đó 12 bang đã vượt ngưỡng 70% và thêm nhiều bang dự kiến cũng đạt mục tiêu 70% trong tuần này. Nước Mỹ đang kéo thế giới vào "Tháng hành động quốc gia" nhằm khuyến khích thêm nhiều người Mỹ tiêm chủng ngừa Covid-19 trước mốc Quốc khánh Mỹ 4/7.

Trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu, nước Mỹ đang có 33,34 triệu người trong tổng số 172,29 triệu ca nhiễm, con số tử vong khoảng 600.000 người/3,7 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Là quốc gia chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, những quyết định của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chiến lược chống Covid-19 toàn cầu. Nước Mỹ đã sản xuất được vaccine, thử nghiệm thành công vaccine và quyết định tiêm chủng đại trà vaccine cho người dân đã tạo ra một xu thế mới trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành ở Mỹ trước hạn Quốc khánh. Đối với nước Mỹ vaccine đã là vũ khí cứu quốc gia này từng bước thoát ra khỏi lưới vây của virus. Slogan "Hãy uống một ly bia, ngồi xuống cắt tóc và tiêm vaccine Covid-19" của Tổng thống Joe Biden đang được người dân đón chờ hân hoan.

Ngay lập tức, Nhà Trắng đã công bố một loạt biện pháp khích lệ, gồm phân phát thức ăn miễn phí, vé xem bóng chày, vé máy bay miễn phí... Hãng tin AFP đưa tin, Nhà Trắng đang vận động sự ủng hộ từ mọi nguồn lực để thực hiện thông điệp Tháng Sáu. Ngay lập tức, Công ty sản xuất bia Anheuser-Busch của Mỹ công bố sẽ phát bia miễn phí nếu nước này đạt được mục tiêu 70% mà ông Biden đặt ra.

Ngoài ra, các bang đều đưa ra những chính sách hấp dẫn riêng để khuyến khích công dân tham gia. Bang Tây Virginia đã quyết định tặng số tiền 100 USD cho những người 16 - 35 tuổi đã tiêm vaccine. Đầu tháng 5, bang Maryland cũng thông báo viên chức trong bang sẽ được nhận 100 USD nếu tiêm chủng. Thống đốc bang Ohio Mike DeWine tuyên bố bang sẽ trao giải xổ số trị giá 1 triệu USD/tuần trong vòng 5 tuần cho cư dân trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, thành phố Detroit ở bang Michigan phát thẻ ghi nợ trả trước trị giá 50 USD cho những ai đưa người dân đến các điểm tiêm chủng.

Không đủ quyết liệt khó có vaccine - Ảnh 2.

CDC Mỹ đã nới lỏng khuyến cáo đeo khẩu trang. Họ nói rằng người Mỹ nếu tiêm chủng đầy đủ có thể không đeo khẩu trang khi ra ngoài trừ nơi đông người. Ảnh; Bloomberg.

Các doanh nhân Mỹ đang rất hồ hởi vào cuộc, bằng mọi khả năng chạy đua với thời gian để có thêm nhiều người Mỹ tiêm chủng ngừa Covid-19, đây là cơ hội để các ông chủ thể hiện tinh thần ái quốc. Ngay cả quốc gia có tiềm lực kinh tế như Mỹ vẫn cần huy động nguồn lực xã hội ngoài vấn đề chi phí, nó còn có tác dụng lan tỏa thông điệp của Tổng thống Mỹ tới từng bàn ăn, buồng ngủ gia đình.

Đối với phạm vi toàn cầu,Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp cho các quốc gia khác toàn bộ 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được sản xuất trong nước. Loại vaccine này hiện vẫn chưa được phép sử dụng ở Mỹ nhưng đã được chấp thuận rộng rãi trên khắp thế giới.

Dự kiến, vaccine AstraZeneca do Mỹ sản xuất sẽ được chuyển đi ngay các quốc gia đã được thông báo sau khi Cục dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)  hoàn thành đánh giá an toàn. Tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay đều chưa phải là vaccine thương mại nên chưa được Cục dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp Giấy phép lưu hành (Marketing Authorization – MA). Hiện FDA mới chỉ cấp Giấy phép lưu hành khẩn cấp (Emergency Use Authorization – EUA) cho vaccine của Pfizer-BioNtech, Moderna và Johnson & Johnson.Vaccine AstraZeneca vẫn chưa được cấp EUA ở Mỹ. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng hứa sẽ chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine từ nguồn dự trữ vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiện có. Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ các loại vaccine được tin tưởng sử dụng tại nước này cho thế giới. Có chăng là giải quyết bài toán bao nhiêu liều vaccine nên được cung cấp cho những quốc gia đang rất cần nó nhất và bao nhiêu phần nên được dành cho các đối tác của Mỹ? Tới giờ chỉ mới có Mexico và Canada nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng đã công bố kế hoạch chia sẻ đủ số liều cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ của nước này, những người đang sát cánh với lính Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Hiện Việt Nam chúng ta đang đứng cuối cùng danh sách các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ trên Timor Leste)  chúng ta đang cấp tập chủ động tìm nguồn cung cấp vaccine. Thông điệp: "Vaccine, vaccine và vaccine" đang lan tỏa đến từng người dân Việt Nam và tất cả đều thấu hiểu đó chính là con đường nhanh nhất để trở lại điều kiện sống bình thường. Tuy nhiên, phải khẳng định, việc tiếp cận các nhà sản xuất Mỹ và Châu Âu (Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca) trong năm 2021 là cực khó, đơn giản vì sản phẩm của họ chưa được cấp MA bởi cơ quan dược phẩm Mỹ và châu Âu.

Trong danh sách Lưu hành khẩn cấp (Emergency Use Listing – EUL) của WHO cập nhật đến hôm nay (6/6) vẫn chỉ mới có 6 sản phẩm, chưa có vaccine Sputnik V của Nga. Việc phải chờ cấp giấy phép lưu hành MA và quy định chỉ được phép bán cho chính phủ và các thực thể liên chính phủ quốc tế sẽ khiến cho trong 12 tháng tới, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể mua vaccine của những quốc gia ngoài Âu, Mỹ.

Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Peterburg mới đây, Tổng thống Vladimir Putin nói, tới thời điểm này 66 nước đã cho đăng ký duyệt Sputnik V, gần 1/2 dân số thế giới. Và Sputnik V hiệu quả nhất, 96%. Việt Nam mình là nước thứ 57 cho đăng ký vaccine này. Chúng ta còn xếp hàng dài, nếu không có "đột phá" trong cách tiếp cận vaccine, bởi các nước cũng khó tiếp cận mua vaccine của những quốc gia Âu, Mỹ như chúng ta. Nếu chậm chân, không khéo còn lỡ chuyến tàu sau, đó là một thực tế không thể né tránh.

Từ tháng 8 năm ngoái Nga nói sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất với các nước. Ngày 4/6, Tổng thống Nga và Tổng thống Serbia đã nhấn nút khai trương việc sản xuất Sputnik V tại Serbia. Ngoài ra, hiện nay, Sputnik V đang được sản xuất ở Bzaxin, Kazakhstan, Belarus, Hàn Quốc, Ý. Theo kế hoạch sắp được sản xuất ở Đức, Argentina, Ấn Độ, Ai Cập. Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Việt Nam, nếu thực sự quyết tâm sẽ có Sputnik V để tiêm cho dân rồi và có thể sản xuất (nếu muốn).

Câu chuyện vaccine đã được bạch hóa và con đường để có vaccine tiêm chủng, kể cả khi có tiền cũng không hề dễ dàng. Xuất phát có phần muộn hơn các quốc gia khác, rõ ràng Chính phủ và các doanh nghiệp đang tìm cách để có những bước đi phù hợp. Hy vọng "trong cái khó sẽ ló cái khôn" để chúng ta có "đột phá' giúp Việt Nam sớm có vaccine như báo chí viết rầm rộ nhiều ngày ngày nay.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem