"Nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ…"

Nguyễn An Thanh Thứ hai, ngày 24/05/2021 20:32 PM (GMT+7)
Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thần tốc chiến lược vaccine. Bởi như Giám đốc CDC Mỹ khuyến cáo: "Nếu được tiêm chủng đầy đủ, bạn có thể bắt đầu những việc đã phải ngưng vì đại dịch". Khi tiêm vaccine là xu hướng toàn cầu, nếu không đẩy nhanh tiêm chủng thì khó mà gia nhập cuộc chơi với thiên hạ.
Bình luận 0

Ngày 12/5, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) bà Rochelle Walensky thông báo, ai đã tiêm đủ 2 liều vaccine có thể không cần khẩu trang hay giãn cách nữa. Đến thời điểm này, CDC Mỹ báo cáo có khoảng 129 triệu người đã được tiêm ngừa đầy đủ, trong đó số người sau khi tiêm vẫn dương tính với Covid-19 chỉ chiếm tỷ lệ 0,001% (1/100.000 người), một con số chấp nhận được.

Hướng dẫn của CDC Mỹ chỉ yêu cầu những người chưa tiêm ngừa tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách, người đã tiêm có thể tháo khẩu trang nếu muốn - bởi khả năng lây lan của Covid-19 ở Mỹ đã giảm đi đáng kể. 3 loại vaccine được Mỹ thông qua đã chứng tỏ hiệu quả bảo vệ vượt ngoài sự mong đợi, dữ liệu trên nhóm dân số đã tiêm chủng là cơ sở để CDC Mỹ khuyến nghị này. 

Không chỉ đơn thuần chỉ là vấn đề đeo/không đeo chiếc khẩu trang, một biểu tượng của thời đại dịch, mà Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky còn khuyến cáo: "Nếu đã được tiêm chủng đầy đủ, bạn có thể bắt đầu những việc đã phải ngưng vì đại dịch".

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ thuộc Viện dị ứng và dịch bệnh truyền nhiễm (NIAID), đến ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, nếu 70% người trưởng thành của Mỹ được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, nước này có thể tránh được làn sóng mới của dịch. Tất nhiên khi đã không chế được  Covid-19, nước Mỹ sẽ sớm có các có điều kiện cần để phát triển kinh tế, xã hội.

Tại thời điểm này, trên thế giới mới có khoảng 5% dân số toàn thế giới tiêm đủ liều vắc xin, đứng đầu là Israel có 5,11 triệu người (dân tương đương 56,5%) đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 . Một số nước phát triển trên thế giới đang có tỷ lệ khá cao là Chilê 40%,  Anh là 31,3%. Trong cuộc chơi toàn cầu, sau Mỹ và Anh sẽ tiếp tục có thêm các quốc gia đã thực hiện tốt công tác tiêm chủng, sẽ sớm khôi phục cuộc sống bình thường.

"Nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ…" - Ảnh 2.

Việt Nam cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine để không bỏ lỡ các cơ hội giao thương toàn cầu. Ảnh minh họa (Hưng Phạm).

Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người dân Thái Lan đã hoàn thành tiêm vaccine là 1,4%, Lào là 1,2%, Indonesia là 3,4% còn Campuchia là 9,2%, Malaysia là 2,9%, Singapore là 25,3%. Trong khi đó, Việt Nam mới có khoảng 29 nghìn người được tiêm đủ 2 mũi, thuộc nhóm các quốc quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cả năm nay, chúng ta mới xét nghiệm được 3,3 triệu xét nghiệm PCR, tương đương 4.4 triệu lượt người, tức chỉ khoảng 4% dân số.

Câu chuyện của Mỹ, Anh và một số có nước trên thế giới, tiêm vaccine rồi thì chưa hẳn đã tuyệt đối an toàn, nhưng không tiêm thì bạn không thể bắt đầu những việc mà đã phải ngưng vì đại dịch, đó là điều chắc chắn. Khi đó, những quốc gia cơ bản đã hoàn thành công tác tiêm chủng vaccine sẽ tạo ra một sân chơi riêng mà tất nhiên những nước chưa hoàn thành tiêm vaccine phải đứng xa, thậm chí đứng ngoài. 

"Có 2 vaccine rất cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam lúc này. Phải xây dựng quản trị doanh nghiệp  minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ hai là vaccine theo nghĩa đen, vaccine y tế" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định như đinh đóng cột tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19" vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Đó cũng chính là các đề xuất mà ngày càng nhiều tập đoàn, công ty gửi đến VCCI, nhất là những công ty làm ăn với Mỹ, EU như đang "ngồi trên đống lửa" khi nhìn thấy sự xoay chuyển nhanh của tình hình dịch của các nước kể trên trong tháng 5 nay.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, công ty này có nhiều đơn hàng xuất Mỹ, phần lớn là mặt hàng bảo hộ y tế, khẩu trang. Hiện nay đơn vị đang cần phải duy trì khoảng 2.000 công nhân may, nhưng quả là quá khó trong bối cảnh như hiện nay. "Nói thật là tôi phải 20/24 giờ trong ngày, phải liên tục cập nhật tình hình dịch Covid-19, bởi chỉ cần 1 công nhân dính bệnh là toang công ty" – ông Việt nói. Tại thời điểm này, nếu giao chậm đơn hàng thì số tiền bị phạt hợp đồng chắc chắn là không nhỏ.

Rõ ràng trong phạm vi toàn cầu, người ta phải khẳng định kinh doanh và phòng, chống dịch Covid-19 là 2 phạm trù không thể tách rời. Nếu không phòng, chống dịch Covid-19 thì không thể kinh doanh, không kinh doanh thì không lấy đâu là kinh phí cho cuộc chiến trường kỳ này. Dù đã tiến hành đàm phán, thương thảo online nhưng có nhiều công việc mà các doanh nhân, người lao động vẫn phải xuất cảnh, trực tiếp giao dịch. Quả thật, khi mà tiêm vaccine đã là xu hướng toàn cầu, nếu không tiêm chủng thì khó mà gia nhập cuộc chơi toàn cầu với thiên hạ.

 Theo tính toán, Việt Nam chúng ta có khoảng 75 triệu người cần phải được tiêm chúng vaccine. Như thế Việt Nam cần chuẩn bị  khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine phục vụ cho công tác tiêm phòng. Trong một bài tính được cho là khả thi nhất, ngân sách trung ương sẽ chi khoảng 16 nghìn tỷ đồng, còn độ khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng dự kiến huy động từ ngân sách địa phương và đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

''Với chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm PCR, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm mang lại lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp, tại sao chúng ta lại không ủng hộ? Không phải tôi mà chắc chắc nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hoá nguồn vaccine'', Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 lên tiếng.

Thực tế cho thấy, làn sóng dại dịch Covid-19 lần thứ tư còn rất nguy hiểm, khi nó đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua: Đó là các cơ sở y tế và các khu công nghiệp. Thời gian trước đây chúng ta nhìn sang Mỹ, Anh, EU với số lượng ca bệnh và người tử vong tăng đến chóng mặt tưởng như đã "bung và toang" đến nơi. Nhưng với nền y học hiện đại, họ đã sớm chế tạo thành công vaccine và dần đưa cuộc sống ổn định ở lại.

Trong bối cảnh xã hội của chúng ta, phòng chống, dịch Covid-19 bằng công thức "5K+ vaccine" vẫn tỏ ra là ưu việt nhất. Để mua được đủ lượng vaccine rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng riêng về kinh phí thì chúng ta cần sớm có thêm kênh "vaccine doanh nghiệp" bên cạnh kênh của Chính phủ. Điều này sẽ giúp cho người dân có thêm cơ hội sớm được tiêm chủng từ nguồn tiền ngân sách. Khi đó Chính phủ chỉ cần quản lý nguồn cung cấp vaccine, quy trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho người dân, mọi việc còn lại hãy để doanh nghiệp đảm nhận.

Đây là vấn đề cấp bách. Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay 24/5, đã yêu cầu "thực hiện thần tốc, hiệu quả chiến lược vaccine". Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vô cùng kịp thời và sáng suốt, bởi nếu trì hoãn 2, 3 tháng nữa khi các quốc gia đối tác cơ bản hoàn thành công tác tiêm chủng, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa nữa. Nói chính xác hơn là các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta chậm chân, sẽ mất đi cơ hội vàng, để tiếp cận với các bản hợp đồng mới thời Covid-19 từ các quốc gia đã bắt đầu việc khôi phục kinh tế sau tiêm chủng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem