Không một Thủ đô nào thích ăn thịt tươi sống như ở ta!

Thứ tư, ngày 27/06/2018 15:30 PM (GMT+7)
Thịt tươi sống rất hợp với khẩu vị của người Việt nhưng lại gây khó cho công tác kiểm dịch và tiềm tàng nguy cơ mất an toàn thực phẩm hơn thịt lạnh, thịt mát.
Bình luận 0

Thói quen thích mua thịt tươi sống khiến cho việc dẹp vấn nạn giết mổ nhỏ lẻ ở Thủ đô cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”.  

6 tháng, hơn 7 triệu động vật chuyển về

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội đã phải thốt lên “Không thể cứ để thế mãi được!” trong cuộc hội nghị đánh giá kết quả phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc mới được tổ chức ở Ba Vì (Hà Nội).

img

Do tập quán của người dân thích mua thịt tươi sống nên khi đưa vào đông lạnh lại khó tiêu thụ. Ảnh: I.T

Tham dự hội nghị, 24 tỉnh, thành được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, các cơ chế chính sách của các tỉnh, các vấn đề như tiêm phòng, quản lí đội ngũ chuyên trách...

Thú y được coi là một tấm lá chắn vững bền nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô. Theo báo cáo từ Chi cục Thú y Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2018, động vật, sản phẩm động vật từ địa bàn 62 tỉnh, thành trên cả nước được vận chuyển về Hà Nội qua kiểm dịch động vật là hơn 7 triệu con, trong đó trâu, bò là hơn 37 nghìn con, lợn gần 600 nghìn con, gia cầm hơn 6 triệu con. Kiểm dịch sản phẩm động vật là hơn 29,5 nghìn tấn.

Việc kiểm dịch xuất con giống được thực hiện thông báo trong ngày cho nơi đến, kiểm dịch xuất động vật để giết mổ và sản phẩm động vật được các Chi cục thông báo hàng tuần theo quy định. Do vậy, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đã khắc phục được những thiếu sót trước đây, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh và chính xác hơn.

Trong công tác quản lý tình hình dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã có sự trao đổi kinh nghiệm, tham quan thực tế giữa các Chi cục để từng bước quản lý tốt hơn, phù hợp hơn với từng đặc thù của mỗi tỉnh. Sau khi ký kết, việc phối hợp giữa các Chi cục các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch, trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh đã có sự kết hợp chặt chẽ hơn, từ đó tạo sự chủ động trong công tác triển khai.

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh thành, thời gian qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định. Một số ổ dịch nhỏ lẻ xảy ra được phát hiện kịp thời và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch không để dịch lây lan trên diện rộng.

img

Các Chi cục tham gia ký kết phối hợp tại hội nghị

Hiện tại Chi cục Thú y Hà Nội có 4 phòng chức năng, 30 trạm thú y quận huyện thị xã, 3 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông và đội kiểm dịch lưu động. Với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động hiện nay Chi cục đang quản lí từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn hơn 1.000 người. Hệ thống thú y cơ sở về cơ bản đã kiện toàn.  

Giết mổ nhỏ lẻ tràn lan

Tình trạng giết mổ thiếu tập trung không qua kiểm dịch hiện nay khiến công tác quản lí gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê số cơ sở giết mổ nhỏ ở Hà Nội hiện có 988 điểm. Mặt khác giết mổ theo hướng công nghiệp chưa phù hợp. Ví dụ như TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) mặc dù có rất nhiều cửa hàng bán các sản phẩm nông sản nhưng cơ sở giết mổ lại chưa có. Như FoodTech mặc dù đã được đầu tư về công nghệ nhưng không trụ được do không xây dựng được vùng nguyên liệu.

Đặc biệt do tập quán của người dân thích mua thịt tươi sống nên khi đưa vào đông lạnh lại khó tiêu thụ. Đầu tư vào các cơ sở giết mổ còn lớn khi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đưa vào giết mổ tập trung giá thành rất cao. Giết mổ nhỏ lẻ khiến việc đưa vào kiểm soát vô cùng khó khăn đối với các cơ quan chuyên môn. Thêm vào đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chính là môi trường tốt để dung dưỡng cho nạn giết mổ nhỏ lẻ.

Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, vẫn để tồn tại những cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện. Thực tế hiện nay chưa đến 300 cơ sở giết mổ của Hà Nội đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y về an toàn thực phẩm, có quá nhiều chợ nhỏ lẻ bán sản phẩm từ động vật.  

Những giải pháp không dừng lại ở ngày một ngày hai

Bài toán về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ là đơn giản. Chính vì vậy trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung mạnh giết mổ tập trung, đầu tư cho giết mổ công nghiệp với sự huy động các doanh nghiệp vào cuộc đầu tư. Khi giết mổ công nghiệp tốt lẽ tự nhiên giết mổ chăn nhỏ lẻ sẽ bị giảm hẳn.

img

Thú y là nền tảng của an toàn thực phẩm

Thứ hai là tăng cường kiểm tra. Thứ ba tăng cường tuyên truyền về những lợi ích của việc giết mổ tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hướng tới thay đổi thói quen người tiêu dùng sử dụng thịt chưa qua kiểm dịch thú y.

Phải xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, tổ chức tốt khâu xây dựng những chuỗi chăn nuôi, giết mổ, chế biến động vật và sản phẩm động vật. Thực hiện từ gốc việc tiêm phòng bệnh, vệ sinh môi trường để không xảy ra tình trạng dịch. Giám sát kịp thời các cơ sở không để dịch bệnh bùng phát. Tăng cường thanh tra kiểm tra, lấy mẫu định kì tại các sở giết mổ, các chợ.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng tâm tư về tình trạng phải thực hiện sáp nhập các Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp. Việc hợp nhất này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc quản lí các mạng lưới đang hoạt động.

Mặt khác hiện nay bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh dẫn đến tình trạng động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương giáp ranh vào địa bàn với danh nghĩa là lưu thông nội bộ nên khó quản lí, kiểm tra và xử lí các vi phạm. Việc đưa thông tin hằng ngày về kiểm dịch giữa hai bên giáp ranh đã phần nào giúp các Chi cục Thú y thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nguyễn Quỳnh - Trung Anh (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem