Không nên thống nhất giờ làm trong cả nước

Thùy Anh Thứ tư, ngày 01/05/2019 10:59 AM (GMT+7)
Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, được nêu trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi), đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc thống nhất giờ làm là không phù hợp.
Bình luận 0

Theo đại diện Bộ LĐTBXH, trước đó năm 2012 Luật Lao động cũng đã có đề cập tới nội dung này nhưng chưa được thông qua. Trong quá trình làm luật, tổ soạn thảo lại ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất về việc thống nhất giờ làm thêm vì thế Bộ LĐTBXH lại tiếp tục đưa vào Dự thảo Luật Lao động lần này.

Trả lời PV Dân Việt ngày 1.5, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH cho rằng, hiện thời gian làm việc các cơ quan nhà nước thuộc trung ương và địa phương không có sự thống nhất, mỗi nơi một giờ. Tại các cơ quan trung ương, giờ làm việc bắt đầu lúc 8 - 12h, trong khi đa số các địa phương bắt đầu giờ làm việc buổi sáng từ 7h và nghỉ trưa lúc 11h (mùa hè) hoặc 7h30 - 11h30 (mùa đông). Chiều từ 13 - 17h hoặc từ 13h30 - 17h30. Ngay tại Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước cũng khác nhau.

img

Đề xuất về thống nhất giờ làm trong cả nước đang nhận về nhiều góp ý trái chiều. Nhiều người cho rằng đề xuất này không phù hợp với thực tiễn. Ảnh: I.T

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH, thành viên Ban soạn thảo dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi), nói: “Ở các quốc gia, giờ làm việc của cơ quan hành chính tùy thuộc vào điều kiện mỗi nước, nhưng đa số là thống nhất. Bộ máy hành chính nhà nước phải chạy thông suốt từ trung ương đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Đối tượng của cơ quan hành chính là người dân nên cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và doanh nghiệp biết, không thể để mỗi nơi một giờ như hiện nay”.

Trước đề xuất này, một số cá nhân lại cho rằng đề xuất chưa phù hợp với thực tiễn, cần cân nhắc khi thông qua. Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng không cần thiết phải thống nhất giờ làm việc chung trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Điều này không phù hợp với thực tế chung của từng địa phương.

Ví dụ, các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang...  nếu các cơ quan hành chính làm việc vào 8h30 thì sẽ không phù hợp vì ở các tỉnh này dân cư thưa, không có tình trạng tắc đường, có thể đẩy giờ làm việc chính lên sớm hơn. Trong khi đó, ở các tỉnh thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM... dân cư đông, tình trạng tắc đường, kẹt xe liên tục cũng nên quy định thống nhất giờ làm trong các cơ quan Nhà nước. Riêng giờ làm việc ở trường học, doanh nghiệp thì có thể quy định riêng.

“Việc quy định giờ làm việc thống nhất là không nên, đưa ra dự thảo không hợp với thực tiễn thì không có khả thi. Nên giao quyền tự chủ cho các địa phương để các địa phương có quyết định phù hợp. Theo tôi, cứ nên giữ nguyên giờ làm việc như hiện hành vì cũng chưa có gì biến động”, ông Quảng thông tin.

Giờ doanh nghiệp do doanh nghiệp quy định, được doanh nghiệp công bố công khai, lấy ý kiến của lao động. Bộ Luật Lao động chỉ quy định giờ làm việc ban đêm, tính từ Đà Nẵng trở vào 1 múi giờ khác, còn từ Thừa thiên Huế trở ra là khác. Hiện giờ Luật Lao động hiện hành năm 2012 đã lấy cùng 1 múi giờ làm việc ban đêm (từ 22h -6 giờ sáng hôm sau).

Trước đó, ngày 29.4, Bộ LĐTBXH đã công bố Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính. Phương án 1: Bổ sung vào bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”; thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 - 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong bộ Luật Lao động, mà quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP do chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định).

Ông Vũ Quang Thọ - Nguyên viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn thì cho rằng, không nên quy định cứng nhắc về việc thống nhất giờ làm chung trong cả nước. "Thực tế, nếu quy định giờ làm chung là cứng nhắc, không phù hợp với tình hình chung của từng địa phương. Quan trọng là cần phải trả lời được câu hỏi về việc thống nhất giờ làm có góp phần tạo ra năng suất và hiệu quả làm việc cao hơn không. Điều này tôi thấy trong tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi chưa được giải trình", ông Thọ nói. 

Trước những ý kiến, quan điểm góp ý trái chiều của các cá nhân, tổ chức, ông Mai Đức Thiện cho biết, Chính phủ sẽ quy định nguyên tắc thực hiện và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện. Theo dự thảo luật thì chỉ đưa ra thời gian dự kiến là 8h30, còn giờ cụ thể thế nào sẽ chờ Chính phủ quyết định.

“Sau 60 ngày đăng Cổng thông tin Chính phủ lấy ý kiến, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận. Sau khi Quốc hội thảo luận, dự thảo vẫn có thể được  tiếp tục đăng tiếp. Dự kiến phải cuối năm 2019 Quốc Hội mới bàn thảo để thông qua Luật Lao động (sửa đổi) này", ông Mai Đức Thiện nói. 

Cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu công nhân viên chức, nếu điều chỉnh, thống nhất giờ làm việc trong cả nước thì số đối tượng trên sẽ bị chịu tác động chính. Ngoài ra, người dân cũng sẽ chịu tác động gián tiếp do liên quan tới thủ tục làm việc. Riêng các cơ quan khác vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt, chẳng hạn: Doanh nghiệp làm từ 8h, trường học lúc 7h30 hoặc 8h.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem