Không phải Grab hay Uber, ai đang “giết” taxi truyền thống?

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 24/03/2017 18:32 PM (GMT+7)
“Doanh nghiệp Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng taxi truyền thống không cạnh tranh được với Grab, Uber bởi 10 điều kiện kinh doanh họ đang bị áp đặt. Điều này khiến họ không thể áp dụng được khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh”, Thạc sĩ Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng CIEM nói.
Bình luận 0

imgGrab, Uber có phải là thủ phạm “giết” taxi truyền thống

Thạc sĩ Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra so sánh, taxi truyền thống muốn hoạt động đều phải qua kiểm định, lắp đồng hồ trên xe, gắn logo, đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn... Trong khi đó, Uber hiện chưa chịu bất kỳ một khoản phí nào trong hoạt động.

Ông Phan Đức Hiếu đưa ra dẫn chứng, mỗi hãng taxi truyền thống đều phải bỏ ra vài triệu cho mỗi tài xế đi tập huấn theo quy định của các cơ quan quản lý. Song cuối cùng, tài xế trở về doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại theo văn hóa làm việc của doanh nghiệp để họ phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ngược lại, tài xế không có chứng chỉ tập huấn, đào tạo do cơ quan chức năng cấp sẽ không được hành nghề. Đây là minh chứng cho thấy có nhiều điều kiện kinh doanh đang giết chết sự sáng tạo của taxi truyền thống.

Ông Hiếu nói: “Nhiều người nói taxi truyền thống rất khó cạnh tranh do chậm đổi mới, không năng động, tôi không đồng ý. Doanh nghiệp Việt Nam rất đổi mới, rất năng động nhưng taxi truyền thống không cạnh tranh được với Grab, Uber bởi 10 điều kiện kinh doanh họ đang bị áp đặt. Điều này khiến họ không thể áp dụng được khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh”.

Theo ông Hiếu, thay vì xem xét hạn chế hay cấm Grab và Uber, nếu các cơ quan quản lý mạnh dạn dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh thì cuộc chơi giữa taxi truyền thống và Grab, Uber sẽ trở nên sòng phẳng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh hơn rất nhiều. Không nên tư duy theo lối: “Không quản lý được thì cấm”.

Thực tế cho thấy các cơ quan quản lý đang áp đặt quá mức cần thiết đối với doanh nghiệp thông qua các điều kiện kinh doanh. Theo quy định của Luật Đầu tư, chỉ được đưa ra điều kiện kinh doanh nếu tồn tại rủi ro đối với an ninh, quốc phòng, xã hội, cộng đồng.

“Ai bảo cái xe máy hay ô tô không ảnh hưởng. Thậm chí, chiếc điện thoại di động cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất về mặt lý luận, rủi ro phải lớn tới mức Nhà nước phải can thiệp. Nếu không, hãy để xã hội tự giải quyết, không cần thiết phải ban hành quy định”, ông Hiếu nói.

Trước đó, tại hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun từng cho rằng mục đích của Uber, Grab là đánh sập thị trường và tiêu diệt taxi truyền thống.

imgNhiều hãng taxi truyền thống đang lâm vào cảnh khó khăn sau sự xuất hiện của Grab, Uber

Theo ông Quý, tại TP.HCM, Uber và Grab đang trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Trong khi đây thực sự là công ty kinh doanh dịch vụ taxi nhưng họ đã lách luật để giành lợi thế so với taxi truyền thống. Hiện Uber đăng ký kinh doanh không đúng với ngành nghề thực tế, không cơ quan nào quản lý được giá cước, quản lý hoạt động của tài xế.

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đưa ra phân tích, nếu không được Nhà nước bảo hộ hợp lý, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ lụi bại dần và tiến tới phá sản, hệ lụy sau đó sẽ là không nhỏ cho hàng trăm nghìn gia đình Việt, sẽ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, sẽ tạo ra nhiều phức tạp xã hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem