Lấy người tài làm rường cột

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 01/05/2023 06:51 AM (GMT+7)
Thực tế là số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, người có trình độ học vị, học vấn cao đăng ký tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp chưa cao.
Bình luận 0

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai các chính sách cụ thể như ưu tiên tuyển thẳng, ưu đãi cấp nhà, chính sách lương và hỗ trợ ban đầu, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng... để thu hút nhân tài về làm việc trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, kinh tế, kỹ thuật- công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn...

Thực tế là số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, người có trình độ học vị, học vấn cao đăng ký tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp chưa cao. Việc giữ chân và trọng dụng nhân tài chưa được chú trọng- vẫn có một bộ phận công chức, viên chức, trong đó có nhiều người giỏi, xin nghỉ việc, thôi việc, chuyển ra làm việc ở khu vực ngoài nhà nước do không được trọng dụng, sử dụng và bố trí làm việc đúng năng lực, sở trường; tiền lương không đủ sống; môi trường làm việc; điều kiện làm việc chậm được cải thiện...

Tuyển dụng chưa đủ, cần trọng dụng nhân tài

gop/Lấy người tài làm rường cột... - Ảnh 1.

Các tân cử nhân trong lễ tốt nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Đ.H.V.L

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Nội vụ đang tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để xây dựng, hoàn thiện đề án. Dự thảo đề án tập trung vào các nội dung như khái niệm nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài; mục tiêu, quan điểm của chiến lược; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược thu hút nhân tài.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm: Muốn chọn người thực sự có tài năng vào trong hệ thống làm rường cột thì phải thay đổi cách nhận diện, trọng dụng chứ không nên cào bằng.

Ông Vân phân tích, trọng dụng và tuyển dụng là hai vấn đề khác nhau. Tuyển dụng là thu hút vào. Trọng dụng là thu hút vào rồi nhưng phải có đãi ngộ tốt, biết thừa nhận, biết công nhận và tôn trọng người tài. "Trọng dụng người tài thì phải do người tài phát hiện ra. Một kẻ bất tài thì không bao giờ thừa nhận và trọng dụng nhân tài chứ đừng nói đến vấn đề nhận diện ra những nhân tài. Cho nên trước hết, để trọng dụng nhân tài thì phải có nhân tài đã" - ông Vân nêu quan điểm.

gop/Lấy người tài làm rường cột... - Ảnh 3.

Hội thảo góp ý dự thảo Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Ảnh: T.L

Không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử

Dự thảo chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài nêu rõ: Nhân tài được xác định là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội, có tinh thần cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có công trạng, thành tích, tạo nên sự tiến bộ, sự phát triển một tổ chức, một ngành, một lĩnh vực, một địa phương cụ thể.

Dự thảo chiến lược cũng nêu rõ quan điểm, nhân tài là nguồn lực đặc biệt, rất quan trọng, nếu được thu hút, trọng dụng sẽ tạo được sức mạnh to lớn để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo này là thống nhất đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài. Cụ thể là việc tìm kiếm, thu hút nhân tài không phân biệt vùng miền, quê quán, độ tuổi, người trong Đảng hay ngoài Đảng, người trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.

Trọng dụng nhân tài bao hàm cả tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đãi ngộ. Trong đó, chính sách trọng dụng được coi là mấu chốt để thu hút nhân tài.

Người đứng đầu phải có trách nhiệm tìm kiếm và phát hiện nhân tài để trọng dụng. Trọng dụng tốt thì nhân tài sẽ tự tìm đến, tự nguyện cống hiến. Ngược lại, chính sách trọng dụng không tốt thì không ai tìm đến, kể cả đã có nhân tài thì họ cũng làm một thời gian rồi cũng bỏ đi.

Ông Vân cũng cho biết, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về thu hút trọng dụng nhân tài đã có từ trước đến nay, nhưng chưa được xây dựng thành chiến lược quốc gia hoàn chỉnh, chưa được thể chế bằng một văn bản cụ thể: "Vì chưa có chính sách nên trong hoạt động thực tiễn chưa đạt được những kết quả cao. Bây giờ Đảng vừa có chủ trương bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là vì thế".

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng thực tế thời gian qua có rất nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn song hiệu quả chưa cao, số nhân tài thu hút được còn rất thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân có phải do chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn? Và bên cạnh việc đãi ngộ thì việc sử dụng nhân tài như thế nào, đúng vị trí và năng lực chuyên môn cũng rất quan trọng.

Ông Dĩnh dẫn chứng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, khi đến cơ quan nhà nước làm việc có thể phải đi quét dọn, pha trà nước… chứ chưa chắc được giao việc quan trọng. Như vậy là "cách sử dụng người không đúng, chưa tin tưởng họ".

Theo ông Dĩnh, người có năng lực nổi trội cần được bố trí đúng lĩnh vực để họ phát huy tài năng và không thể coi người tài cũng như nhân viên mới, trải qua tuần tự từng bước theo quy trình như việc tuyển người ở cơ quan nhà nước hiện nay. "Cái gốc của thu hút nhân tài chính là sự tin tưởng, tôn trọng, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí, đúng việc và đúng năng lực" - TS Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Không "trói" khái niệm nhân tài ở bằng cấp, học hàm, học vị

Theo nội dung dự thảo đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài (do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng), nguồn nhân tài có bốn nhóm chính là: Những người là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở giáo dục, đào tạo, chưa có kinh nghiệm công tác; những người có học vị, học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư và các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng vào đời sống thực tiễn; những người có trình độ, phẩm chất và có kinh nghiệm thực tiễn đang công tác ở doanh nghiệp, kinh tế tập thể và các khu vực, lĩnh vực khác; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội luôn hoàn thành tốt công vụ, nhiệm vụ trở lên.

Tại hội nghị góp ý cho dự thảo đề án do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ tổ chức cuối tháng 3/2023, PGS-TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng trong quan điểm của chiến lược cần nêu bật yêu cầu đầu tiên là đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài. Bởi trên thực tiễn có nhiều phát minh, sáng kiến, sản phẩm mang lại giá trị cao xuất phát từ những người không có học hàm, học vị, trình độ văn hóa không cao. Đó là những "nhà phát minh nông dân", do đó khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp, học hàm, học vị và chỉ khu biệt trong một nhóm đối tượng nhất định.

Ông Trần Văn Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nhân tài không hẳn phải là người có bằng cấp, học hàm, học vị mà họ là những người có những sáng kiến, đóng góp được xã hội ghi nhận. Do đó tránh tư duy cứng nhắc đặt ra những tiêu chuẩn cao mà cần linh hoạt trong việc xác định, công nhận nhân tài.

Từ kết quả nghiên cứu chính sách thu hút nhân tài ở Trung Quốc, PGS - TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), cho rằng việc trọng dụng nhân tài cần bao quát cả khu vực công và tư. Tuy nhiên, dự thảo đề án còn tập trung vào việc thu hút nhân tài ở khối cơ quan nhà nước. "Nhân tài là những người thực sự có tài năng và được lượng hóa bằng những cống hiến, đóng góp ghi nhận trên thực tế" - TS Thu Phương nêu quan điểm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem