Khủng hoảng phân bón sắp trở thành khủng hoảng lương thực tại châu Âu
Phân bón liên tục lập kỷ lục mới
Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets của Bloomberg trong tuần kết thúc vào ngày 25/3 là 1.270 USD/tấn, so với mức 1.248 USD/tấn trong tuần trước đó, tăng gần 2%. Đây là mức cao nhất trong lịch sử. So với một tháng trước, khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, giá mặt hàng này tăng hơn 40%.
Diễn tiến của thị trường phân bón thế giới cho thấy sự phụ thuộc vào xuất khẩu của mặt hàng này từ Nga vì nước này xuất khẩu phân bón nhiều hàng đầu thế giới năm 2019, với khối lượng thương mại đạt gần 9 tỷ USD.
Nga và Belarus, quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về một số loại phân bón, trong đó có ure và kali. Việc cắt giảm xuất khẩu từ hai quốc gia trên khiến giá tăng cao. Bên cạnh đó, giá khí đốt, nguyên liệu để sản xuất phân bón nitơ leo dốc trong thời gian vừa qua cũng là yếu tố đẩy leo thang.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khi nông dân châu Âu chuẩn bị rải phân bón trên các cánh đồng sau mùa đông, giá chất dinh dưỡng cao ngất ngưởng khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng ít hơn và cố gắng chuyển chi phí xuống chuỗi thức ăn.
Đối với những người trồng các mặt hàng chủ lực như ngô và lúa mì, đây là lần đầu tiên họ thực sự phải đối mặt với cuộc khủng hoảng phân bón được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, hạn chế xuất khẩu và các lệnh trừng phạt thương mại.
"Giờ đây, chi phí cao hơn nhiều để mua các hóa chất cần thiết cho các loại cây trồng mùa đông sắp chết khô, và chi phí tăng thêm có thể thúc đẩy các vụ trồng nhỏ hơn trong vụ xuân chiếm khoảng một phần ba lượng ngũ cốc châu Âu", VDSC viết.
Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc cắt giảm nhà máy phân bón do chi phí tăng cao của khí đốt tự nhiên được sử dụng để vận hành và giá chất dinh dưỡng ở đó vẫn ở mức kỷ lục. Châu Âu có thể đối mặt với thâm hụt khoảng 9% nhu cầu phân đạm hàng năm trong nửa đầu năm 2022. Lương thực thậm chí có thể đắt hơn nếu thu hoạch bị ảnh hưởng hoặc giá cây trồng tăng. VDSC nhận định rằng, khủng hoảng phân bón sắp thành khủng hoảng lương thực ở châu Âu.
"Cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu"
Theo Trading Economics, giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago, Mỹ ngày 25/3 là 1.092 USD/giạ, tăng 45% so với đầu năm. Nguồn cung mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Nga và Ukraine chiếm hơn 30% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Nhiều nông phẩm khác cũng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine.
Ngày 14/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu rằng cuộc chiến tại Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu.
Ông Guterres cho rằng trước khi Nga tiến hành chiến dịch nói trên, các nước đang phát triển vẫn đang phải "vật lộn” để phục hồi sau dịch bệnh với mức lạm phát kỷ lục. Nhưng sau đó, Nga - Ukraine, 2 trong số những thị trường cung cấp lương thực chính của thế giới lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 22/3, Tổng thống Macron cho biết thế giới đang phải đối mặt với một khủng hoảng thực phẩm toàn cầu.
Ông Emmanuel Macron nói chính phủ của ông đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm giảm giá nhiên liệu để hỗ trợ người dân trong nước. Ông muốn áp dụng chương trình phiếu thực phẩm để giúp các hộ nghèo và tầng lớp trung lưu trước tình cảnh vật giá leo thang.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cuối tuần trước cũng cho biết họ sẽ "quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực."