Kiên Giang: Ông trưởng ấp đam mê sáng chế máy nông nghiệp phục vụ nông dân

Chúc Ly-Ngọc Quyên Chủ nhật, ngày 21/06/2020 19:15 PM (GMT+7)
Không chỉ lãnh đạo chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Thanh Hùng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đông Thành, xã Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) còn tìm tòi nghiên cứu, chế tạo, sáng chế thành công một số loại máy nông nghiệp phục vụ nông dân.
Bình luận 0

Mới đây, vào tháng 3/2020, 2 sản phẩm máy kéo lúa, máy chở đất của ông Hùng đạt 2 giải ba tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII.

Ông Hùng chia sẻ: "Thấy nông dân làm ruộng cực khổ vì thiếu máy móc, tôi cứ đau đáu một điều phải làm gì đó giúp bà con đỡ vất vả". 

Trưởng ấp đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hùng bên chiếc máy kéo đang được hoàn chỉnh. Ảnh: NQ.

Từ mong muốn đó, liên tục những năm qua ông Hùng đã cải tiến, chế tạo thành công một số loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như thùng suốt lúa, máy kéo, máy ủi và chuyên chở đất.

Năm 2012, ông Hùng lắp ráp thành công máy kéo lúa có tải trọng 4 tấn, có thể vận hành được cả trên những vùng đất trũng. Cùng năm này, máy kéo lúa của ông Hùng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.

Máy kéo lúa do ông Hùng lắp ráp cũng là 1 trong 3 sản phẩm của tỉnh Kiên Giang được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015.

"Nhu cầu thực tế của nông dân là sản xuất 3 vụ lúa/năm, trong đó có vụ phải thu hoạch lúa trong điều kiện ruộng ngập nước vì mưa bão. Từ đó tôi tiếp tục cải tiến máy kéo lúa để phù hợp với tình hình thực tế", ông Hùng cho biết.

Sau gần 1 năm bắt tay cải tiến, sản phẩm máy kéo lúa hoàn thiện thành công ngoài mong đợi. Máy được nâng công suất hoạt động từ 4 tấn/chuyến lên 6 tấn/chuyến. Tuy sức chở tăng lên nhưng máy có khả năng di chuyển kể cả khi ruộng trũng, lún, có mực nước 0,5m nhờ sử dụng bánh xích lớn cho máy kéo.

Ông Hùng cho biết, từ năm 2018 đến nay cơ sở sản xuất máy nông nghiệp Quốc Hùng của ông đã xuất xưởng giao khách hàng trên 25 máy, mỗi máy có giá 80 triệu đồng, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. 

Sau khi nộp thuế, tiền thuê mướn công nhân và vật liệu, ông Hùng còn lãi thuần 100 triệu đồng. Đối với người dân, máy kéo lúa cải tiến này giúp người dân giảm 20% chi phí vận chuyển lúa từ ruộng vào nhà.

Trưởng ấp đam mê chế tạo máy phục vụ nông dân - Ảnh 2.

Ông Hùng có thu nhập hàng tỷ đồng nhờ vào đam mê sáng chế máy nông nghiệp phục vụ nông dân. Ảnh: NQ.

 Với đam mê cải tiến máy móc giúp giải phóng sức lao động của con người, ông Hùng còn lắp ráp thành công máy đổ đất giúp tăng công suất hoạt động gấp 3 lần so với máy đổ đất sử dụng sức người thông thường. 

Đây là máy đổ đất có nắp sau được thiết kế gài tự động nên không tốn sức người đóng mở nắp trước khi đổ đất. Ngoài ra, máy được lắp đặt hệ thống ben nâng hạ tự động giúp khâu đổ đất vận hành hoàn toàn bằng máy móc thay vì sử dụng sức người như trước.

Máy đổ đất này có khả năng di chuyển trên mọi địa hình đồng ruộng, giúp nông dân giảm 30% chi phí nhiên liệu so các máy đổ đất khác. 

Ông Hùng nói: "Bình quân mỗi ngày máy vận chuyển được 50 chuyến, nếu sử dụng máy đổ đất tự động này làm dịch vụ với giá từ 60-70 ngàn đồng/chuyến, giúp người sử dụng có thu nhập 3 triệu đồng/ngày".

Từ năm 2018 đến nay, ông Hùng giao khách hàng trên 60 máy đổ đất với giá bán 90 triệu đồng/chiếc, giúp cơ sở có doanh thu trên 5 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế, trả tiền thuê nhân công và vật liệu, ông Hùng còn lãi 300 triệu đồng. 

Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng, ông Hùng luôn nêu gương trong hưởng ứng tích cực các phong trào ở địa phương như ủng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, giúp đỡ vốn làm ăn cho người dân vươn lên thoát nghèo… 

Liên tục từ năm 2013 đến nay ông Hùng giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem