Kiến thức quân sự: Đôi nét về tàu ngầm Kilo

Chủ nhật, ngày 17/11/2013 07:46 AM (GMT+7)
Điều đặc biệt nhất, các tàu ngầm Kilo của Nga đóng cho Việt Nam hệ thống vũ khí được trang bị tốt hơn nhiều so với Trung Quốc.
Bình luận 0
Tàu ngầm lớp Kilo do NATO đặt tên cho loại tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Liên Xô trước đây và nay là Nga chế tạo. Còn người Nga lại thích gọi bằng cái tên Varshavyanka hơn, nhằm gợi lại dự án mà Liên Xô muốn chế tạo tàu ngầm trang bị cho các nước thuộc khối Hiệp ước quân sự Warsaw.
img

Năm 1980, chiếc tàu đầu tiên của lớp Kilo được giao cho hải quân Liên Xô và đó chiếc tàu thuộc dự án 877 chuyên phục vụ cho hải quân Liên Xô. Từ 1980 - 1993, Liên Xô rồi Nga đóng thêm 16 chiếc nữa thuộc dự án này và họ là nước có nhiều tàu ngầm Kilo theo dự án 877 nữa. Năm 1985, họ cung cấp cho 2 đồng minh là Romania và Ba Lan mỗi nước một chiếc thuộc dự án 877E. Ngoài ra, Algeria sở hữu 2 chiếc, Iran 3 chiếc, Ấn Độ 10 chiếc nhưng 1 chiếc đã bị chìm và Trung Quốc cũng có 2 chiếc.

Đến năm 1997, thế hệ mới của tàu ngầm lớp Kilo ra đời theo đơn đặt hàng từ Trung Quốc với 2 chiếc đầu tiên thuộc dự án 636. Sang thế kỷ 21, Trung Quốc đặt thêm 8 chiếc theo dự án 636M và đến năm 2005, Nga chuyển giao chiếc cuối cùng cho Trung Quốc. Cho đến giờ Trung Quốc là nước sở hữu nhiều tàu ngầm Kilo hệ cải tiến nhất với tổng cộng 10 chiếc, còn nhiều hơn hải quân Nga vốn chỉ đóng 6 chiếc. Ngoài ra, Algeria cũng đóng 2 chiếc và được giao vào năm 2009.

Điều đáng nói ở chỗ Nga đã đóng 6 tàu của họ sau khi rút tỉa được rất nhiều kinh nghiệm đóng tàu ngầm cho Trung Quốc và Algeria. Nga bắt đầu triển khai kế hoạch đóng 6 tàu ngầm Kilo thế hệ mới cho hải quân nước họ từ năm 2010 và theo dự kiến phải đến 2014 mới chuyển giao cho hải quân.

Cũng trong thời gian này, Nga triển khai đóng tàu theo đơn đặt hàng 6 chiếc của Việt Nam và tàu của hai nước đều được đóng tại xưởng đóng tàu ở St Petersburg. Chính vì vậy, những chiếc tàu được đóng từ năm 2010 (cho cả hải quân Nga và Việt Nam) đều được coi là hiện đại hơn những chiếc tàu đóng ban đầu cho Trung Quốc và Algeria.

Trước hết, ngoài việc rút tỉa được kinh nghiệm từ những lần đóng tàu trước, các tàu đóng sau được trang bị những kỹ thuật tiên tiến hơn. Sở dĩ tàu ngầm của Việt Nam bên ngoài được hiểu là đóng theo dự án 636M giống Trung Quốc và Algeria (tàu Nga đóng theo dự án 636.3) là vì Nga không muốn Trung Quốc mè nheo. Trên thực tế, các chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm Trung Quốc đáng gọi là Kilo phiên bản 636.1, của Algeria là phiên bản 636.2 còn của Việt Nam và Nga là phiên bản 636.3. Đương nhiên, phiên bản sau luôn tốt hơn phiên bản trước.

Chẳng hạn, tàu ngầm Kilo của Việt Nam và Nga được trang bị lớp vật liệu chống dội âm tốt hơn của Trung Quốc và Algeria. Hay ở hệ thống sonar, tàu ngầm Kilo của Trung Quốc chỉ được trang bị hệ thống sonar MGK 400E loại cơ bản. Trong khi đó, tàu ngầm Kilo của Việt Nam lại được lắp đặt hệ thống sonar MGK 400E loại cải tiến.

Hai hệ thống sonar này có cùng cự ly thám trắc, nhưng hệ thống sonar MGK 400E loại cải tiến được trang bị bộ xử lý tín hiệu tốc độ cao nhiều công năng và có mức độ số hóa cao hơn loại cơ bản. Ngoài ra, hệ thống điện tử trên tàu ngầm Kilo của Việt Nam và Nga đều là những phiên bản mới nâng cấp và cải tiến, dĩ nhiên, nó hơn gấp nhiều lần với loại sử dụng trên Kilo của Trung Quốc.

Điều đặc biệt nhất, các tàu ngầm Kilo của Nga đóng cho Việt Nam hệ thống vũ khí được trang bị tốt hơn nhiều so với Trung Quốc vì Nga vẫn e dè trước sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây. Cụ thể, tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ được lắp đặt tên lửa hành trình tấn công 3M-14E loại mới nhất, có tầm bắn 290km. Loại tên lửa này không được Bộ Quốc phòng Nga phê chuẩn xuất khẩu cho Trung Quốc.
A.T (Thế giới & Hội nhập) (A.T (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem