Kiều hối “chảy” mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 06/12/2019 16:15 PM (GMT+7)
Tính đến cuối tháng 11, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế,… đạt 4,3 tỷ USD. Ước tính, lượng Kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2019 đạt khoảng 5,3 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm trước.
Bình luận 0

img

Dòng Kiều hối sẽ chảy mạnh về TP.HCM dịp sát Tết Nguyên đán (Ảnh: IT)

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 11 vừa qua, lượng kiều hối chuyển qua các đơn vị ở thành phố đạt 4,3 tỷ USD và đang tiếp tục tăng nhanh trong tháng cuối năm. Với tốc độ hiện nay, dự kiến trong năm 2019, lượng Kiều hối chuyển về TP đạt khoảng 5,3 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2018.

“Mặc dù trong năm 2019, diễn biến thị trường tài chính tiền tệ có nhiều điểm hơi bất lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc phá giá đồng tiền của một số nước… nhưng lượng kiều hối chuyển về nước, đặc biệt là ở TP.HCM vẫn khá đều đặn”, ông Minh nhận định.

Cũng theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM về dòng kiều hối cho thấy, có đến 72% lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, gần 22% vào lĩnh vực bất động sản và số còn lại hỗ trợ người thân tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

“Ưu điểm của lượng kiều hối là tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế nhưng không tạo gánh nặng nợ nước ngoài như các dòng vốn khác, giúp kinh tế giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia… Đặc biệt, dòng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế thành phố phát triển, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ”, ông Minh đánh giá.

Đánh giá dòng kiều hối tác động đến nền kinh tế, phát triển tại TP.HCM, TS Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính, cho biết: “Chủ yếu dòng kiều hối đổ về TP để đầu tư vào 4 lĩnh vực chính: Thứ nhất là chứng khoán; thứ 2 là góp vốn đầu tư mua cổ phần; thứ 3 là đầu tư bất động sản và thứ 4 là chuyển sang tiền Việt để tiết kiệm. Hiện nay, tiết kiệm kỳ hạn ở các ngân hàng nhỏ cũng gần 8-9%, trong khi tỷ giá tại Việt Nam năm nay không tăng nhiều, khoảng 1% là hết cỡ. Khi gửi tiết kiệm gần 8-9%, kỳ hạn 12 tháng, sau khi trừ biến động tỷ giá khoảng 1% thì vẫn lời hơn gửi tiền đô ở nước ngoài (nước ngoài gửi tiền đô chỉ 1-2% là hết cỡ)”.

Theo ông Tín, kiều hối là dòng bổ sung vốn cho các thị trường. Hàng năm, dòng kiều hối đổ nhiều vào BĐS, hoặc đầu tư vào chứng khoán. Nhưng thực tế mà nói thì hiện nay BĐS và chứng khoán cũng ế ẩm, nên chắc năm nay dòng Kiều hối gửi về chủ yếu là gửi tiết kiệm hoặc tiêu xài. Nhưng quan sát của tôi thời gian qua, có thể thấy dòng kiều hối đổ nhiều vào bất động sản, nhất là BĐS nghỉ dưỡng ở các tỉnh ven biển, chẳng hạn như Phú Quốc, Nha Trang, Ninh Thuận, Vũng Tàu…

“Ngay cả khi kiều hối đổ vào lĩnh vực đầu tư bất động sản thì cũng thúc đẩy những ngành nghề sản xuất kinh doanh lĩnh vực này phát triển để cho ra sản phẩm. Chưa kể, lượng tiền lên đến hàng tỷ USD mỗi năm góp phần làm ổn định thị trường ngoại tệ bên cạnh các dòng vốn khác. Vài năm gần đây, lượng ngoại tệ trên thị trường dư thừa, dẫn đến giá mua USD của các NH thương mại giảm xuống thấp hơn cả giá mua lại của NHNN. Điều này giúp NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối, con số công bố hồi đầu tháng 11 lên 73 tỷ USD”, ông Tín bình luận thêm.

Dù vậy, ông Tín cũng cho rằng, khi xác định dòng kiều hối chủ yếu đổ vào đầu tư thì để gia tăng Kiều hối cần cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn bên cạnh những yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cụ thể là cải cách thủ tục hành chính, lạm phát ổn định…

Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có lượng Kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so với năm 2018. Theo WB đánh giá, dòng Kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; đến năm 2018 vọt lên 16 tỷ USD.

Cũng theo WB, Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á và duy trì trong Top 10 thế giới về thu hút Kiều hối trong nhiều năm trở lại đây.

Trong tổng lượng Kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi Kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem