Kinh doanh trực tuyến - “mỏ vàng” của dệt may Việt Nam

Thứ năm, ngày 03/06/2021 16:00 PM (GMT+7)
Nhu cầu lớn, giảm thiểu nhiều chi phí, kinh doanh trực tuyến đang được khuyến cáo là phương thức bán hàng phù hợp và tiềm năng cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang gây nhiều trở ngại.
Bình luận 0

Phương thức kinh doanh phù hợp

Năm 2020, Tổng công ty May 10- CTCP đã bán thành công chiếc áo sơmi nam dài tay màu hồng với giá 29 USD thông qua sàn thương mại điện tử Amazon.com. Theo đại diện May 10, đây là mức giá trung bình khá trong mặt bằng các sản phẩm cùng loại đang có trên trang. Tương tự, ngoài bán sản phẩm, Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công đã phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua Amazon.com.

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là kênh kinh doanh “hot” hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khiến người tiêu dùng hạn chế phương thức mua hàng trực tiếp - truyền thống. Tuy nhiên trong ngành dệt may, số doanh nghiệp (DN) nghiêm túc đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm, xây dựng thương hiệu để bán hàng qua sàn TMĐT như May 10, Thành Công chưa nhiều. Theo bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dịch Covid-19 là cơ hội tốt cho DN dệt may trong nước đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm thuận lợi hoá kinh doanh trong bối cảnh mới. Về lâu dài, hướng tới mục tiêu thay thế lao động đơn giản, giảm các loại chi phí như bảo hiểm xã hội, công đoàn.

“Ngành dệt may Việt Nam cần mở rộng thị trường sang các thị trường phi truyền thống. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như tiêu thụ hàng hóa từ 1 vài thị trường sẽ mang đến rủi ro cho DN. Đây cũng là lý do khiến DN cần suy nghĩ về phương thức kinh doanh mới - kinh doanh số”, bà Hoàng Ngọc Ánh nói.

Kinh doanh trực tuyến - “mỏ vàng” của dệt may Việt Nam - Ảnh 1.

Kinh doanh trực tuyến - “mỏ vàng” của doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Cho rằng kinh doanh trực tuyến đang là “mỏ vàng” của DN, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam - đã chứng minh: Người tiêu dùng tại Mỹ , EU, Trung Quốc, Ấn Độ cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến kể cả thời kỳ hậu Covid-19 với mức mua tăng từ 15-50% với các mặt hàng từ dệt may đến hàng tiêu dùng khác so với thời điểm trước dịch bệnh (báo cáo của McKinsey vào tháng 3/2021); doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ đã tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 861 tỷ USD.

Ông Trịnh Khắc Toàn cũng cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch, hành vi của người mua sắm toàn cầu đã chuyển về môi trường trực tuyến. Để phát triển trong bối cảnh như vậy, có 3 yếu tố quan trọng tác động đến DN. Thứ nhất là số hoá, hướng đến phát triển bền vững và đa dạng kênh tiêu thụ cho DN. Thứ hai, đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua việc tối ưu đánh giá của người tiêu dùng thông qua TMĐT. Thứ ba, mở rộng kinh doanh, bán hàng xuyên biên giới, mang hàng Việt ra toàn cầu. “Amazon.com với mô hình kinh doanh toàn cầu và không bị giới hạn về mặt địa lý; có hơn 300 triệu khách hàng trong đó có hơn 200 triệu khách hàng trung thành - là một lựa chọn tốt cho DN Việt Nam”, ông Toàn nói.

Lý giải việc chọn Amazon Global Selling Việt Nam làm đối tác xây dựng thương hiệu của DN dệt may trên môi trường TMĐT, bà Hoàng Ngọc Ánh cho hay: Amazon.com ngoài là một nền tảng TMĐT lâu đời, có uy tín, còn phát triển rất mạnh tại Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam. 5 tháng đầu năm, thị trường Mỹ chiếm tới 40% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Hơn nữa, các sản phẩm có nhu cầu cao tại thị trường Mỹ đều phù hợp với năng lực sản xuất, giá thành, tiêu chuẩn kỹ thuật của DN Việt Nam.

Lưu ý cần thiết

Dù thuận lợi như vậy nhưng để kinh doanh thành công trên Amazon.com cũng như bán được hàng cho người tiêu dùng Mỹ, DN cũng cần nhiều lưu ý. Bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam - chỉ ra: Tại thị trường Mỹ, số lượng khách hàng dưới 35 tuổi ngày một nhiều - đây là đối tượng nhà bán hàng nên lưu ý bởi thường xuyên mua sắm trên Amazon.com, quan tâm tới xu hướng thiết kế, thị hiếu thay đổi nhanh.

Về sản phẩm, nhu cầu quần áo có kích cỡ lớn khá lớn, vì thế khi DN đưa hàng hoá đã bán ở Việt Nam ra nước ngoài cần lưu ý để có thể điều chỉnh size cho phù hợp. Xu hướng sử dụng vật liệu organic, tái chế đang rất rõ nét không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn tại các thị trường phát triển khác nên sản phẩm có được chứng nhận organic sẽ là điểm cộng cho DN tại những thị trường này.

Người tiêu dùng thường sử dụng mạng xã hội để cập nhật xu hướng thời trang. Do vậy, các nhà bán hàng ngoài xây dựng thương hiệu trên Amazon.com cần suy nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội khác để giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhà sản xuất nên lưu ý tới mùa vụ để bán sản phẩm phù hợp. Ví dụ, mùa xuân - hè tập trung vào mặt hàng áo ba lỗ, đồ bơi; mùa thu – đông là áo ấm, tất… “Một số sản phẩm không quá gắt gao về kích thước như: Sản phẩm thể thao, đầm freesize, áo phông… là gợi ý tốt cho người bắt đầu bán hàng trên Amazon.com”, bà Trang nói thêm.

Được biết, đặt mục tiêu đồng hành cùng DN trong quá trình chuyển đổi số, Vitas đang phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh quá trình bán hàng trực tuyến. Kết hợp với Amazon Global Selling Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng hành 1-1 để hỗ trợ DN tiếp cận được phương thức kinh doanh trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích.

5 tháng đầu năm 2021, dệt may Việt Nam đã xuất siêu 4,92 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,84% so với năm 2019. Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của ngành, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với 40%.


Việt Nga (Theo Báo Công thương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem