Kinh tế Afghanistan trước bờ vực sụp đổ, phương Tây "tiến thoái lưỡng nan": Viện trợ hay không viện trợ?

17/09/2021 16:02 GMT+7
Việc các tổ chức và nhà viện trợ quốc tế liệu có tiếp tục rót viện trợ vào Afghanistan hay không là vấn đề đang được thảo luận rộng rãi.

Một tháng sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ và Taliban tiến vào Kabul, Afghanistan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ: hàng triệu người đứng trước nguy cơ nạn đói, tình trạng suy giảm thanh khoản toàn hệ thống tài chính, viện trợ bị đình chỉ và tài sản của Ngân hàng Trung ương tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bị đóng băng.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang vật lộn với câu hỏi liệu có nên viện trợ cho một Afghanistan đứng trước bờ vực sụp đổ kinh tế khi Taliban kiểm soát quốc gia này.

Trước khi Taliban tiếp quản Kabul, 80% ngân sách của chính phủ Afghanistan được tài trợ bởi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. 40% GDP quốc gia đến từ viện trợ quốc tế. Khoảng một nửa dân số đất nước sống dưới mức nghèo khổ. Giờ đây, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 14 triệu trên tổng số 40 triệu dân đang đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết cần huy động 200 triệu USD để đảm bảo an ninh lương thực cho Afghanistan từ nay đến cuối năm.

Ngay sau khi tiến vào Kabul, Taliban đã vạch ra các chính sách về viện trợ quốc tế, trong đó thành lập một Ủy ban giám sát nguồn viện trợ nhằm theo dõi việc các cơ quan đăng ký viện trợ trong nước, cũng như thực thi quy tắc ứng xử của Taliban đối với các tổ chức này bao gồm các khía cạnh như thuế, tính trung lập chính trị (đảm bảo rằng nhân viên cứu trợ không phải là gián điệp) và tôn trọng văn hóa Afghanistan.

Nhưng việc các tổ chức và nhà viện trợ quốc tế liệu có tiếp tục rót viện trợ vào Afghanistan hay không là vấn đề đang được thảo luận rộng rãi.

Kinh tế Afghanistan trước bờ vực sụp đổ, phương Tây "tiến thoái lưỡng nan": Viện trợ hay không viện trợ? - Ảnh 1.

Người dân Afghanistan trú ẩn gần một nhà ga xe lửa ở Chaman, Pakistan hồi đầu tháng 9 năm nay (Ảnh: Reuters)

Đầu tuần này, các nhà tài trợ quốc tế bao gồm Mỹ và các quốc gia châu Âu tại một hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ đã cam kết viện trợ hơn 1 tỷ USD cho Afghanistan. Cam kết được đưa ra sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ra lời kêu gọi, khẳng định người dân Afghanistan đang phải đối mặt với sự sụp đổ của cả một quốc gia. Ông cảnh báo rằng nguồn cung cấp lương thực quốc gia này có thể cạn kiệt vào cuối tháng 9, đồng thời nhấn mạnh rằng việc viện trợ thông qua chính phủ Taliban là cần thiết. “Không thể cung cấp các viện trợ nhân đạo vào Afghanistan mà không thông qua chính quyền”.

Điều này đưa các nhà viện trợ vào một tình thế khó xử trong bối cảnh Taliban từ lâu đã vướng nhiều cáo buộc liên quan đến bạo lực, vi phạm nhân quyền do áp dụng luật Hồi giáo một cách khắc nghiệt. Đó là chưa kể nguồn viện trợ có thể tạo điều kiện cho nạn tham nhũng và lạm dụng các quỹ này cho mục đích khác. 

Ông Alex Zerden, một cựu tùy viên tài chính của Bộ Tài chính tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cho biết.  “Taliban kiểm soát hải quan và thuế”. Một phần tư số ngân hàng của đất nước này thuộc sở hữu nhà nước, cũng như Ngân hàng Trung ương, có nghĩa là mọi dòng tiền phân bổ trên đất nước đều nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Trong khi đó, bất cứ tổ chức, cá nhân nào làm ăn với các ngân hàng này cũng có nguy cơ đối diện với lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ. Ngay cả khi các nhà viện trợ có thể rót viện trợ vào Afghanistan thông qua các tổ chức độc lập, thì những tổ chức này cũng không có khả năng chuyển đổi và phân phát dòng tiền khổng lồ như thông qua chính phủ.

Đó là chưa kể nguy cơ hình thành nạn tham nhũng. Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, tình trạng tham nhũng đã trở thành vấn nạn trong nền kinh tế Afghanistan. Hàng tỷ USD viện trợ đổ vào nước này trong 2 thập kỷ qua, đặc biệt là từ Mỹ, đã thúc đẩy một thế hệ triệu phú - những chính trị gia và doanh nhân tham nhũng làm tê liệt hệ thống kinh tế xã hội của quốc gia. Chính nạn tham nhũng đã đẩy nhiều người Afghanistan đến với Taliban - những kẻ tuyên bố sẽ trừng trị nặng hành vi tham nhũng như vậy.

Nhưng thực tế, nguồn tiền của Taliban không mấy sạch sẽ. Một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 6 chỉ ra rằng nguồn tài trợ chính của Taliban hiện đến từ các hoạt động như buôn bán ma túy, sản xuất thuốc phiện, bắt cóc để đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc ảnh hưởng. Thu nhập ước tính từ các hoạt động này lên tới 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Mỹ tiếp tục viện trợ, nhưng không thông qua Taliban

Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho người Afghanistan nhưng không thông qua Taliban, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết vào tuần trước.

“Bộ Tài chính Mỹ đã cấp các giấy phép cụ thể nhằm cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ cũng như các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Afghanistan bất chấp các lệnh trừng phạt với Taliban… Dòng viện trợ sẽ không chảy qua chính phủ Taliban mà thông qua các tổ chức độc lập” - Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.


NTTD
Cùng chuyên mục