Kon Tum: Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số

Hùng Nguyễn Thứ sáu, ngày 29/12/2023 12:56 PM (GMT+7)
Thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bình luận 0

Đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo ra nguồn lực lao động qua đào tạo nghề và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Kon Tum đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc…

Kon Tum: Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Đồng bào Triêng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thay đổi cơ bản nhận thức, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS tham gia học nghề, các cơ sở đào tạo còn xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thời gian học nghề phù hợp với trình độ, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào; xây dựng cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS...

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ hàng nghìn lao động nông thôn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhiều hộ đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Là một trong những huyện làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số, từ các chương trình dự án đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng, năm 2023, huyện Sa Thầy đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho hơn 600 người dân vùng dân tộc thiểu số về kỹ thuật chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi.

Kết hợp với Trung tâm giống cây trồng vật nuôi dịch vụ nông nghiệp huyện mở 41 lớp tập huấn kỹ thuật với nội dung về công tác khuyến nông, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, nuôi cá lồng. Kết quả, có gần 1200 người tham gia trong đó có 800 hộ là người dân tộc thiểu số.

Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Sa Thầy đạt 54 % thông qua công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Điểm sáng đào tạo nghề nông thôn

Sau khi có Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn" của Ban Bí thư Trung ương Đảng, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Huyện ủy; UBND huyện Sa Thầy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.

UBND huyện đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Kon Tum: Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Trồng hoa ly nâng cao thu nhập nông thôn.

Năm 2023, Hội Nông dân huyện Sa Thầy phối hợp với Sở Lao động và Thương binh xã hội huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề mở 16 lớp đào tạo nghề cho hơn 400 học viên chủ yếu là các ngành nghề sản xuất nông nghiệp.

Hằng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, ban ngành, phối hợp với các đoàn thể triển khai việc khảo sát và tư vấn, dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn vào dịp cuối năm, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nghề vào năm kế tiếp. Trong những năm qua đã thực hiện tư vấn, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho hơn 50.000 lượt người tham gia.

Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như : Trồng và chăm sóc cà phê vối; Cạo mủ cao su; Trồng lúa; trồng cây ăn trái; trồng cây luồng, trồng nấm sò, nấm linh chi...; về chăn nuôi gồm: nuôi và chăm sóc trâu, bò, dê, thỏ và nuôi heo thịt, heo sinh sản và các nghề phi nông nghiệp: vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp; sữa chữa điện dân dụng; nghề nề, nề hoàn thiện, nghề hàn điện....

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, huyện ưu tiên nguồn ngân sách để phát triển các nghề truyền thống ở nông thôn như nghề nấu rượu, dệt thổ cẩm, làm chổi đót để nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, thực hiện tốt việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, Sa Thầy có hàng trăm lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tại các cơ sở này.

Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm ở nông thôn góp phần nâng cao trình độ lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác đào nghề nông nghiệp

Về kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian sắp tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết đã ký ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cụ thể, đào tạo nghề cho 14.800 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. bình quân đào tạo 3.700 người/năm.

Kon Tum: Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Nhiều người dân ở Kon Rẫy đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tích cực phát triển kinh tế từ rừng. Ảnh: HN

Cụ thể, định hướng ngành nghề đào tạo trong thời gian sắp tới bao gồm các công tác về đào tạo các nghề để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì như (1) Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7 tháng 7 năm 2022; (2) Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022; (3) Phát triển du lịch nông thôn tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022...

Công tác đào tạo nghề "Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp" cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu "80% Giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề" theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị marketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng "blockchain" từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Kon Tum: Chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Lớp đào tạo trồng rau an toàn trong nhà màng. Ảnh: HT

Đồng thời tiếp tục bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; marketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp.

Đặc biệt, đối với các nghề Bộ NN&PTNT đã xây dựng khung chương trình, giáo trình giai đoạn trước đề nghị các địa phương tiếp tục kế thừa, cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chế biến mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem