Ký ức Hà Nội: Hương cốm làng Vòng gợi bao thương nhớ

Phạm Thị Yến (Sơn La) Chủ nhật, ngày 17/07/2022 10:15 AM (GMT+7)
Những câu chuyện của bố về sự quan tâm cùng những cử chỉ đặc biệt của cụ bà bán cốm gần nơi bố trọ như là một phần kỷ niệm để bố vơi bớt nỗi nhớ bà nội, vơi bớt nỗi nhớ nhà nơi có người vợ luôn tảo tần thay bố chăm lo đàn con thơ để bố yên tâm học tập.
Bình luận 0

Vậy là cũng tròn 13 năm bố tôi dời xa cõi tạm bay về vùng miên viễn, nơi ấy không có những cơn đau hành hạ, nơi chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng ở nơi xa xôi ấy bố cũng không có mẹ cùng mấy chị em chúng tôi. 

Hẳn nhiên người ra đi cũng sẽ thấy buồn còn người ở lại với một nỗi ưu tư nặng trĩu nhất là mỗi dịp lễ Tết mấy chị em tề tựu đông đủ bên mẹ. 

Năm nào cũng vậy như một lập trình đã được định sẵn, mâm cơm cúng giỗ tưởng nhớ bố ngoài những món ăn mặn thì lúc nào mẹ tôi cũng cẩn trọng và nâng niu đặt lên bàn thờ gia tiên nơi bố vẫn dõi theo cả nhà với nụ cười hiền hậu trìu mến một đĩa cốm non bọc trong lá sen già. 

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là hàng năm cứ đến tháng 5 âm là bụi sen mẹ trồng trong chum trước nhà đã lụi tàn lại bắt đầu đâm chồi, nảy ra những chiếc lá non rồi theo vòng tuần hoàn khi sen đủ nắng, gió, hấp thụ đủ năng lượng của đất trời giao thoa đúng đến độ sen già khoác lên mình chiếc áo thẫm màu của thời gian là sẵn sàng hiến thân mình tặng mẹ để bao bọc những hạt ngọc trời dâng lên cúng bố.

Ký ức Hà Nội: Hương cốm làng Vòng gợi bao thương nhớ - Ảnh 1.

Cốm làng Vòng được làm từ lúa nếp hoa vàng và là loại lúa non, nhưng không non quá vì sẽ làm cốm bị nát, cũng không già quá vì cốm sẽ cứng, ăn mất vị ngon. Ảnh: Lê Hiếu

Ngày ấy của 30 năm về trước, mấy chị em tôi còn nhỏ, tôi khi ấy chừng 7 – 8 tuổi được bố tặng cho một món quà giấu trong ba lô, đó chính là mùi của cốm được bao bọc trong chiếc lá sen có phần héo đi nhiều do bố di chuyển một quãng đường khá dài từ Thủ đô hoa lệ về miền núi xa xôi. Bố thảo tính, nên quà mua từ Hà Nội ngoài mua cho gia đình là y rằng bố mua thêm biếu các bác hàng xóm cũng có con độ tuổi mấy chị em tôi. Món quà bố mua ấy cũng chính là một phần ký ức nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ chúng tôi lớn theo cùng năm tháng. 

"Thưởng thức cốm chúng ta không được ăn vội, phải thưởng thức một cách từ tốn và chậm rãi các con mới cảm nhận hết được sự thanh cao, thuần khiết của lúa non " – Lời bố dạy chúng tôi mỗi khi nhìn vào những đôi mắt đầy háo hức cùng những hành động như muốn nuốt chửng những hạt cốm xanh non mềm dẻo như mời gọi kia trước mắt. 

Quả thực, lời bố dạy chẳng sai chút nào, ăn cốm mà ăn vội thì đâu cảm nhận hết được sự thanh nhã và tinh khiết của hạt ngọc đến từ những cánh đồng lúa bát ngát xanh của những nghệ nhân nổi tiếng ở làng Vòng. 

Sẽ là chẳng ngoa nếu chúng ta dành tặng cốm làng Vòng sự ưu ái đặc biệt, không phải vì nguồn gốc của những hạt cốm non ấy được ra đời tại mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến mà có lẽ khi thưởng thức cái mùi thơm ngát của những hạt sữa non, được bao bọc trong cái vỏ xanh dưới ánh nắng mai mỗi buổi sớm. 

Rồi khi nắng hoàng hôn vào những buổi chiều, những giọt sữa ấy dần kết tinh, đông đặc lại và khi đủ tuổi nó sẽ được các nghệ nhân lành nghề nhất tạo ra những hạt cốm dẻo, thơm nơi đầu lưỡi để rồi khi xuống tới cuống họng thì vị thơm dẻo ấy lại được chuyển hóa thành vị ngọt thanh đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức. Và cái món quà của lúa non ấy càng thêm tròn vị hấp dẫn nếu được bao bọc trong lớp áo được làm từ lá sen già.

Bố tôi là một tín đồ của cốm "bố ăn cốm làng Vòng thì chẳng còn muốn thưởng thức cốm ở nơi khác". Phải chăng khi xưa vì có tình yêu mãnh liệt với mảnh đất đã chào đón và cho bố nhiều tri thức lẫn những kỉ niệm của một trong 36 phố phường nổi tiếng thành Thăng Long như phố hàng Than, hàng Ngang, hàng Đào,… của 4 năm bố sống và học tập tại nơi đây? 

Những câu chuyện của bố về sự quan tâm cùng những cử chỉ đặc biệt của cụ bà bán cốm gần nơi bố trọ như là một phần kỉ niệm để bố vơi bớt nỗi nhớ bà nội, vơi bớt nỗi nhớ nhà nơi có người vợ luôn tảo tần thay bố chăm lo đàn con thơ để bố yên tâm học tập. Và sau này khi kết thúc những năm học xa nhà mỗi dịp đi công tác hay có đồng nghiệp về Thủ đô là y như rằng cả nhà tôi lại được thưởng thức món quà Hà Nội lâu không ăn thấy là lạ mà cũng quen quen. Vừa thân thương lại cũng đầy xao xuyến.

Để rồi, sau này khi đã là cô gái trưởng thành có dịp về thăm Thủ đô sẽ chẳng có lời dặn dò nào mà khi ra về trong tôi ngoài cái cảm giác "người về nhớ cảnh ngẩn ngơ" thì trong túi xách của tôi sẽ không quên mang theo cái thứ quà khi xưa bố vẫn từng nâng niu cất giữ. Tôi muốn là người mang cái hương vị của món quà mà như lời của nhà văn Thạch Lam đã từng nhận xét về Cốm: 

Ký ức Hà Nội: Hương cốm làng Vòng gợi bao thương nhớ - Ảnh 4.

Hương vị thơm ngon của cốm luôn khiến người dân, du khách yêu thích. Ảnh: Lê Hiếu

"Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh,…" về tặng đấng sinh thành như một lời tri ân bởi khi xưa chính bố là người đã thổi hồn và là người dẫn đường để chúng tôi biết thưởng thức cũng như biết kính trọng " cái lộc của trời ".

Lại thêm một năm và vào cái ngày cuối tháng 5 của mùa hạ cả nhà tôi lại có dịp tề tựu và thưởng thức món cốm sau khi dâng lên bố. Được sống lại cái cảm xúc vẹn nguyên của gia đình còn đông đủ và trong ai cũng có chút niềm riêng khắc khoải cùng chút nhấn nhá cảm nhận cái hương vị thân thương của cái mùi thơm nhẹ, dịu ngọt cùng chút phảng phất hương thơm của nén nhang trầm. 

Bố vẫn ở đâu đó trong căn nhà này cùng với hương cốm Hà Nội và cái hương thơm mang tinh túy của đất trời ấy đang bay cao bay xa trong không gian cùng tiềm thức mỗi người. Mùi hương của một miền ký ức của một thời chẳng thể nào quên.

Bài viết Hương cốm làng Vòng gợi bao thương nhớ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem