Ký ức "phóng viên chiến trường" giữa tâm dịch Covid-19

Bạch Dương - Chinh Hoàng - Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 19/11/2021 16:01 PM (GMT+7)
Chưa bao giờ TP.HCM trải qua đại dịch như đợt dịch Covid-19 thứ 4 vừa qua. Hơn 452.000 người mắc bệnh, hơn 17.000 người tử vong là những con số đau đáu không ai có thể quên.
Bình luận 0
Ký ức "phóng viên chiến trường" giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các bác sĩ căng mình cứu bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: BVCC

Mặc dù không phải là đội ngũ chiến đấu trên tuyến đầu chống dịch nhưng do đặc thù nghề nghiệp, các phóng viên cũng đã xông pha trên mọi mặt trận, từ các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu phong tỏa… Tận mắt chứng kiến những hy sinh, mất mát trong những ngày tháng nóng bỏng đỉnh dịch là những ấn tượng khó có thể nhạt phai trong tâm trí mỗi phóng viên.

Ướt sũng toàn thân, mất luôn dấu vân tay

Trực tiếp vào các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức Covid-19 mới thấy sức làm việc của các y, bác sĩ gần như đã vượt quá giới hạn. Có lẽ chưa bao giờ các y, bác sĩ phải gồng mình đến 200 – 300% sức lực, chưa bao giờ phải triền miên các ca trực 8-10 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong những bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 kín mít.

Hết ca trực, bác sĩ Trần Chí Khôi (Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức) cởi bỏ bộ đồ bảo hộ. Toàn thân anh ướt đẫm từ đỉnh đầu đến gót chân bởi mồ hôi của chính mình. Anh giơ bàn tay nhăn nheo vì mất nước quá độ rồi nói vui: "Trực xong là mất tiêu hết luôn vân tay".

Không chỉ riêng bác sĩ Khôi, tất cả các điều dưỡng, bác sĩ khác trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 đều trong tình trạng tương tự. Không dám uống nước, không dám ăn nhiều để không phải… đi vệ sinh vì mỗi lần đi như vậy, các anh chị phải thay toàn bộ đồ bảo hộ mới. Đã có không ít anh chị kiệt sức, ngất xỉu ngay giữa ca trực. 

Ký ức "phóng viên chiến trường" giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Khuôn mặt đẫm mồ hôi và bàn tay không còn nhận ra dấu vân tay của BS Khôi. Ảnh: BSCC

Chỉ thỉnh thoảng được phép vào các khu điều trị, mặc đồ bảo hộ 4-5 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng thật sự kiệt sức. Có như vậy mới càng thấm thía những hy sinh, chịu đựng vượt qua giới hạn của những y bác sĩ tuyến đầu.

"Những con chim sẻ lạc đàn"

Đằng sau những nỗi đau mất mát người thân là khoảng trống ghê người của những người ở lại, đặc biệt với những đứa trẻ. Tiếp cận với những đứa trẻ không may mắn ấy, cảm nhận rõ nét nhất của chúng tôi, đó là hình ảnh "những con chim sẻ lạc đàn, lảo đảo không định hướng".

Chỉ trong 1 tháng, V.D.N (12 tuổi) mất mẹ do Covid-19, ba vì quá nhớ mẹ, không vượt qua được cú sốc tinh thần đã khóa trái cửa tự thiêu. Từ đó, trong những giấc ngủ, N luôn nhìn thấy cảnh nhà cháy hiện ra trước mắt. Xuyên xuốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng tay của N cứ đan chéo vào nhau, kiểu rụt rè và cố giấu đi đau thương.

Trong suốt cuộc nói chuyện với cậu bé Lưu Thiện Lâm (phường 12, quận 8), Lâm luôn im lặng hoặc thi thoảng nói lí nhí trong cổ họng. Lâm mồ côi mẹ khi mới 14 tháng tuổi, được người dì nuôi dưỡng từ nhỏ nên Lâm luôn coi má Hai (người dì) là mẹ ruột của mình.

Không may, má Hai của Lâm nhiễm Covid-19, bệnh trở nặng rồi tử vong. Một lần nữa, Lâm lại mồ côi. Nói lí nhí về má Hai, mắt Lâm đỏ hoe: "Những lúc má Hai nghỉ bán ở chợ, má dẫn ba chị em con đi sở thú chơi, vì không phải lúc nào cũng có tiền để đến đó chơi nên con thích lắm. Không những được má dẫn đi chơi, má còn mua rất nhiều đồ ăn ngon cho ba chị em.

Con gấu bông sờn rách này là món quà kỷ niệm đắt giá trong một lần sinh nhật của con, má Hai mua tặng. Dù nó có rách nát đến cỡ nào thì đó là món quà duy nhất má để lại, con không quên được hình ảnh của má mỗi khi phiên chợ tan. Con đứng đầu ngõ lóng ngóng đợi má về, tay xách hàng hóa, không quên kèm theo những gói bánh, kẹo cho cả ba chị em", nói đến đây Lâm òa khóc.

Ký ức "phóng viên chiến trường" giữa tâm dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Giọt nước mắt của bé Lâm khi kể về má Hai. Ảnh: Chinh Hoàng

Chúng tôi cũng không kìm được nước mắt trước nỗi đau quá lớn của đứa trẻ. Lâm, N. nằm trong gần 2.000 đứa trẻ đột nhiên trở thành mồ côi vì Covid-19. Cho dù cả xã hội cùng chung tay sẻ chia, nhưng chúng tôi hiểu được rằng, nỗi đau mất mát trong lòng những đứa trẻ đó không có gì bù đắp được.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân Việt Nam, riêng tại TP.HCM là hơn 17.000 người. Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM lúc 20h tối nay. Đồng thời, đúng 20h30, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) cùng đánh chuông tưởng niệm.

Sài Gòn yêu thương đang dần hồi phục dù trên mình còn chi chít vết thương. Ai đã trải qua cơn thập tử nhất sinh, từng có người thân mất đi vì Covid-19 mới thấm thía được hết nỗi đau, khó có thể xóa nhòa. Tưởng nhớ những người ra đi là hành động mang tính nhân văn cao cả. Đó cũng là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh, để mỗi người may mắn được sống hôm nay ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem