Ký ức rưng rưng của người lính "một thời hoa lửa"

Thu Hương - Hà Giang - An An Thứ ba, ngày 21/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Những chàng lính trai tráng năm xưa, người ngã xuống thì vẫn mãi tuổi đôi mươi, còn chúng tôi giờ cũng đã ngót nghét 70 cả rồi. Nhưng tinh thần của người lính vẫn mãi còn đó. Mỗi lần nhớ về chiến khu, về đồng chí đồng đội, tôi vẫn không khỏi nghẹn ngào."
Bình luận 0
Đại úy Lê Văn Quyết, cựu chiến binh Kháng chiến chống Mỹ

Đại úy Lê Văn Quyết, cựu chiến binh Kháng chiến chống Mỹ, thuộc Tiểu đoàn 42 Bộ tư lệnh Thủ đô. Ảnh: Hà Trang

Tháng mười hai về, trong niềm xúc động nhớ thương, tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang và ngăn nắp trên vùng đất Gia Lâm (Hà Nội), Đại Úy Lê Văn Quyết luôn nở nụ cười nồng hậu thể hiện sự hiếu khách. Nhưng khi nhắc về những ký ức “một thời hoa lửa”, về những hi sinh, mất mát trong chiến tranh, bác không khỏi rưng rưng ánh mắt. Rót chén trà nóng mời khách, bác trầm ngâm kể về những trận đánh, vùng đất và kỷ niệm trong đời lính của mình với không ít chiến công nhưng cũng nhiều đau thương. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của những người lính chiến.

Người lính và ký ức một thời “hoa lửa”

Người lính năm xưa tâm sự: "Nhận tin vào miền Nam chống giặc mà tâm trạng chẳng chút lo sợ nào cả. Với người lính lúc bấy giờ, không nghĩ gì đến sống chết cả, chỉ nghĩ rằng thanh niên lên đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nghĩa vụ rất cao cả. Về thăm nhà rồi cứ thế đi thôi, nhẹ tựa lông hồng. Vì cái chất lính nó đã chảy trong máu tôi rồi".

Ngay những ngày đầu vào miền Nam, Đại úy Lê Văn Quyết đã được bố trí về quân khu 9. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực Hà Tiên (Kiên Giang), Rạch Giá.... Mới đầu vì chưa quen địa bàn nên còn gặp rất nhiều khó khăn.

bác Quyết bùi ngùi kể về những trận đánh năm xưa

Cầm trên tay tấm ảnh cùng đồng đội, bác Quyết bùi ngùi kể về những trận đánh năm xưa. Ảnh: An An

Nói đến đây, giọng bác như trùng xuống, bồi hồi nhớ lại giây phút đầu tiên mặc áo lính vào chiến trường: “Được học, được huấn luyện trước rồi đấy nhưng tới khi ra chiến trường thực tế, mọi thứ hầu như là bị đảo ngược so với kế hoạch. Một lần đi trinh sát tới đồn của địch, xung quanh là 5 hàng rào dây thép gai, mỗi hàng cách nhau 5m. Qua cánh đồng sình lầy, tôi cùng đồng đội đã tiếp cận được với đồn của địch. 

Trời tối lắm, tay chỉ có mỗi cái đèn dầu, nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì cả. Cả đội bắt đầu tiến hành cắt hàng rào thép gai, tiếp cận vị trí của địch. Đáng lẽ theo chỉ đạo, chỉ cần cắt hai hàng rào rồi đặt thuốc nổ, to chừng cái nón nhưng để chắc ăn, tôi cắt thêm một hàng nữa nên thành ra bị thương vì vị trí nấp gần sát với nơi ném thuốc nổ, do áp lực quá lớn. 

Thế là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời người lính diễn ra. Trận này bị thương nhưng cũng đổi lại được chiến thắng, chiếm được đồn của địch tại chiến khu Đồng Riềng. Lần đầu tiên được làm mũi trưởng, chỉ huy các đồng đội đánh thắng, cũng tự hào lắm. Hôm đó còn kỷ niệm ngày 2/9 nữa, nó như tiếp thêm động lực chiến đấu để chúng tôi  giành độc lập, tự do cho đất nước’’.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần chỉ huy chiến thắng vang dội trong những ngày tháng ra chiến trường của ông bởi quan trọng nhất là tất cả các đồng chí theo bác đều không hi sinh hay thương tích quá nặng.

Mặc bộ quân phục màu xanh người lính, khuôn mặt bác Quyết đã nhăn nheo, đen sạm đi phần nhiều không chỉ vì tuổi tác mà còn bởi những năm tháng xông pha nơi chiến trường đầy oanh liệt. Những huân huy chương 40, 50 năm tuổi Đảng, huân chương được trao nơi chiến khu đều được bác lưu giữ cẩn thận trong những chiếc hộp và cất ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Mỗi chiếc huân huy chương đều là kỷ vật thiêng liêng với người lính

Mỗi chiếc huân huy chương đều là kỷ vật thiêng liêng với bác Quyết. Ảnh: Hà Giang

Tay vừa mở từng chiếc hộp, bác vừa tâm sự: “Hòa bình lập lại, cuộc sống mới, thời đại mới, chỉ còn những thứ này là mãi in dấu thời gian, khoảng thời gian đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy tự hào của người lính cụ Hồ”. Những kỷ vật, những hình ảnh và cả những câu chuyện về thời lính là tài sản vô giá để các thế hệ hiểu sâu sắc hơn về một thời kỳ lịch sử.

Chiến tranh qua đi, thế nhưng phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy vẫn luôn sôi sục trong bác. Khí tiết của một người chiến sĩ Cộng sản từng được tôi luyện qua bom đạn chiến tranh đã trở thành một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Những câu chuyện kể với vô vàn kỷ niệm về chiến khu xưa như trào dâng cảm xúc trong tâm hồn và tiếp thêm sức mạnh cho con người hôm nay. Chiến trường không chỉ có đạn bom, sự hy sinh, gian khổ mà hơn cả ở đó còn có những tấm lòng đôn hậu, những tình cảm thiêng liêng với đồng đội, đồng bào và với quê hương, đất nước.

Tình đồng đội còn mãi với người lính già

Điều đáng trân quý nhất khi tham gia vào quân ngũ, được mặc áo lính là ngoài việc được cống hiến cho Tổ Quốc còn có được những người đồng chí, đồng đội, coi nhau như anh em “liền khúc ruột”. Chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no nhưng tình đồng đội vẫn in sâu trong tâm trí bác.

Người lính già cầm trên tay bức ảnh kỷ niệm cùng đồng đội

Bác Quyết cầm trên tay bức ảnh kỷ niệm cùng đồng đội. Ảnh: An An

Kể về đồng đội, bác Quyết không khỏi xúc động: “Chúng tôi kề vai sát cánh bên nhau suốt cả chục năm chiến đấu, trải qua không ít hiểm nguy, nhớ những ngày đi trinh sát ăn rừng ngủ rừng cùng nhau, rồi những lần bị địch phát hiện. Không ít những người đồng đội của tôi đã ngã xuống, ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình của đất nước, nhân dân. Đó là cái chết vinh quang nhất mà tôi từng chứng kiến.”

Kiên trung với cách mạng là thế, dũng cảm trước quân thù là vậy, nhưng bác vẫn canh cánh, nặng lòng với sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Bác và những đồng đội của mình đã chung tay thành lập một khoản quỹ nhỏ mang tên “Quỹ đồng đội”. Hằng năm, trong những ngày lễ Tết, bác tích cực vận động, trích tiền trong quỹ để mua quà, thăm hỏi gia đình của những đồng đội đã hy sinh, hỗ trợ đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những nén nhang trầm thành kính, những món quà dành tặng cho những thương bệnh binh của địa phương đã tỏ rõ sự tri ân, tình nghĩa gắn bó keo sơn của những người lính với đồng đội.

Trở về đời thường, bác cùng đồng đội vẫn thường xuyên có những hoạt động gắn kết tình cảm: “Bây giờ, ai nấy đều có điện thoại thông minh cả, nên tôi và đồng đội thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, ôn lại kỷ niệm xưa’’. Ngoài ra, vào dịp 22/12 hàng năm, Sư đoàn của bác cũng tổ chức các buổi lễ, trao huy chương lao động, các anh em trong chi đoàn ngày xưa gặp nhau ăn uống, hỏi thăm sức khỏe rồi chụp ảnh kỷ niệm. Cùng với đó còn có các chuyến đi thăm các di tích lịch sử, thăm lại các địa điểm ngày xưa từng đóng quân. “Nhìn anh em ai cũng khỏe mạnh vui vẻ là đã rất xúc động rồi, nhớ lại những ngày cùng nhau kháng chiến, ai ai cũng cảm thấy may mắn vì đất nước đã độc lập, anh em còn được ngồi lại nói chuyện với nhau.” - bác  Quyết chia sẻ.

Sau tất cả, chiến tranh qua đi, những câu chuyện về thời kháng chiến vẫn là điều gì đó rất oai hùng, đầy tự hào trong tim những cựu chiến binh như bác Quyết. Bồi hồi, xúc động là những cảm xúc không thể giấu được trong ánh mắt, giọng điệu mỗi khi bác kể lại kỷ niệm xưa: “Kể cho con, rồi cho cháu, cho thể hệ sau này để chúng luôn nhớ rằng hòa bình, hạnh phúc hôm nay được đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt của những người lính năm xưa.”

46 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng ký ức về một “thời hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Với họ, được cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước là niềm tự hào và cũng là hồi ức không thể nào quên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem