Kỳ vọng năm 2030 đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển, xuất khẩu thu về 2 tỷ USD

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 09/11/2022 05:24 AM (GMT+7)
“Nếu không đẩy mạnh được nuôi biển từ nay đến năm 2025 thì không có tiền đề để đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển vào năm 2030” - Thứ trưởng Bộ NNPTNTN Phùng Đức Tiến cho biết như vậy tại hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022, tổ chức mới đây tại Quảng Ninh.
Bình luận 0

Yếu khâu quy hoạch, hạ tầng phục vụ nuôi biển

Theo Tổng cục Thủy sản, ngoài các loài nhuyễn thể, giáp xác... thì cá biển, rong, tảo biển cũng có vai trò quan trọng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Đến nay, diện tích nuôi biển ước đạt 80.000ha, tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 750.000 tấn, trong đó nhuyễn thể hơn 470.000 tấn, cá biển 58.000 tấn, tôm hùm 2.200 tấn, rong biển 130.000 tấn…

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, đến nay diện tích nuôi biển ước đạt 80.000ha, và Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng, nhờ có bờ biển dài từ Bắc vào Nam. 

 Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ. Nếu như nuôi biển được phát huy thì những tiêu chí, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính đều đáp ứng được.

Kỳ vọng năm 2030 đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển - Ảnh 1.

Mô hình nuôi biển tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Học Trần

Kỳ vọng năm 2030 đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là mảng nuôi biển công nghiệp, như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt. 

Nhiều nơi nuôi tự phát, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế...

Theo Thứ trưởng Tiến, nếu không đẩy mạnh được nuôi biển từ nay đến năm 2025 thì không có tiền đề để đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này thì phải kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển, góp phần xây dựng hệ sinh thái nuôi biển đảm bảo bền vững tại vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ.

Đầu tư 20.000 tỷ đồng phục vụ nuôi biển

Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Là 1 trong 28 tỉnh ven biển có nhiều lợi thế để nuôi biển nên Quảng Ninh đã xác định phát triển nuôi trồng thủy sản biển dần thay thế nghề khai thác thủy sản. 

Thời gian gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh phát triển nhanh. Trong 10 tháng năm 2022, diện tích thủy sản nuôi trồng của tỉnh đạt 32.000ha, tăng 50,66% so với cùng kỳ; trong đó diện tích nuôi biển là 20.000ha, tổng sản lượng nuôi đạt 68.000 tấn, bằng 82% kế hoạch.

Kỳ vọng năm 2030 đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp tại vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Học Trần

Nuôi trồng hải sản ở đây tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là tôm, cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá giò...) và nhuyễn thể (hàu, ngao, trai cấy ngọc...). Phương thức nuôi chủ yếu là ao nhân tạo, lồng treo trên bè nổi và đặt dưới đáy biển; giàn bè hay nuôi thả trực tiếp trên các bãi triều. Tuy nhiên, sản xuất tôm và nuôi biển tại Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao hơn theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý.

Theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD. 

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến 2045, ngành nông nghiệp nuôi biển nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Đề án hướng tới hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 19.540 tỷ đồng sẽ được đầu tư để tập trung phát triển nuôi biển.

Trước mắt, từ nay đến năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nuôi biển là thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư vật liệu, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ; hình thành kênh cung cấp thông tin cho các cơ sở nuôi biển; xây dựng cơ chế liên kết với ngành kinh tế khác…

Mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái…, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Đến năm 2025, diện tích nuôi biển phấn đấu đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu đến 1 tỷ USD. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem