Lạ Ninh Bình: Hơn 100 tuổi vẫn vác thóc, lật đá, bổ củi phăm phăm

Thứ hai, ngày 07/10/2019 19:15 PM (GMT+7)
Đang đi thăm đồng anh con trai bất chợt về nhà, thấy bố đang cởi trần trùng trục bổ củi liền kêu lên: “Con đã dặn bố không được cầm búa nữa kẻo mà sút lưng sao sểnh ra cái vẫn bổ củi?”.
Bình luận 0

Ông cười, chừng hối lỗi: “Thì bố thấy củi nấu cám đã hết mà chúng mày bận quá nên giúp tí thôi”. Sẽ chẳng có gì để đáng nói nếu như tuổi của ông không quá 100.  

Cả đời không một viên thuốc cảm

Ông là Nguyễn Văn Quấn ở thôn Lương Sơn, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tuy tuổi đã cao thuộc vào hạng được Chủ tịch nước ký giấy công nhận nhưng mỗi tháng ông vẫn 1-2 lần vác búa chim ra bổ củi như vậy. Với các loại gỗ rắn chắc như nhãn ông bổ một hai nhát cho thân cây nứt ra rồi chèn một cái nêm sắt vào, dùng búa đập tách theo thớ còn gỗ thường chỉ vài nhát là tan. Đống củi ấy dành để nấu cám cho đàn lợn nái hơn 10 con, đàn chó 3 con lộc ngộc.

img

Ông Quấn đang vung búa bổ củi.

Anh Nguyễn Văn Quý - người con trai út - bảo với tôi rằng: “Chẳng hiểu tại sao mà bố tôi lại toàn thích làm việc nặng. Nước đồng chiêm ngập ngang hông, ông vẫn cứ xuống gặt cùng con cháu rồi bì bõm vác lên thuyền, ai can cũng không được. Gặt xong, ông lại mang thóc ra phơi, đóng bao rồi chất lên xe rùa đẩy về nhà, những bao nặng cỡ 30-40 kg vẫn còn vác nhẹ như không.

Thời khóa biểu một ngày của ông thường như sau: 4h30 dậy tập thể dục trên giường một lúc, đi bộ một vòng đến chân núi Thờ trở về nhà với tay rửa ấm, tráng chén rồi mới ăn cơm; 7h đã thấy cầm cuốc, hôm rẫy cỏ làm đất trồng rau, hôm lật đá, đào hố trồng chuối đến 10h mới nghỉ; Ăn trưa xong, 2h lại thấy ra vườn lao động đến chập tối về cho cá, gà ăn, cầm chổi quét nhà, quét sân, tắm táp ăn cơm, xem xong thời sự mới lên giường đi ngủ”.

Tai ông thính đến độ nghe thấy cả những lời nói nhỏ. Mắt ông tinh đến nỗi đọc báo không cần phải đeo kính, lướt mạng xem tin tức trên ti vi bình thường trong khi anh con trai út kém bố đúng 43 tuổi mắt đã đeo kính lão 2 độ, xương khớp đã có phần rệu rã: “Mấy năm nay đầu ông mới có sợi tóc bạc chứ trước đen nhánh, bắp tay, bắp chân tròn lẳn, lưng đi rất thẳng không cần phải chống gậy, răng mới rụng có 3 chiếc nhưng sau đó lại…mọc thêm 2 chiếc, 1 ở hàm trên, 1 ở hàm dưới”. Anh Quý kể tiếp.

img

Hơn 100 tuổi nhưng ông Quấn đọc báo vẫn không cần đến kính.

Đông cũng như hè, ông chỉ tắm bằng nước mưa, dội ào ào ngoài bể lộ thiên  chứ hễ đụng tới nước máy là da ngứa ngáy không chịu được, hễ uống phải nước máy là bụng bức bối không yên. Tắm xong, ông chỉ vận độc cái quần đùi, cởi trần nằm ngủ một mạch từ tối đến sáng.

Trước đây ông Quấn trong Ban chấp hành hội người cao tuổi của thôn, chuyên soạn điếu văn nhưng viết cho bao bạn bè rồi con cái của họ (70-80 tuổi) để rồi chợt nhận ra cả làng, cả xã, thậm chí cả huyện còn sót mỗi mình là nhiều tuổi nhất, không có ai làm bạn nữa nên xin thôi.

Hơn 100 tuổi nhưng ông chưa hề biết đến một viên thuốc cảm, một liều kháng sinh, có nhức đầu sổ mũi cũng chỉ toàn dùng lá cây, rễ cỏ. Nghỉ hưu từ năm 1980, mấy ngày trước hôm tôi đến ông mới phải dùng đến cuốn sổ bảo hiểm y tế khi bị sốt 38,5 độ khiến con cái nóng ruột giục giã đi viện. Chụp, chiếu, thăm khám đủ kiểu không tìm ra bệnh gì nên chỉ truyền xong 3 chai nước là ông được về. Mấy hôm sau hàng xóm lại thấy ông tất tả cào thóc, tãi thóc ngoài sân.  

Thời trẻ ăn hết 12 bát cơm

Từ tấm bé Quấn đã phải đi ở đợ cho nhà nghị Đuốc giàu có nhất vùng, nuôi tới 6 canh điền để làm 300 mẫu ruộng, 3 trẻ trâu để chăm sóc đàn gia súc đông tới 30-40 con. Quanh năm suốt tháng cậu chỉ đánh độc 1 bộ quần áo cộc may bằng vải sồi rách tơi tả chạy theo đuôi đàn trâu trên đồi dưới bãi. Khi nào thấy chúng đánh nhau thì cậu lại dùng một cái thang tre giăng ngang ở giữa. Húc vào thang tre nghe lộc cộc trâu tưởng là người cầm gậy đánh mình nên nhả nhau ra mà tháo chạy.

Nhà ông nghị có cái sân lát gạch đỏ rộng chừng 2 sào chuyên dành để phơi thóc lúc vào vụ. Mỗi khi trời đổi gió, chuyển dông, báo hiệu sắp mưa là cánh thợ gặt, canh điền, trẻ trâu lại phải tất tả chạy xúc thóc đổ vào kho. Đội thúng thóc nặng 50 kg trên đầu nhưng Quấn đi như bay, ngược xuôi vài chục lượt đến khi 5 gian nhà kho lùm lùm tới gần mái, ngoài sân đã vét sạch nhẵn mới chịu dừng tay.

img

Ông Quấn đang cào thóc trước sân nhà.

img

Ông Quấn đang phơi thóc ngoài sân.

Chán cảnh ở đợ, năm 1941 ông làm liên lạc cho Việt Minh rồi đi dân công hỏa tuyến tải gạo cho các chiến dịch Quang Trung, Điện Biên Phủ thời kháng chiến chống Pháp. Mỗi người một gánh 40 kg kĩu kịt trên vai cứ thế họ cuốc bộ ròng rã từ Ninh Bình lên chiến trường trong mưa bom, bão đạn, nhiều khi mất cả tháng trời.

Lúc đầu, chỉ huy bảo dân công vác nặng nên được ưu tiên ăn thoải mái, ông Quấn đã được dịp vét hết bát cơm…thứ 12 trong sự ngạc nhiên đến tột độ của nhiều người. Sau bận ấy, khẩu phần ăn mỗi ngày của một dân công được rút xuống chỉ còn 7 lạng gạo nên mỗi bữa ông ăn “hạn chế” độ 4-5 bát.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cấp trên cử đi học hết lớp 7 rồi làm Phó Phòng lao động huyện đến năm 1980 thì nhận sổ hưu, chính thức về với ruộng đồng. Quê ông vùng chiêm trũng nên nhà nào trước đây cũng sẵn thuyền để đi lại trong hai tháng 8, 9 nước ngập trắng làng, cũng có mấy cái hốc lưng chừng vách  để đút đòn, kê ván, trữ đồ đạc lên cao.

img

Ông Quấn cho cá ăn.

Hai vợ chồng cấy tới 2,5 mẫu mà không phải nhờ thêm người, lao động bất kể giờ giấc nhưng vẫn không đủ gạo ăn bởi mỗi ngày công hợp tác xã chỉ trả cho có 5 lạng thóc. Thế rồi, gian khó cũng qua đi khi đàn con 6 đứa của ông bà dần dần phương trưởng.  

Những thứ không thể học

Tính ông điềm đạm không để mất lòng ai bao giờ, một lời to tiếng với vợ con cũng hiếm chứ chưa nói đến động đòn roi. Rượu, thuốc ông không nghiện đã đành mà uống cũng chỉ toàn nước đun sôi để nguội còn bà lại mê ăn trầu, thích nước chè nhưng họ có thể ngồi bên nhau hàn huyên hàng giờ nếu rảnh. Bận bà bị ngã gãy cả hai chân, mấy năm liền ông để vợ khoác tay vào cổ mình lần hồi từng bước tập đi. 

Về sau khi bệnh tình bà trở nặng, ông nấu cháo bón cho ăn, rang cám với rau cúc tần đánh gió cho khỏi đau nhức. Một buổi sáng tờ mờ 6 năm về trước, bà ra đi thanh thản trong vòng tay của ông ở tuổi 93, được chồng vuốt mắt, tắm cho lần cuối, khâm liệm xong xuôi rồi mới gọi con cháu dậy, phát tang.

Tuổi già đơn chiếc, lủi thủi một bóng nên ông càng làm nhiều hơn cho đầu óc đỡ phải nhớ tới vợ: “Trước tôi chỉ lao động ngoài đồng về nhà đã có bà nó rau dưa, lợn gà, cơm nước. Giờ không có bà ấy thì đành phải làm tất để đỡ đần cho con cháu thôi”. Ông cười. 

img

Căn cước công dân của ông Quấn“Già rồi nhưng ngô rang ông vẫn còn nhai rau ráu, thịt gà thì miếng nạc không thích mà chỉ thích gặm xương. Chúng tôi không thể học theo ông được bởi bây giờ đình đám nhiều, giỗ chạp lắm, ăn uống không có điểm dừng nên sinh ra lắm bệnh tật”. Anh Nguyễn Văn Quý-con trai út của ông.

Người con trai út cấy tới 5 mẫu ruộng nên ông vẫn ra đồng làm nông như hơn 80 năm về trước đã từng lam lũ, chỉ có điều, khi ấy là tráng niên, ăn bất thùng chi thình còn nay cơm mỗi bữa chỉ một lưng, thịt cá cũng chỉ vài ba miếng, chủ yếu canh, rau là chính.

Nhà thờ họ Nguyễn Văn những ngày giỗ tổ, 4 chi lớn bé ông đều nhớ hết, cúng từ cụ 3 đời đến cụ 7 đời không để sót một ai. Còn nhà ông những ngày Tết, giỗ, con cháu tụ về đông cỡ hơn 10 mâm, ngả một con lợn 60 kg tự nuôi là vừa hay đủ.

Lần nào ông cũng xúm tay vào đun nước, bắt lợn, giữ chân, cạo lông, vo gạo, đồ đỗ để gói 24 cái bánh chưng chia đủ cho các gia đình về làm quà.

Tối đó, tôi ngủ lại vùng quê yên tĩnh mịch này, định bụng sáng ra sẽ trở dậy cùng ông đi bộ một chuyến đến núi Thờ.

Thế rồi, gió đồng lồng lộng, tiết thu se lạnh khiến cho giấc ngủ thêm nồng, mở mắt ra tôi đã thấy ông đang hùng hục bổ củi bên chái nhà trong sự “bất lực” của người con trai út. Có lẽ thể chất đặc biệt cộng với không khí ở vùng quê không có một ống khói nhà máy nào đã làm nên điều kỳ diệu đó giữa thời đại nhiều người nghĩ bừa, sống bừa, ăn bừa, uống bừa như thế này chăng?

img

Cái răng mới mọc của ông Quấn

“Cả đời ông nghĩ cho con, cho cháu. Nhà tôi chỉ cách đây có 500-600 m nhưng nếu 1-2 ngày không thấy vào chơi là y như rằng ông đi bộ ra thăm hỏi xem có khỏe hay bận việc gì không. Mùa gặt hễ nghe tiếng máy tuốt đi ngang qua ngõ là hò con cháu mang cào, mang thúng ra mà cùng nhau làm ”. Chị Nguyễn Thị Hạ-con gái của ông.

Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem