Lại một năm Minh Phú lỡ hẹn?

23/06/2021 07:32 GMT+7
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết trong năm 2021, có thể công ty chỉ đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay mặc dù đã điều chỉnh giảm 22% so với mục tiêu trước đó. Như vậy, 2021 có thể là năm thứ hai liên tiếp Minh Phú lỡ hẹn kế hoạch kinh doanh của mình.

Thiếu container, chi phí tăng vận tải tăng cao và nguồn cung nguyên liệu đứt gãy

2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành thủy sản, đặc biệt với những ông lớn trong ngành như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) khi lợi nhuận sau thuế trong quý I ghi nhận giảm tới 51% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 27 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, ngay sau khi thắng kiện ở thị trường Mỹ vào cuối năm ngoái, tưởng rằng hoạt đông kinh doanh doanh sẽ khởi sắc nhưng làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 và hiện tiếp tục làn sóng thứ 4 ập đến khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 ở các nước diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy và giá nguyên liệu cũng tăng 20 - 50%.

Theo đó, Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và nguồn cung dự kiến giảm 50% còn 350.000 tấn.

"Không một quốc gia nào có thể bù đắp được lượng sụt giảm này do đó nguồn cung thời gian tới sẽ thiếu hụt kéo theo giá tôm tăng liên tục từ tháng 5 đến nay.", ông Quang nói.

Ngoài việc giá nguyên liệu tăng cao, giá cước vận tải tăng cao và thiếu container rỗng cũng là vấn đề nan giải không chỉ với Minh Phú mà còn rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khác.

"Đây là điều khó đoán định. Hiện tại thiếu container rất trầm trọng. Trong khi đó phía Trung Quốc đang cố gắng kéo hết vỏ container về phía họ. 

Giá container tăng rất nhiều, cước tăng 2 - 4 lần so với bình thường mà chúng tôi cũng không biết cước tăng nữa không và có container để xuất không", ông Quang quan ngại.

Ông Quang cho biết việc cước vận tải và chi phí thuê container tăng chóng mặt sẽ là rủi ro lớn đối với giá bán tôm của Minh Phú bởi chi phí này biến động liên tục và mạnh do thiếu nguồn cung nên công ty khó hoạch định vào giá bán.

Sẽ lại một năm lỡ kế hoạch?

Tại nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Minh Phú điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.090 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với kế hoạch đưa ra trước đó là 1.400 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm 2020. 

Việc điều chỉnh mục tiêu này được đưa sau sau khi kết quả kinh doanh quý I cho thấy lãi sau thuế quý I đạt 27 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 2% so với mục tiêu cả năm cũ là 1.400 tỷ đồng.

Ông Quang cho biết trong năm 2021, có thể Minh Phú chỉ đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Tính đến tháng 5, lãi sau thuế đạt 200 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% so với kế hoạch mới đề ra.

"Kế hoạch sản xuất thì sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận sẽ giảm 20%. Nếu chúng tôi giải quyết được vấn đề container thì sẽ đạt, thậm chí vượt. Tình hình sản xuất tốt. Tháng 5 vừa rồi xuất khẩu tăng 46% về lượng lượng và giá trị tăng gần 60%", ông Quang cho biết.

 - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất của MPC.

Theo ông Quang nhằm giải quyết tình hình khó khăn hiện nay Minh Phú thậm chí đã phải quay trở lại đàm phán với các hãng tàu nhỏ mà trước đây công ty đã từ chối hợp tác vì giá cao.

Chúng tôi dự tính được tình hình cước tàu sẽ tăng nhưng không biết cước sẽ tăng đến mức nào. Minh Phú cũng không dám ký hợp đồng nhiều, chỉ ký từng tháng và không tham gia đấu giá giao hàng quanh năm. Công ty chỉ tham gia với khách hàng thân thiết với giá cao 20 - 30%.

Trước đó, năm 2020, công ty cũng chỉ đạt được 73% kế hoạch lợi nhuận sau thuế với gần 674 tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này vấn tăng trưởng trên 50% so với năm 2019. 

 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Lý giải cho điều này người đứng đầu Minh Phú cho biết do công ty vướng phải vụ kiện gian lận xuất xứ tại Mỹ. Những rắc rối liên quan đến vụ kiện này khiến công ty phải huy động mọi nguồn lực về người và tài chính. 

"Với đội quân hiện tại của Minh Phú thì 3 năm mới xong thủ tục trong khi hạn là 6 tháng phải nộp hồ sơ. Chúng tôi phải huy động cán bộ nhân viên, có khi dừng sản xuất để chuẩn bị thủ tục. Đây là lí do trong những năm qua chúng tôi không hoàn thành kế hoạch", ông Quang cho biết.

Tín hiệu tốt từ các thị trường tiêu thụ

Khó khăn lớn nhất của Minh Phú hiện tại chính là rào càn chính về nguồn cung container và phí cước tàu quá cao. Tuy nhiên, điều cốt lõi là nhu cầu thị trường vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho thủy sản Việt Nam, với dự đoán nhu cầu gia tăng vởi cả tôm, cá tra, cá ngừ và các hải sản khác. 

Đặc biệt đối với tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ- nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch COVID-19. 

Chính các chuyên gia ngành tôm Ấn Độ đã xác định, năm nay sẽ là một năm thực sự khó khăn như thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng gấp 3 lần, giá nhiên liệu tăng, phí đóng gói và nhân công tăng, đồng rupee Ấn Độ mạnh lên so với USD, chính phủ loại bỏ các ưu đãi xuất khẩu.

Tất cả các yếu tố này đã ảnh hưởng rất xấu đến các nhà chế biến thủy sản của Ấn Độ. 

Làn sóng COVID-19 mới rất kinh khủng tại Ấn Độ sẽ là một bóng mây u ám với ngành sản xuất thủy sản của Ấn Độ, chủ yếu là tôm. 

Ngoài ra, các con số thống kê cho thấy tiêu dùng thủy sản của Mỹ đã tăng mạnh trong đại dịch và có xu hướng kéo dài. Dự báo tiêu thụ thủy sản tươi và đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới so với mức bình thường trước đại dịch.

Tình hình mất kiểm soát tại nước này có thể dẫn đến sự rối loạn về nguồn cung và giá khi người nuôi vội vã thu hoạch tôm sớm, các nhà máy chế biến sẽ không xử lý kịp trong bối cảnh giãn cách hiện nay. 

Còn tại châu Âu, bản chất thị trường này trong những năm gần đây không có sự đột phá nhiều về nhu cầu tôm. Do vậy, trong quý II và những tháng tiếp theo nữa, xuất khẩu tôm sang EU được dự báo là chỉ phục hồi nhẹ, chủ yếu ở các thị trường Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy.

Đối với Minh Phú, Mỹ và châu Âu là hai thị trường quan trọng. Trong đó, Mỹ đứng đầu chiếm tới 40% tỉ trọng trọng xuất khẩu còn châu Âu đứng thứ 3 với 14,5%.

 - Ảnh 3.

Tỷ trọng các thị trường tiêu thụ tôm Minh Phú trong năm 2020. (Số liệu: Báo cáo tài chính hợp nhất Minh Phú, biểu đồ: H.Mĩ)

Minh Phú cho biết, từ tác động của dịch bệnh làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm để tự chế biến tại nhà thay vì ra ngoài.

Minh Phú có kế hoạch tập trung phân phối tại các siêu thị, cửa hàng lương thực. Một số động thái nới lỏng cho việc xuất khẩu của các quốc gia sẽ là dấu hiệu tích cực cho các mặt hàng xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú khi được xuất khẩu thuận lợi trở lại. 

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, dấu mốc này mang đến thuận lợi cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có hai mặt hàng tôm chủ lực của Minh Phú đó là tôm sú và tôm thẻ chân trắng (thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực).

H.Mĩ
Cùng chuyên mục