Lãi suất giảm, lợi nhuận ngân hàng có giảm?

19/11/2019 10:43 GMT+7
Thu nhập từ lãi là khoản mang về lợi nhuận chính cho ngân hàng. Vì vậy, khi lãi suất cho vay đồng loạt giảm, nhiều người lo ngại lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Lợi nhuận không bị ảnh hưởng

Chiều 18/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcomnbank) khiến giới tài chính bất ngờ khi công bố mạnh tay giảm lãi suất cho vay. Vietcombank cho biết bám sát chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đối với doanh nghiệp những tháng cuối năm, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chưa công bố giảm lãi suất. Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên, BIDV sẽ sớm "đồng hành" cùng Vietcombank.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng tham gia "cuộc đua" giảm lãi suất cho vay như Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB),…

Lãi suất giảm, lợi nhuận ngân hàng có giảm? - Ảnh 1.

Lãi suất giảm, lợi nhuận ngân hàng có giảm?

Giảm lãi suất cho vay là động thái hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu khi lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận của ngân hàng trong quý 4 này có bị ảnh hưởng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định lợi nhuận ngân hàng có thể không bị ảnh hưởng.

Ông Hiếu phân tích khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh thu từ hoạt động tín dụng có thể giảm nhưng lợi nhuận chưa chắc đã giảm. Đó là do thông thường các ngân hàng giữ biên độ lợi nhuận 3%. Khi giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ tìm cách giảm chi phí vốn, từ đó duy trì biên lợi nhuận 3%.

Cách đây không lâu, các ngân hàng cũng đã có một đợt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, quy mô điều chỉnh nhỏ hơn vì ưu đãi chỉ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Thời điểm đó, cũng có ý kiến cho rằng giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng trong quý 3. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, trong kỳ, rất nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Làn sóng giảm chi phí vốn

Theo ông Hiếu, để duy trì biên lợi nhuận 3% dù phải giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng có nhiều cách giảm chi phí vốn. Cách giảm chi phí vốn tốt nhất chính là giảm lãi suất huy động. Trước khi làn sóng giảm lãi suất cho vay nổ ra, nhiều ngân hàng đã nhanh tay giảm lãi suất tiết kiệm.

Trong ngày 18/11, trước khi công bố giảm lãi suất cho vay, Vietcombank đã giảm lãi suất tiết kiệm. Theo đó, Vietcombank sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên ở mức 6,8% đối với cá nhân và 6,5% đối với doanh nghiệp.

Cùng với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) VietinBank cũng công bố giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động tại ngân hàng này giảm 0,2 điểm phần trăm với hầu hết kỳ hạn từ dưới 1 tháng và trên 36 tháng.

Hàng loạt ngân hàng khác như TPBank, VPBank, ACB, Eximbank, VietcapitalBank, ABBank, OCB, SCB, MBBank,… cũng giảm sâu lãi suất huy động.

Cuối ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam. Trong đó, thông tin được quan tâm nhất chính là lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Quy định này được áp dụng từ ngày 19/11.

Cổ phiếu ngân hàng trái chiều

Giảm lãi suất là một trong những hoạt động quan trọng của ngành ngân hàng. Vì vậy, cổ phiếu ngành ngân hàng sau loạt quyết định "lớn" của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng được quan tâm.

Trong phiên giao dịch ngày 19/11, các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến trái chiều. Trong khi VCB của Vietcombank – ngân hàng tiên phong trong các đợt giảm lãi suất tăng đáng kể cùng với VPB, TCB thì một số mã còn lại như BID, HDB, EIB lại quay đầu sụt giảm.

Cụ thể, vào giữa đợt giao dịch sáng, VCB tăng 700 đồng/CP lên 88.300 đồng/CP, TCB tăng 100 đồng/CP lên 24.550 đồng/CP, VPB tăng 5 đồng/CP lên 21.250 đồng/CP, CTG tăng 5 đồng/CP lên 21.450 đồng/CP.

Trong khi đó, BID giảm 150 đồng/CP xuống 41.150 đồng/CP, EIB giảm 350 đồng/CP xuống 18.400 đồng/CP, HDB giảm 100 đồng/CP xuống 28.600 đồng/CP, MBB giảm 5 đồng/CP xuống 22.550 đồng/CP, STB đứng giá ở mức 10.600 đồng/CP.

Tiểu My
Cùng chuyên mục