Lãi suất tiết kiệm: Nơi tăng, nơi giảm, rồi lại tăng?
Trong những tháng cuối năm, lãi suất tiết kiệm lại trở thành đề tài nóng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, khác với những năm trước đây, hiện tại, lãi suất không có xu hướng rõ nét, nơi tăng, nơi giảm. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, càng về cuối năm xu hướng tăng lãi suất vẫn chiếm ưu thế.
Nơi tăng
Hiện tại, lãi suất tiết kiệm đang được một số ngân hàng đẩy lên những kỷ lục mới. Cách đây khoảng 2 tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) gây chú ý khi đưa lãi suất lên mức 8,9%/năm. Nhờ đó SHB đã vượt qua Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) để trở thành đơn vị có lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 11 này, SHB đã vượt qua "đỉnh cao" của chính mình để lập kỷ lục mới. Lãi suất huy động được đẩy lên 9,4%/năm. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có cơ hội nhận mức ưu đãi này. Mức 9,4%/năm áo dụng cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng với kỳ hạn 13 tháng.
Ngoài ra, SHB còn nhiều kỳ hạn có lãi suất cao nữa. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hoặc 6 tháng tại SHB sẽ được hưởng lãi suất tương ứng là 9,2%/năm và 8,2%/năm.
Vượt qua nhiều đối thủ tiềm năng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) chiếm được vị trí thứ 2 trong danh sách các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất Việt Nam. Hiện tại, mức lãi cao nhất tại ngân hàng này được đẩy lên tới 9%/năm.
Mức 9%/năm được giới thiệu tại một số phòng giao dịch, chi nhánh của Baoviet Bank. Tuy nhiên, trên website chính thức, mức cao nhất chỉ là 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, Baoviet Bank còn áp dụng lãi 8,15%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 15 tháng tới 36 tháng.
Trước đây, Ngân hàng Xây dựng (CB) từng có thời gian là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Hiện tại, CB không còn nằm trong Top 3. Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng này đã điều chỉnh mức lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm thay vì 8,5%/năm như trước đây.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng nhẹ lãi suất. Mức lãi cao nhất tại Eximbank tăng 0,1% lên 8,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Ở kỳ hạn 13 tháng, khách hàng phải có khoản tiền tiết kiệm từ 100 tỷ đồng trở lên mới nhận được ưu đãi này.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng tăng nhẹ lãi suất. Mỗi kỳ hạn, lãi tăng khoảng 0,2%. Đáng chú ý, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng từ 8,5%/năm lên 8,7%/năm.
Giảm rồi tăng?
Trong khi đó, một vài đơn vị lại giảm nhẹ lãi suất. Trong 1 năm trở lại đây, VietCapital Bank thường xuyên là một trong các đơn vị dẫn đầu "cuộc đua" tăng lãi suất huy động. Nhưng kể từ tháng 11, ngân hàng này bất ngờ giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7 tháng tại VietCapital Bank giảm từ 7,8%/năm xuống chỉ còn 7,6%/năm; các kỳ hạn khác cũng giảm 0,1%/năm. Lãi suất cao nhất VietCapital Bank giảm 0,1% xuống chỉ còn 8,5%/năm.
Tại VPBank, kể từ ngày 8/11, lãi suất giảm khoảng 0,1%/năm. Mức lãi cao nhất tại VPBank là 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, khách hàng phải gửi khoản tiền trên 5 tỷ đồng mới được hưởng lãi suất 8,2%/năm.
Giải thích cho hiện tượng nơi tăng, nơi giảm lãi suất ở thời điểm cuối năm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết điều này phụ thuộc vào hoạt động tín dụng của mỗi đơn vị.
"Ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản sẽ đẩy lãi suất là điều đương nhiên. Còn ngân hàng lớn, khi mà tăng trưởng tín dụng đã chậm lại hoặc đã đạt mức tín dụng đề ra từ đầu năm thì họ không còn nhu cầu về huy động vốn nữa, từ đó lãi suất giảm", ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu phân tích thêm, tùy theo hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động tín dụng, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất của mình. Bên cạnh đó, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm lãi suất, các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương đó. Chỉ ngân hàng lớn làm được điều này, ngân hàng nhỏ có thể không. Đây cũng là nguyên nhân khiến lãi suất có thể giảm trong thời gian này.
Tuy nhiên, xét xa hơn, từ bây giờ đến cuối năm, ông Hiếu đánh giá mặt bằng lãi suất khó có thể giảm được vì trong hệ thống ngân hàng, chỉ có một vài đơn vị quy mô lớn. Các ngân hàng còn lại có nhu cầu cho vay vốn tăng, đẩy mạnh tín dụng để đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm. Muốn làm được như vậy, họ phải đẩy mạnh huy động vốn.
"Ngoài ra, nhiều ngân hàng có nợ xấu cao, họ phải tăng huy động vốn để nuôi nợ xấu – lấy vốn huy động mới trả vốn cũ. Các nhà băng chưa đạt tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 cũng cần huy động vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để đạt tỷ lệ an toàn vốn", ông Hiếu cho biết thêm.