Lãi suất huy động ngắn có nơi chỉ 2,7%/năm, về ngưỡng 2% vào cuối năm?

20/08/2020 09:22 GMT+7
Cuộc chạy đua giảm lãi suất huy động của các ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm sâu, có nơi chỉ còn 2,7%/năm với khoản tiền gửi 1 tháng. Trong khi đó, nhiều dự báo vẫn cho thấy, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm vào cuối năm, thậm chí có thể về sát mức 2%/năm?

Lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,2 - 0,7 điểm % trong những tháng cuối năm

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 10-16/8 của SSI Research cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không thực hiện giao dịch trên thị trường mở nhưng liên tục mua vào ngoại tệ trong 2 tuần trở lại đây, đồng nghĩa một lượng lớn tiền đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.

Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Theo SSI Research, từ đầu năm đến hết 28/7, tín dụng chỉ tăng trưởng 3,45% (cùng kỳ 2019 là 7,31%). Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ và các doanh nghiệp đang tiếp tục lao đao vì làn sóng dịch thứ hai, NHNN đã ban hành văn bản số 5596 yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi sau các đợt giảm mạnh và đồng loạt trong tháng 6, 7 hiện đã chững lại ở mức 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 5,0-7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

SSI Research cho rằng từ giờ đến cuối năm lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5 – 0,7 điểm % ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2 – 0,3 điểm % ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đồng quan điểm, các chuyên gia từ HSC dự báo, lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ giảm.

Hỗ trợ cho đà giảm của lãi suất, theo HSC là do hệ thống ngân hàng đang có thanh khoản dồi dào ở mức chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước rút tiền gửi. Cụ thể, trong nửa đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi tại 3 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) với số rút ròng 189.700 tỷ đồng từ đầu năm, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao, thậm chí cao hơn mức bình quân các năm 2017-2019.

Bên cạnh đó, số dư cho vay thuần trên thị trường liên ngân hàng từ đầu năm tăng 230.000 tỷ đồng (đã loại bỏ yếu tố tiền Kho bạc Nhà nước và bơm thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở). Đây là mức thanh khoản cao nhất từ trước đến nay và dễ dàng cân bằng được ảnh hưởng từ việc Kho bạc Nhà nước rút tiền gửi.

Thanh khoản thị trường liên ngân hàng tăng mạnh đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm đáng kể và đang thấp hơn nhiều so với lãi suất điều hành của NHNN, từ đó hỗ trợ cho xu hướng giảm lãi suất huy động vào cuối năm.

Lãi suất huy động ngắn có nơi chỉ 2,7%/năm, về ngưỡng 2% vào cuối năm?

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 8, không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, mà ngày cả các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động phổ biến từ 0,2 đến 0,6 điểm phần trăm tùy từng kỳ hạn so với biểu lãi suất trước đó.

Hiện mức lãi suất huy động thấp nhất tại quầy được niêm yết ở mức 2,7% với kỳ hạn 1 tháng, lĩnh lãi trước tại Techcombank (theo biểu lãi suất mới nhất ngày 17/8). Các kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng, lãi suất huy động trả lãi trước chỉ còn 2,9%. Với những dự báo kể trên, nhiều khả năng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thậm chí có thể về sát ngưỡng 2%/năm?

Lãi suất huy động ngắn có nơi chỉ 2,7%/năm, về ngưỡng 2% vào cuối năm? - Ảnh 2.

Lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,2 - 0,7 điểm % trong những tháng cuối năm

Giới chuyên gia nhìn nhận, mức lãi suất tiết kiệm này là mức lãi suất thấp kỷ lục tại các ngân hàng thương mại. Với mức lãi suất huy động như hiện nay, người dân có thể sẽ hưởng lợi ít hơn, tương đương với mức mất giá của tiền đồng, thậm chí còn "âm". Tuy nhiên, việc giảm mạnh lãi suất huy động sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là lãi suất kỳ hạn ngắn.

Thứ nhất, khuyến khích người dân sử dụng kênh giao dịch điện tử của ngân hàng, từ đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thứ hai, khi lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống thấp chưa từng có, cũng là động lực cho người dân chuyển sang kỳ hạn dài hơn để gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ tái cơ cấu được nguồn vốn của mình theo hướng tốt hơn, tăng vốn trung và dài hạn, giảm nguồn vốn ngắn hạn. Điều này là xu hướng cần thiết và tất yếu với một ngân hàng.

Thứ ba, với mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng sẽ có điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện một NHTM cổ phần từng thừa nhận, giảm lãi suất huy động là việc mà các ngân hàng rất muốn. Thế nhưng, giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng.

"Hạ sốc lãi suất sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế. Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản. Lãi suất giảm nhưng các ngân hàng chưa lo ngại về việc dòng vốn chạy khỏi ngân hàng mà có chăng sẽ có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, từ ngân hàng lãi suất thấp sang ngân hàng có lãi suất cao hơn mà thôi", vị này cho hay.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục