Lãi suất tiết kiệm lên tới 9,2%/năm, đề xuất áp trần chỉ 5%/năm với tiền gửi 1 năm
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 hạ trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhằm hạ chi phí vốn để các ngân hàng thương mại có dư địa hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại đã giảm theo. Và xu hướng này tiếp tục kéo dài sang cả tháng 5.
Thống kê thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động VND tiếp tục giảm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng và trên 5.000 tỷ đồng có lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng giảm lần lượt 0,05%, 0,09% và 0,09% xuống mức 6,4%/năm, 7,35%/năm và 6,77%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng có mức giảm từ 0,06-0,1%.
Tuy nhiên, ở các kỳ hạn tiết kiệm từ 13 tháng trở lên, lãi suất vẫn đang duy trì ở mức rất cao và có chênh lệch lớn với lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Thậm chí, theo biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, có ít nhất 10 ngân hàng thương mại đang có lãi suất huy động VND vượt trên 8%/năm.
Khảo sát tại 30 ngân hàng thương mại trong nước, hiện mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất hiện nay là 9,2%/năm áp dụng tại ngân hàng SHB kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này huy động 8,9%/năm, 6 tháng 7,8%/năm. Số tiền gửi tiết kiệm dưới mức này, SHB chỉ trả lãi 6,9%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 6,8%/năm kỳ hạn 12 tháng và 6,6%/năm kỳ hạn 6 tháng.
Ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo là SCB với mức 8,55%/năm áp dụng tại kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng với hình thức tiết kiệm đắc lộc phát; Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) với 8,5%/năm áp dụng tại kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên 8%/năm gồm: Ngân hàng Bản Việt (8,5%/năm), Eximbank (8,4%), NCB (8,3%), ABBank (8,3%/năm); OCB (8,2%).
Ngoài ra, biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn dài ở một số ngân hàng cũng đang được niêm yết ở mức 8%/năm như trường hợp của CBBank: lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng đến 60 tháng lĩnh lãi cuối kỳ đồng loạt có mức lãi suất 8%/năm.
Ngân hàng đứng ở cuối bảng là Techcombank với mức lãi suất cao nhất là 6,4%/năm, tiếp đó là Vietcombank với 6,6%/năm. Nhỉnh hơn một chút là nhóm các ông lớn còn lại gồm Agribank, VietinBank, BIDV với 6,8%/năm.
Trong khi lãi suất huy động dù có điều chỉnh song theo đánh giá của BVSC, mức giảm của lãi suất huy động hiện nay sẽ không mạnh như mức giảm của lãi suất cho vay. Nguyên nhân là do lượng tiền gửi có thể sẽ tăng thấp khi nguồn thu của doanh nghiệp và người dân sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thực tế, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi vay như như HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam A Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...
Liên quan đến lãi suất, phát biểu tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra vào cuối tuần qua, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có quy định áp trần lãi suất tiền gửi 1 năm là 5% để giảm giá vốn cho các ngân hàng thương mại từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
"Khi giá vốn đầu vào có cao lãi suất cao thì lãi suất cho vay không thể thấp. Ngân hàng Nhà nước đã có trần lãi suất tiền gửi 6 tháng là 4,75% nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Các ngân hàng vì cạnh tranh huy động vốn nên lãi suất huy động trên 1 năm vẫn rất cao. Theo đó, cần có quy định trần lãi suất tiền gửi 1 năm là 5%, luỹ tiến 0,5% thêm 1 năm nữa để ngân hàng có thể huy động vốn giá rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hồng Anh kiến nghị.