Làm bánh tráng giúp nông dân Lạc Lâm ở Lâm Đồng có thu nhập 500.000 đồng/ngày

Văn Long Thứ năm, ngày 28/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Được hình thành và phát triển từ hàng chục năm về trước, nghề làm bánh tráng tại xã Lạc lâm (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 500 – 1 triệu đồng mỗi ngày.
Bình luận 0

Những ngày cuối năm 2023, với tiết trời se lạnh của mùa giáng sinh, phóng viên Dân Việt có cơ hội được tham quan làng nghề làm bánh tráng Lạc Lâm tại huyện Đơn Dương. Nhắc đến Đơn Dương, người ta thường nghĩ đến những vườn quýt đường sai trĩu quả, những khu nhà kính trồng rau công nghệ cao hay huyện nông thôn mới đầu tiên của Tây Nguyên, nhưng ít người biết đến tại đây còn có một làng nghề làm bánh tráng truyền thống.

Nghề làm bánh tráng giúp người dân Lạc Lâm có thu nhập nửa triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Những phên tre phơi bánh tráng tại xã Lạc Lâm đã giúp người dân địa phương có thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Được ông Nguyễn Văn Hương, trưởng thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm dẫn vào những hộ gia đình đang làm nghề bánh tráng phóng viên mới được biết, người dân tại Lạc Lâm chủ yếu là người gốc Bắc Ninh đến Đơn Dương vào những năm 1954. Tại địa phương, ngoài nghề làm nông thì những nghề truyền thống của người dân Bắc Ninh vẫn được duy trì, trong đó có nghề làm bánh tráng truyền thống.

Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Anh Kiệt (37 tuổi, thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm) cho biết, anh và vợ làm nghề bánh tráng này từ năm 2017. Trung bình, mỗi ngày anh Kiệt sử dụng 50kg gạo để làm bánh tráng. Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ tại địa phương thì còn có các công ty, siêu thị nhập bánh của anh Kiệt và người dân địa phương để cung cấp cho thị trường.

Nghề làm bánh tráng giúp người dân Lạc Lâm có thu nhập nửa triệu mỗi ngày - Ảnh 2.

Gia đình anh Đặng Anh Kiệt đã có thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề làm bánh tráng.

"Mới đầu học làm thì có hơi khó khăn, nhưng về sau có điều kiện mua máy để làm bánh thì công việc ổn định hơn. Bánh chúng tôi làm bằng máy, sau đó bánh được xếp lên các phên tre rồi đem phơi nắng. Những ngày nắng đẹp thì khoảng 2 tiếng là phơi được 1 mẻ bánh. Hai vợ chồng tôi hiện nay làm bánh rồi bán cho 3-4 đơn vị, giá trung bình 1 cái bánh 1.000 đồng. Thu nhập của hai vợ chồng sẽ được từ 800 trăm nghìn đến 1 triệu đồng mỗi ngày. Mặc dù phải thức khuya, dậy sớm nhưng có thu nhập ổn định hơn làm ruộng, trồng rau", anh Kiệt chia sẻ.

Từ thôn Yên Khê Hạ, phóng viên tiếp tục di chuyển đến thôn Xuân Thượng, những phên tre phơi bánh tráng được dựng dọc đường vào thôn chứng tỏ sự phát triển và phồn thịnh của làng nghề. Hiện nay, toàn xã Lạc Lâm có khoảng 200 hộ gia đình làm nghề làm bánh tráng.

Nghề làm bánh tráng giúp người dân Lạc Lâm có thu nhập nửa triệu mỗi ngày - Ảnh 3.

Phên tre phơi bánh tráng của gia đình anh Kiệt.

Chị Trần Thị Lương (40 tuổi, thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm) cho hay, năm 2006, chị cùng một người dân khác trong thôn đã nghĩ ra làm món bánh tráng nướng mắm ruốc dựa trên bánh tráng trắng thường được làm trong thôn. Sau đó, món bánh tráng này đã trở nên đắt khách nhờ hương vị độc đáo, được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Đà Lạt, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang.

"Sau khi nhiều khách lựa chọn, đặt hàng, tôi đã đầu tư 2 máy nướng giá gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay với khoảng 6 công nhân và máy nướng thì cơ sở của tôi cung cấp hàng ngàn chiếc bánh tráng nướng mắm ruốc ra thị trường. Chính vì vậy, từ những bếp than nướng bánh đỏ lửa mỗi ngày đến nay, chúng tôi đã góp phần nâng tầm bánh tráng nướng mắm ruốc của mình và địa phương lên một vị trí mới. Từ đó, nghề làm bánh tráng truyền thống của người Bắc Ninh tại Lạc Lâm đã được giữ gìn, phát triển", chị Lương thông tin.

Nghề làm bánh tráng giúp người dân Lạc Lâm có thu nhập nửa triệu mỗi ngày - Ảnh 4.

Bánh tráng mắm ruốc của người dân Lạc Lâm đã được thị trường ưa chuộng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, hiện nay, toàn xã Lạc Lâm có khoảng 200 hộ gia đình làm nghề làm bánh tráng. Nghề làm bánh tráng đã giúp cho nhiều hộ gia đình tại xã Lạc Lâm có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế. Chính vì vậy, để giúp bà con phát triển nghề, địa phương đã hỗ trợ xúc tiến thương bại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và công nhận sản phẩm OCOP cho bánh tráng Lạc Lâm.

Từ năm 2020, Công ty TNHH 2G có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đã về xã Lạc lâm thành lập xưởng làm bánh với công nhân và hệ thống máy móc khoa học để sản xuất bánh tráng mắm ruốc thương phẩm. Từ đó, nguyên liệu chính của Công ty TNHH 2G để sản xuất bánh tráng nước mắm ruốc là bánh tráng truyền thống của người dân địa phương.

Nghề làm bánh tráng giúp người dân Lạc Lâm có thu nhập nửa triệu mỗi ngày - Ảnh 5.

Mắm ruốc được tráng lên bánh trắng trước khi đưa vào lò nướng.

Hiện nay, bánh tráng mắm ruốc của công ty và của người dân địa phương sản xuất được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Aeon, Vinmart và xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản. Ngoài sản phẩm chủ lực là bánh tráng mắm ruốc, công ty còn sản xuất bánh tráng phô mai, bánh tráng gà cay, bánh tráng sốt tôm và bánh tráng bơ tỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem