Làm chứng minh nhân dân, người Tà Mun lo bị... "mất gốc"

Tân Tiến Thứ bảy, ngày 24/10/2015 08:41 AM (GMT+7)
Con em người Tà Mun hiện chỉ có thể làm được giấy chứng minh nhân dân (CMND) nếu chấp nhận mang thành phần dân tộc khác. Bởi hiện nay người Tà Mun không có trong danh mục các dân tộc Việt Nam.
Bình luận 0

Làm CMND thì… mất gốc

Mới đây em Lâm Hoài Phong (SN 1999, ngụ phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh), đến tuổi làm giấy CMND  và được cha là ông Lâm Văn Phu đưa đến công an nộp hồ sơ. Dù trong khai sinh lẫn hộ khẩu của Phong đều ghi rõ thành phần dân tộc Tà Mun, nhưng cán bộ không thể làm giấy CMND cho Phong.

Về điều này, ông Phu cho biết: “Cán bộ giải thích ngày xưa khi nhập số liệu, hồ sơ làm  CMND đều viết tay. Còn hiện nay công tác nhập dữ liệu đều bằng phần mềm, trong khi phần mềm dữ liệu lại không có dân tộc Tà Mun, vì dân tộc này không có trong danh mục các dân tộc Việt Nam”.

img

Hộ khẩu ghi rõ Lâm Hoài Phong là dân tộc Tà Mun (ảnh nhỏ), nhưng khi làm CMND buộc phải ghi thành phần dân tộc khác.  Giấy CMND của ông Lâm Văn Ron vẫn ghi thành phần dân tộc Tà Mun. (Ảnh: T.T)

Những trường hợp muốn có giấy tùy thân này, họ phải chấp nhận mang thành phần dân tộc khác như S’Tiêng, Khmer, Chơ Ro, Kinh, hoặc bất cứ dân tộc nào. Ông Lâm Văn Ron (SN 1961, già làng người Tà Mun ở phường Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh) cũng cho biết: “Phường Ninh Thạnh có 49 hộ Tà Mun với 197 người. Trước kia, khi làm khai sinh hay giấy tờ gì đó, thành phần dân tộc đều ghi rõ Tà Mun, sau này trong giấy CMND cũng ghi dân tộc như vậy. Đến khi có nhiều cháu không làm được giấy CMND ghi dân tộc mình, tôi có nêu thắc mắc và được lãnh đạo Công an tỉnh cho biết sẽ gửi công văn đến Sở GDĐT chỉ đạo các Trường THPT trên địa bàn vẫn tiếp nhận hồ sơ, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu theo học. Đối với người nào đã có CMND ghi dân tộc Tà Mun thì cứ giữ, không đổi”.

Tuy vậy, ông Ron cũng cho biết, mặc dù đã  đổi dân tộc để có CMND nhưng họ cũng gặp không ít khó khăn khi làm các thủ tục hành chính khác như vay vốn ngân hàng, kết hôn, bán đất, làm hộ chiếu… vì giấy tờ hộ khẩu, giấy khai sinh và CMND không khớp dân tộc nên các cơ quan chức năng không giải quyết.

Gốc tích người Tà Mun

Năm 2009, tỉnh Bình Phước đưa tộc người Tà Mun vào một nhánh của dân tộc S’Tiêng (giống người M’Nông), vì tiếng nói một nửa là S’Tiêng, một nửa là Khmer, ngôn ngữ kết hợp. Đến nay phía Tây Ninh gọi là người Tà Mun, còn bên Bình Phước gọi là người S’Tiêng, họ sinh sống theo nhóm, sinh hoạt theo những cộng đồng chung.   

Trải qua đời sống du canh, du cư từ bao đời, đến nay người Tà Mun chỉ còn khoảng 3.000 người sống tại 2 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, và hầu như họ không còn biết đích xác nguồn gốc tổ tiên mình xuất phát từ đâu. Theo ông Lâm Tăng, già làng người Tà Mun sống ở sóc 5, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), khi ông nội của ông Tăng còn sống có kể về quá trình du cư của người Tà Mun từ vùng rừng Nam Trường Sơn chuyển dần về phía Nam, sau đó định cư tại những cánh rừng ở vùng Sông Bé vào những năm đầu thế kỷ 20. “Do quá trình du canh, du cư nên người Tà Mun chỉ giữ được ngôn ngữ của dân tộc mình và có giao thoa với một số dân tộc khác. Hiện ở sóc 5 có 236 hộ với khoảng 1.200 người” - ông Lâm Tăng cho biết.

“Hầu hết người Tà Mun ở tỉnh Tây Ninh và Bình Phước đều mong mỏi các nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học đề xuất lên Nhà nước công nhận chúng tôi là dân tộc thứ 55 trong cộng đồng các dân tộc anh em tại Việt Nam” – ông Lâm Tăng bày tỏ nguyện vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem