"Làm nhà ở xã hội là trách nhiệm và đạo đức của người quản lý"

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 28/06/2023 12:38 PM (GMT+7)
Theo đại diện Bộ Xây dựng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương giữ vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy lộ trình phát triển nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Thiếu 120.000 căn hộ trong mục tiêu ngắn hạn đến 2025

Góp ý tại Hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" do báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt điện tử tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, Bộ Xây dựng là cơ quan được giao nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (Đề án 338).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 338 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

"Làm nhà ở xã hội là trách nhiệm và đạo đức của người  quản lý" - Ảnh 1.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng. Ảnh: Viết Niệm

Căn cứ theo báo cáo của các địa phương, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, đã có 41 dự án NƠXH khu vực đô thị được hoàn thành hoàn thành. Quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Cụ thể, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.

Song song, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã triển khai thực hiện 34 dự án với quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ. Hiện, đang có 201 dự án tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng dự kiến khoảng 161.227 căn hộ.

Bộ xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ NƠXH tại các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

"Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, số lượng căn hộ cần mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng là 120.000 căn", Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho hay.

Gắn phát triển nhà ở xã hội với trách nhiệm địa phương

Chia sẻ về nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ông Hà Quang Hưng cho rằng người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng cần giữ vai trò thúc đẩy, có trách nhiệm quyết liệt thực hiện. Qua đó cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.

"Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân", đại diện Bộ Xây dựng nêu quan điểm.

Đồng thời, để đẩy nhanh được tiến trình phát triển số lượng NƠXH, cần có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó là chính sách nhằm hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Việc triển khai thực hiện theo quan điểm "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Trong đó đảm bảo xây dựng NƠXH phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương.

"Làm nhà ở xã hội là trách nhiệm và đạo đức của người  quản lý" - Ảnh 2.

Nhiều người có thu nhập thấp vẫn chưa tiếp cận được với chính sách nhà ở xã hội. Ảnh: Viết Niệm

Giải phóng nguồn lực đang vướng nút thắt pháp lý về nhà ở xã hội

Về triển khai nhiệm vụ được giao tại đề án, đại diện Bộ Xây dựng cho biết hiện nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó chính sách về nhà ở xã hội được đề xuất cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ 01/01/2024), bao gồm nhóm chính sách về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thực hiện rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

"Đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... việc sắp xếp quy hoạch, bố trí các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân độc lập cần triển khai tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội", ông Hà Quang Hưng phân tích.

Ngoài ra, nhằm giải phóng các nguồn lực còn đang vướng mắc, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thực hiện rà soát tháo gỡ những nút thắt pháp lý, tài chính. Đặc biệt đối với các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem