Lạm phát "sôi sục": Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiết lộ giải pháp "căn cốt", Thống đốc cùng "chia lửa"

08/06/2022 16:34 GMT+7
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn so với thế giới.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc diễn ra sáng nay (8/6), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, vật tư đầu vào rất lớn.

"Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì kiềm chế lạm phát thời gian tới?", ông Cường hỏi.

Áp lực lạm phát của Việt Nam thấp hơn thế giới

Dẫn số liệu Tư lệnh ngành Tài chính cho hay, hiện trên thế giới lạm phát đã là 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%... còn Việt Nam là 2,25%. Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón... Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.

Điều đáng mừng là Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn – theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

"Đây cũng là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá phát triển. Nếu ta tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ bật lên. Các nước lạm phát cao nhưng Việt Nam có độ trễ và tự chủ được tiêu dùng trong nước", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.

Lạm phát "sôi sục": Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiết lộ giải pháp "căn cốt", Thống đốc cùng "chia lửa" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải đáp chất vấn đề lạm phát. (Ảnh: QH)

Về giải pháp, Tư lệnh ngành Tài chính cho hay, giải pháp về tiền tệ, thu tiền trong lưu thông về, bằng các biện pháp về lãi suất, phát hành công cụ khác... Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giải thích rõ hơn về vấn đề này.

Về tài khóa, theo Bộ trưởng cần thực hiện chính sách tài khóa vừa giảm thuế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên; quản lý chặt giá cả; thực hiện đúng luật Giá.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đột phá vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số.

"Cốt lõi của nền kinh tế không chỉ ở chính sách tài khóa, tiền tệ mà cơ bản các chính sách này phải hướng đến doanh nghiệp, người dân. Người dân, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có thu nhập, GDP tăng, thu nhập tăng, giải quyết được việc làm, có cuộc sống tốt thì sẽ giữ vững được chính sách về tài khóa, tiền tệ và cả thị trường chứng khoán", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Vì vậy, mọi thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghiệp, nguồn vốn phải dồn cho người dân, doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả "là giải pháp căn cốt nhất để chống lạm phát tốt nhất".

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng "chia lửa" cùng tư lệnh Bộ Tài chính

Giải trình cùng Bộ trưởng Tài chính các câu hỏi của các đại biểu về lạm phát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, kiểm soát lạm phát là vấn đề toàn cầu hiện nay.

Tại Việt Nam, lạm phát vẫn đang ở mức kiểm soát được, tăng 2,25% trong những tháng đầu năm. Qua phân tích đánh giá mức tăng giá này chủ yếu là do tăng giá hàng hóa thế giới.

Đối với góc độ điều hành, thực sự các gói trong chương trình phục hồi kinh tế vẫn chưa giải ngân. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, thời gian tới, khi các gói giải pháp này đưa ra sẽ tác động đến lạm phát.

Do đó, từ giờ đến cuối năm phải theo dõi sát tiến độ giải ngân các gói này, để đưa ra các biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt trong điều hành kiểm soát lạm phát, quan trọng vẫn là phối hợp kết hợp chính sách tiền tệ tài khoá, chính sách kiểm soát giá

"Chúng ta có Ban chỉ đạo điều hành giá, thông qua Ban này thì có những phân tích đánh giá về lạm phát để có những điều hành phù hợp", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm.

Lạm phát "sôi sục": Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiết lộ giải pháp "căn cốt", Thống đốc cùng "chia lửa" - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng "chia lửa" cùng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: QH)

Liên quan đến nội dung điều hành thị trường tiền tệ và gắn với các phân khúc khác của thị trường tài chính như là chứng khoán hay là thị trường vốn. Nữ Thống đốc đầu tiên của ngành ngân hàng cho biết, thị trường tiền tệ là một trong những phân khúc của thị trường tài chính và chủ yếu là thị trường ngắn hạn và do sự điều hành và tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong 5 tháng vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát diễn biến và có những điều tiết về thanh khoản phù hợp để đưa ra những chính sách về tiền tệ như là chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá và về cơ bản trong 5 tháng thì thị trường tiền tệ khá ổn định. Đây cũng là một trong những điểm được quốc tế đánh giá.

Tuy nhiên, trong 5 tháng vừa qua có những diễn biến ở trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên thị trường này cũng có rất nhiều chủ thể tham gia, trong đó có các chủ thể tham gia là các tổ chức tín dụng. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định pháp luật.

Cũng theo Thống đốc, ngân hàng là trung gian tài chính, khi các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này thì điểm quan trọng nhất đó là phải kiểm soát được rủi ro. Bởi vì, nếu như các tổ chức tín dụng tham gia các thị trường này mà không kiểm soát được rủi ro thì lúc đó sẽ không có khả năng thu hồi được những khoản đầu tư. Như vậy, cũng sẽ khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu chi trả của người gửi tiền.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục