Làm sao để Lương đủ nuôi Liêm chính?

Quốc Phong Thứ năm, ngày 16/03/2023 15:23 PM (GMT+7)
Hiện nay, một số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị có thể nói là chậm được cụ thể hóa. Nhiều vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp cục, vụ, sở... ngày xưa có lẽ là khát vọng phấn đấu của bao người mà nay, vì sao họ vẫn xin thôi việc?
Bình luận 0

Bộ Chính trị ra Thông báo số 50, kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và bây giờ có một số vấn đề cần khẩn trương thực hiện. Trong đó BCT có đề cập một số chủ trương mới liên quan chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng nhân tài vốn chậm được cụ thể hóa. Đó là việc rất cần thiết và nên đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm khắc phục những hạn chế của chính sách lương hiện hành, trong đó có lương của lãnh đạo.

Thay đổi cách làm lương mới để thu hút người tài phấn đấu làm lãnh đạo và phải để họ đủ sống bằng lương.

Tôi xin bắt đầu bằng một vài ví dụ, nghe có vẻ vô lý nhưng lại đều là sự thật. Qua đó ta sẽ cùng phân tích, suy ngẫm thêm về tính bất hợp lý trong lương lãnh đạo hiện nay cần thay đổi.

Cách tính lương của Nhà nước ta hiện nay như sau :

Mức lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.

Nếu là công chức đảm nhận cương vị lãnh đạo thì về cơ bản đều có phụ cấp chức vụ. Tuy nhiên, số tiền này xem ra rất ít ỏi, chưa thoả đáng. Với lãnh đạo đất nước ở cấp cao thì cũng không có khoản phụ cấp nói trên, ví dụ như :

Theo Quyết định 128-QĐ/TW năm 2004, hệ số lương của Tổng Bí thư là 13,00 ;theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13,00; hệ số lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội là 12,50.

Như vậy, cũng chỉ chênh có 0,5 tức là khoảng 700.000 đồng giữa 2 "nhóm"chức danh này.

Theo Quyết định 128/QĐ-TW năm 2004 , hệ số lương bậc 1 của Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là 11,10; hệ số lương bậc 2 là 11,70 (đối với chức danh quy định 2 bậc lương). 

Hệ số lương của Bộ trưởng/ Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có 2 bậc là hệ số lương 9,70 và 10,30. Tương đương mức lương có hệ số lương cơ sở là 1.490.000 đ thì sẽ là 14.453.000 đ và 15.347.000 đ...

Điều này cho thấy lương của một vị bộ trưởng/ Bí thư Tỉnh uỷ / thủ trưởng cơ quan ngang bộ là uỷ viên Trung ương với một vị là uỷ viên BCT, một chức danh cả một đời phấn đấu cật lực cũng rất khó mấy ai có được. Thế nhưng mức lương cũng chỉ chênh nhau có 0,4. Tức là mức thu nhập cũng chỉ chênh nhau gần 600.000 đ (hai vị trí có cùng bậc khởi điểm).

Đã không chênh nhau là bao, song nhiều khi lại còn "cho xuống" lương khá kỳ lạ. Lạ là ở chỗ họ tuy được thăng tiến chứ không hề bị kỉ luật mà có khi bị hạ lương. Có điều, ở những cấp như vậy lại không có phụ cấp lãnh đạo vì nó đã được đưa vào lương.

Có lần cũng đã lâu, tôi từng nghe trực tiếp lời kể từ nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (nhiệm kì 2011-2016), ông Bùi Quang Vinh  kể rằng trước khi là bộ trưởng, ông đã là Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai rồi mới về Trung ương nhận trọng trách mới.

Ông đã từng nhận mức lương bậc 2 của chức danh Bí thư Tỉnh uỷ (hệ số là 10,3). Thế nhưng khi được nhậm chức Bộ trưởng thì quyết định của ông lại ghi rõ là nhận mức lương Bộ trưởng bậc 1, tức là chỉ có 9,7.

Nhiều người trong bộ thấy lạ nên họ đem thắc mắc thay cho ông thì Ban Tổ chức Trung ương ban đầu có viện dẫn điều nọ, khoản kia để bảo vệ cái quyết định họ đã soạn. Sau rồi thì chính cơ quan tổ chức cũng lúng túng vì thấy đúng là bất cập. Lúc đó họ mới biết, cũng không chỉ có một trường hợp như ông Vinh mà còn cả người khác cũng có quyết định chế độ lương tương tự.

Chỉ một  vài ví dụ có thật, thậm chí hơi… "hài hước" như vậy cũng đã cho thấy cách bố trí lương này có phần khá cứng nhắc. Cũng có thể họ lo xa rằng, nếu để ngay bậc 2 của lương Bộ trưởng( hệ số 10,3) thì mấy năm nữa sẽ "kịch khung". Khi đó, muốn nâng lương nữa thì làm sao còn bậc (!!!) mà nâng ?

Như vậy thì còn đâu và còn ai là người có động lực để cống hiến nếu chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất nhỏ nhoi khi chuyện" phú quý giật lùi" nói trên là có thật. Nó bộc lộ ngay từ trong chuyện làm lương cho nhân sự ở cấp cao.

Với số ít các chức danh lãnh đạo không có phụ cấp lãnh đạo mà chỉ có bậc 1 bậc 2 thì đại đa số lãnh đạo đều có phụ cấp lãnh đạo. Song ở cả hai thang bảng lương cũng như bảng phụ cấp lãnh đạo, nó đều bất hợp lý cần phải thay đổi để xã hội phát triển lành mạnh.

Hiện trong thang bảng lương công chức nhà nước, lương người cao nhất trong hệ thống chính trị có hệ số 13 và không có phụ cấp lãnh đạo gì nữa. Trong khi nhiều nước khác, hệ số này tăng tới hệ số 30, độ doãng như thế mới hy vọng xoá bớt sự bất cập khi lương của một Bí thư tỉnh uỷ với một Trưởng ban Đảng là Uỷ viên Bộ Chính trị chỉ chênh ngót nghét có 600 nghìn đồng mà tôi vừa nêu.

Hiện nay, một số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị có thể nói là chậm được cụ thể hóa. Hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư không phải là chuyện hy hữu. Nhiều vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp cục, vụ, sở... ngày xưa có lẽ là khát vọng phấn đấu của bao người mà nay, vì sao họ vẫn xin thôi việc?

Có thể có nguyên do là bởi lương công chức thấp mà phụ cấp trách nhiệm của người lãnh đạo cũng không cao, rất hình thức cho nên mới có chuyện họ bỏ việc làm nhà nước ra ngoài. Điều này đúng nhưng chưa phải đủ. Nó có thể còn một số nguyên do khác nữa. Song không phải là chủ đề bài viết nên tôi xin phép không dẫn ra.

Rất có thể, do chúng ta đang quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền gần đây rất mạnh mẽ, khiến" đất làm ăn" của người cơ hội, nhóm lợi ích có khó hơn, dễ bị truy trách nhiệm hơn nếu có sai phạm...

Tất cả có thể góp phần dẫn đến hiện tượng một số ít các quan chức cũng bỏ việc nhà nước... Nhiều vị ra ngoài làm, nhờ kinh nghiệm công tác và các mối quan hệ xã hội, họ có thể nhận mức lương gấp 10-20 lần lương nhà nước không phải là chuyện hiếm nữa.

Thực tế chúng ta đã thấy gần đây đã có cả nhân sự làm tới chức phó Chủ tịch tỉnh, vụ trưởng, vụ phó, giám đốc, phó giám đốc sở.... cũng đang có xu hướng rời bỏ nhà nước ra ngoài làm việc.

Điều này theo tôi cũng có những khía cạnh nào đó là tích cực.  Chắc nhiều người cũng biết, có một vị GS, BS, giám đốc một bệnh viện công lớn đã xin chuyển ra làm cho một bệnh viện quốc tế của tư nhân. Ông được người ta sẵn sàng trả lương cao cho rất nhiều lần. Chế độ phụ cấp lãnh đạo một bệnh viện thì bèo bọt mà trách nhiệm lại rất nặng, nhất là hiện nay được giao quyền tự chủ nhưng vẫn rất khó làm do rất dễ sai phạm, đi tù lúc nào không hay...

Tôi nhìn nhận những hiện tượng trên không tới mức quá bi quan mà vẫn theo hướng tích cực. Bởi như vậy cũng còn hơn là hình ảnh tiêu cực khi ta phải thấy cái cảnh những người dù rất biết nếu như làm nhà nước thì không đủ sống, thế nhưng họ vẫn cố lao vào biên chế bằng mọi cách, kể cả chuyện chạy chọt tiêu cực.

Mà một khi đã có ý muốn như vậy thì tôi không hy vọng chuyện những người được coi là công bộc của dân  lại có thể sống lành mạnh, công tâm khi làm việc được ...

Hiện tượng cán bộ công chức, viên chức rời bỏ ngành y, giáo dục ra ngoài làm (như tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) cũng chưa phải là điều quan ngại. Song nếu như hiện tượng này lại lan sang cả lực lượng vũ trang (như trường hợp Công an Hà Nội mà báo chí có nêu gần đây) lại là điều rất đáng suy nghĩ, thậm chí khá lo lắng bởi đây là" thanh bảo kiếm Quốc gia", là những công cụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ.  

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn coi lao động trong quân đội là lao động đặc biệt, cống hiến đặc biệt dù biết nguồn chi quốc phòng là khá lớn, là áp lực cho nền kinh tế . Vì vậy, tiền lương đối với cán bộ quân đội phải có sự ưu đãi đặc biệt nhưng có lẽ cũng cần  nghiên cứu, cân đối lại cho khoa học hơn.

Năm 2004, trong Tờ trình Quốc hội khóa XI về Đề án cải cách tiền lương, Chính phủ đã khẳng định: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay".

Trong thiết kế bảng lương sĩ quan quân đội cũng thể hiện một số mặt chưa phù hợp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với mức lương cấp hàm (khoảng từ 4 đến dưới 15%).

Tuy nhiên, để thiết kế và ban hành một bảng lương cho người có chức vụ trong các lực lượng vũ trang nói riêng, trong cơ quan Đảng và Nhà nước nói chung (không phải chỉ có phụ cấp lãnh đạo như hiện nay) xem ra còn rất khó và sớm như mong đợi nếu không có một cuộc cách mạng về lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang...

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trước đó cũng từng nhận xét: "Việc lấy quân hàm làm căn cứ xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan"...

Đã đến lúc cần sớm có một thang bảng lương mới trong đó có bảng lương dành cho lãnh đạo. Nó phải phù hợp với giai đoạn mới nhằm đáp ứng, tạo đòn bẩy đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn cũ. Làm sao để khuyến  khích người  tài giỏi tham gia lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và lực lượng vũ trang. Nếu không làm sớm, e rằng người tài giỏi sẽ còn ra đi dù rất biết, làm ở đâu thì cũng là đóng góp cho xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem