Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận nông thôn mới ngày một văn minh nhờ bỏ hủ tục

Đức Cường Chủ nhật, ngày 10/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã chú trọng phát huy vai trò người có uy tín để tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đồng bào Chăm. Điển hình là việc xây dựng nông thôn mới ở làng Chăm Mỹ Nghiệp.
Bình luận 0

Phát huy vai trò người có uy tín, tuyên truyền, đẩy lùi hủ tục, lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp.

Theo UBND huyện Ninh Phước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng ngày càng được nâng lên. Người dân đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó thu nhập được nâng lên hơn 71 triệu đồng/người/năm.

Người có uy tín chung tay xây dựng nông thôn mới Ninh Thuận

Một ngày đầu tháng 12/2023, PV Dân Việt có dịp trở lại huyện nông thôn mới Ninh Phước nằm ở phía nam của tỉnh Ninh Thuận, cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km. Đây cũng là địa phương có nhiều người Chăm sinh sống nhất tỉnh Ninh Thuận với gần 40.000 người.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Cổng làng và đường giao thông nông thôn dẫn vào làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Đức Cường

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, huyện Ninh Phước đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và dân vận khéo. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò người có uy tín để tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm. Việc này đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp.

Điển hình nhất là ông Quảng Đại Thính ở làng Chăm Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước). 

Ông Thính (69 tuổi) là bậc lão làng có uy tín trong đồng bào Chăm ở địa phương. 

Hơn 10 năm nay, ông Thính luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, thực sự trở thành nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Dẫn chúng tôi dạo bước trên con đường bê tông láng mượt cuối làng Chăm Mỹ Nghiệp, ông Quảng Đại Thính cho biết, con đường được xây dựng hơn 500 triệu đồng, toàn bộ đều do người dân trong làng đóng góp để xây dựng.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông Quảng Đại Thính và chức sắc ở làng Mỹ Nghiệp dạo trên tuyến đường bê tông sạch đẹp. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Quảng Đại Thính, trước đây khu đường làng ngõ xóm thường lầy lội vào mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển nông sản của bà con. Từ năm 2020, chính ông đã vận động người dân đóng góp để bê tông hóa con đường sạch đẹp.

"Ban đầu đi vận động rất khó khăn vì người dân đa số làm nông nên không có điều kiện. Nhà có điều kiện thì lại không muốn đóng góp nên phải tạm ngưng một thời gian. Mãi về sau, mưa dầm thấm lâu thì một số hộ cũng đồng ý đóng góp, nhiều hộ khác thấy vậy cũng mở lòng, từ đó con đường mới hình thành sạch đẹp…", ông Thính cho hay.

Trước đó vào năm 2017, ông Quảng Đại Thính là người "có công" lớn nhất giúp chính quyền địa phương tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường ở địa phương.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Thính cho biết, dân tộc Chăm có phong tục ma chay cho người chết khác với dân tộc Kinh. Mỗi người chết đi, người thân phải vào rừng chặt cây để làm rạp đám ma. Mỗi đám ma đều phải dùng cây mới chặt, không được dùng cây cũ nên phá rừng rất nhiều.

"Theo quan niệm của người Chăm truyền lại từ xa xưa, dùng cây mới chặt để làm đám thì người chết mới yên lành. Do đó cứ có đám ma là người thân đi phá rừng. Làm một đám ma như vậy rất tốn kém chi phí chặt phá cây rừng, lại ảnh hưởng môi trường và đi ngược với pháp luật nhà nước trong việc bảo vệ rừng…", ông Thính cho hay.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Các vị chức sắc, người có uy tín ở làng Chăm Mỹ Nghiệp họp bàn vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Thính, để xóa bỏ "hủ tục" này, ông đã phải vận động rất nhiều. Bắt đầu từ những bậc bô lão trong làng nhưng không ai đồng thuận, đặc biệt là các vị chức sắc không chịu vào làm các nghi lễ cúng bái. Mãi về sau, một số gia đình tộc họ trong làng mới bắt đầu thay đổi. Họ sử dụng rạp đám tang bằng khung sắt do ông Thính hướng dẫn vừa có thể tái sử dụng, ít tốn kém chi phí lại bảo vệ môi trường.

"Từ một hai hộ áp dụng rồi đến nay cả làng Chăm ở Mỹ Nghiệp đều bỏ luôn hủ tục phá rừng. Không những vậy, hiện nay các làng Chăm khác trong tỉnh đều học tập để áp dụng thực hiện. Nhờ đó, đời sống văn hóa và diện mạo nông thôn ở các làng Chăm ngày càng văn minh, khởi sắc…", ông Thính cho hay.

Giờ đây, bãi rác xưa kia của làng đã được vận động bê tông hóa khang trang để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người Chăm trong làng. Khắp đường làng ngõ xóm đã khang trang, sạch đẹp xứng tầm là đô thị trung tâm huyện Ninh Phước.

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Chăm

Theo ông Quảng Đại Thính, làng Mỹ Nghiệp là làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Chăm. Nơi đây, đã có nhiều thế hệ phụ nữ giỏi nghề, tích cực bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt truyền thống trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Ninh Thuận.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của người Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

"Nhờ nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề dệt kết hợp canh tác ruộng lúa và chăn nuôi gia súc, các gia đình đã xây dựng được xóm làng khang trang, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh ở địa phương…", ông Thính cho hay.

Chỉ tay về cổng làng Mỹ Nghiệp, ông Quảng Đại Thính cho biết, đó là một trong nhiều công trình thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân trong làng. Công trình được xây dựng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Năm 2017, ông là một trong những người tiên phong vận động bà con hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động để xây dựng làng Mỹ Nghiệp như ngày hôm nay. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước trên 23 tỷ đồng, làng Mỹ Nghiệp đã xây dựng nhà trưng bày, đường vào làng nghề, hệ thống điện chiếu sáng, tạo sự khởi sắc trong đời sống khu dân cư Mỹ Nghiệp.

Các gia đình người Chăm dệt thổ cẩm được ông Thính vận động truyền nghề cho con cháu và bảo tồn những họa tiết, hoa văn cổ của dân tộc mình. Nhờ đó, nhiều thế hệ con cháu người Chăm tiếp nối nghề dệt, đưa tinh hoa văn hóa dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Nghệ nhân Đạt Thị Nam hướng dẫn xã viên dệt thủ công ở làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Đức Cường

Nghệ nhân Đạt Thị Nam – Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, HTX hiện có 70 thành viên góp vốn kinh doanh 800 triệu đồng. Trong năm 2022, HTX thu hút trên 8.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mua sắm sản phẩm, doanh thu đạt 500 triệu đồng.

Năm 2023, HTX liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham quan làng nghề, thu hút 10.000 - 12.000 lượt khách tham quan mua sắm sản phẩm, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.

"Ước mơ mà tôi đang phấn đấu là vận động bà con làng Chăm xây dựng lại vùng nguyên liệu để phục vụ nghề dệt. Đó là trồng bông lấy sợi, trồng dâu nuôi tằm để tạo nên sản phẩm mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Chăm, tạo thu nhập cho người dân địa phương…", ông Thính tâm sự.

Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Theo UBND huyện Ninh Phước, với sự chung sức, đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị, địa phương đã về đích nông thôn mới vào năm 2019. Đến nay, toàn huyện cũng đã xây dựng được 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Từ năm 2021 đến nay, hạ tầng trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo diện mạo mới cho nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Đường trung tâm huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Huyện Ninh Phước cũng là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Ninh Thuận. Trong đó có các sản phẩm đặc thù như măng tây xanh, nho, táo, lúa hữu cơ... giúp nông dân thu nhập trên 220 triệu đồng/ha/năm. Mới nhất, vùng chuyên canh măng tây xanh rộng 130 ha ở xã An Hải cũng đã được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước, từ nay đến năm 2025, huyện Ninh Phước tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, phấn đấu 6/8 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận ngày càng văn minh nhờ xóa bỏ hủ tục để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Người Chăm huyện Ninh Phước chuyên canh cây măng tây xanh lớn nhất tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Sang năm 2024, huyện Ninh Phước đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi 12 tiêu chí về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó, tiếp tục phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng nông thôn mới, phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 12.512 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân người dân lên hơn 75 triệu/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo 0,5%.

Huyện Ninh Phước có 8 xã và 1 thị trấn với 50 thôn và 15 khu phố. Trong đó có 2 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn là Tà Dương xã Phước Thái và thôn Liên Sơn 2 xã Phước Vinh.

Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Ninh Phước đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo bền vững.

Mới nhất, vào ngày 8/12, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 300 cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Tại lớp tập huấn, các đại biểu được truyền đạt các kiến thức về các quy định mới trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo…

Huyện Ninh Phước cũng nổi tiếng với 2 làng nghề thủ công của người Chăm là nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc. Trong đó, nghề gốm đã được công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận nông thôn mới ngày một văn minh nhờ bỏ hủ tục - Ảnh 10.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem