Một làng cổ ở Bắc Giang có giai thoại 3 năm cả làng không đẻ được, vô tình trồng thứ rau đến vua còn thèm

Thứ sáu, ngày 08/12/2023 18:16 PM (GMT+7)
Làng Tân Phượng, một làng cổ nay thuộc xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) xưa có tên là Phụng Công Trang, hay làng Phụng Pháp...Đặc biệt, vùng đất này còn gắn với sản vật dùng để tiến vua, đặc biệt là rau muống tiến vua- rau muống trũng.
Bình luận 0

Làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) xưa có tên là Phụng Công Trang, hay làng Phụng Pháp, thuộc tổng Mỹ Cầu, huyện Yên Dũng - nơi thái ấp của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc (vị Quận công văn võ toàn tài, có nhiều công lao với đất nước). 

Đặc biệt, vùng đất này còn gắn với sản vật dùng để tiến vua, đặc biệt là rau muống tiến vua-rau muống trũng. 

Loại rau muống này rất ngon, giòn, thơm, nước ngọt đậm đà, khi luộc rau có màu xanh mướt và cũng là sản vật tiến vua.

Cụ Dương Ngọc Luyện, người làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho hay: Rau muống được trồng ở nhiều vùng, nhưng rau muống ngon thì có lẽ chỉ có Trũng Xuồng (Tân Phượng), loại rau mềm, giòn, ngọt, lại xanh tốt quanh năm. 

Rau muống hiện vẫn được người dân trồng nhiều trên các cánh đồng trong làng và câu chuyện dân gian về rau muống vẫn được người dân nơi đây lưu truyền. 

Chuyện kể rằng: Ngày đó làng Phụng Pháp bị nạn đói, xóm làng xơ xác, tiêu điều. Đói đến nỗi ba năm liền cả làng không sinh được một đứa bé nào. 

Một làng cổ ở Bắc Giang có giai thoại 3 năm cả làng không đẻ được, vô tình trồng thứ rau đến vua còn thèm - Ảnh 1.

Loại rau muống tiến vua được trồng nhiều ở Bắc Giang. Rau muống Trũng Xuồng-rau muống tiến vua xuất hiện ở làng cổ Tân Phượng, nay thuộc xã xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: T.L

Đói quá, một phụ nữ trong làng liền ra khu vực Trũng Xuồng khai hoang trồng rau muống. Do đất tốt lại cần cù chăm sóc, bãi rau muống phát triển rất nhanh, xanh tốt mơn mởn.

Từ bãi rau muống, không những đủ ăn, người nọ còn đem đi bán, sau đó nhờ no đủ nên sinh được một cậu con trai và là xuất đinh duy nhất của làng Phụng Pháp. 

Sau này, người con trai đó làm đến chức Chánh tổng, dân gian còn gọi là Chánh Muống.

Đó là giai thoại, nhưng với cụ Hoàng Ân thì đã được “tai nghe, mắt thấy” rau muống Trũng Xuồng cứu đói dân làng mình trong nạn đói năm 1945.

“Rau muống đã cứu đói rất nhiều người trong làng hồi đó, mọi người đã phải ăn rau muống thay cơm để sống cầm hơi qua ngày”, cụ Ân xúc động nhớ lại.

Cụ Ân còn nói: Dù mình đã đi đến nhiều nơi, ăn rau muống ở nhiều vùng nhưng ngoài rau muống ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì không đâu có loại rau ngon như ở làng Phụng Pháp.

Tuy nhiên hiện nay, rau muống Trũng Xuồng có nguy cơ “biến mất” nếu không có biện pháp bảo vệ, do người dân san đất, dựng nhà, lấp gần hết khu vực Trũng Xuồng, diện tích bị thu hẹp lại, nên rau muống Trũng Xuồng rất có thể sẽ không còn. 

Vì vậy, những người như cụ Luyện, cụ Ân không khỏi lo lắng một ngày nào đó rau muống Trũng Xuồng sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể của người dân nơi đây(?).

Cũng như bao ngôi làng cổ khác của vùng đồng bằng Bắc bộ, Tân Phượng vẫn giữ được những nét đẹp thuần Việt, hình ảnh chiếc cổng làng, sân đình, mái đền, những nếp nhà gạch chỉ, mái ngói rêu phong óng màu thời gian. 

Đối với người dân làng cổ Tân Phượng, những câu chuyện huyền thoại đã ăn sâu trong lòng các thế hệ, những nét đẹp văn hóa đã và đang được người dân nơi đây nâng niu, gìn giữ.



Đào Nguyên (Báo Khoa học phổ thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem