Lãnh đạo bị "nhắc bài" và lãnh đạo "xé rào" cứu dân

Cao Hùng Thứ năm, ngày 16/09/2021 14:04 PM (GMT+7)
Có lãnh đạo lúng túng, loay hoay khi bị Thủ tướng chất vấn về cách chống dịch. Có lãnh đạo lại mạnh dạn đưa ra những quyết sách "xé rào" cứu dân vượt qua đại dịch. Trách nhiệm với dân được hiển hiện rõ nét trong phong cách làm việc của những người đứng đầu chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Những ngày qua, trên "giờ vàng" của Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin nhiều về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi ông chất vấn trực tuyến về công tác chống dịch đối với lãnh đạo các địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, có đoạn tường thuật Thủ tướng Chính phủ chất vấn Bí thư tỉnh Kiên Giang về công tác chống dịch Covid-19. Người dân thiếu thiện cảm, thiếu tin tưởng khi thấy hình ảnh ông lãnh đạo tỉnh ấp úng trả lời Thủ tướng, rồi loay hoay lật xấp tài liệu tìm số liệu các ca nhiễm bệnh…

Và vô tình, có tiếng người phía sau "nhắc bài" cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang lọt vào micro, và nó không qua mặt được Thủ tướng. Thủ tướng đã công khai luôn việc "nhắc bài" này trước hàng triệu người dân đang xem truyền hình… 

Chưa hết, trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư một phường của TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phân bua, dù một tháng qua đã có chủ trương, nhưng chính quyền vẫn chưa tìm được địa điểm làm nơi điều trị bệnh cho bệnh nhân nhiễm Covid-19… 

Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở 2 lãnh đạo trên không sâu sát, tư duy chống dịch trì trệ dẫn tới dịch bệnh lan tràn, từ những "vùng xanh rờn" chuyển sang "đỏ quạch"…

Trái ngược với hình ảnh lúng túng của 2 lãnh đạo địa phương bị Thủ tướng Chính phủ chất vấn, những ngày qua, dư luận TP.HCM lại xôn xao trước một Bí thư quận ủy quyết liệt "xé rào" cứu dân. Đó là bà Lê Thị Hờ Rin (44 tuổi, quê Bến Tre) – Bí thư Quận ủy quận 6, TP.HCM.

Cách đây 1 tháng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tấn công quận 6, số lượng ca tử vong, số ca nhiễm không ngừng gia tăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo khẩn cấp có giải pháp quyết liệt để cứu mạng người dân trước tiên. Trước mắt, nên tính tới việc cung cấp 2 loại thuốc cho những bệnh nhân F0 nhằm ngăn chặn bệnh tình trở nặng.

Lãnh đạo bị "nhắc bài" và lãnh đạo "xé rào" cứu dân - Ảnh 2.

Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin trao quà cho người dân. Ảnh: Văn Minh

Mặc dù việc cho bệnh nhân uống 2 loại thuốc này trong thời điểm đó chưa hề được ngành y tế cho phép, song trong tình huống nước sôi, lửa bỏng, cứu người là trên hết, Bí thư Hờ Rin đã tham vấn nhiều bác sĩ và được biết, người có triệu chứng bị bệnh uống 2 loại thuốc trên là bình thường, chỉ có một số ít là chống chỉ định. 

Theo bà Hờ Rin, tính mạng của người dân lúc này ngàn cân treo sợi tóc, chờ đến khi đủ thủ tục, phác đồ điều trị số người chết sẽ ngày càng nhiều. Không thể chờ đợi, Bí thư Hờ Rin đã họp khẩn với Bí thư của 14 phường trong quận 6 và chỉ đạo triển khai phân phối ngay 2 loại thuốc trên đến từng nhà người bệnh, với sự tư vấn, dặn dò, theo dõi kỹ càng của các nhân viên y tế…

Bí thư Hờ Rin cho biết, việc trên, chưa hề có tiền lệ. Nếu xét về nguyên tắc, thì chỉ đạo trên của bà là "xé rào", không đúng, vì quy định người bệnh uống loại thuốc nào phải có sự cho phép của ngành y tế. Song, nếu không "xé rào" thì làm sao cứu được sinh mạng người dân ?

Trong giờ phút quyết định sống còn ấy, Bí thư Hờ Rin đã dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hơn thế, bà còn chỉ đạo cấp dưới tăng cường nấu nước sả, nước gừng… theo lối chữa trị truyền thống để giúp những bệnh nhân điều trị tập trung tại các bệnh viện dã chiến.

Thật không ngờ, sự "xé rào" của nữ Bí thư ấy đã góp phần giảm số lượng ca nhiễm, số lượng ca tử vong cũng tụt xuống từng ngày… Và sau đó, Sở Y tế cũng triển khai cho cả TP.HCM phân phát 2 loại thuốc điều trị trên, để điều trị cho các bệnh nhân F0. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân xuống quận 6, biểu dương lãnh đạo quận 6 trong công tác chống dịch…

Chưa bao giờ, dấu ấn cá nhân và trách nhiệm đối với dân lại được hiển hiện rõ nét trong phong cách làm việc của những người đứng đầu chính quyền địa phương nêu trên. Không có gì tệ hơn với một lãnh đạo địa phương, trước hàng triệu người dân, vẫn… không thuộc bài, không sâu sát công việc được giao.

Trong khi đó, câu chuyện của Bí thư Lê Thị Hờ Rin hoàn toàn trái ngược. Không phải bằng con bài dân tuý, mà là một hành động có thể phải trả giá bằng sinh mạng chính trị của mình. Một khi lãnh đạo vì dân, họ sẽ nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trước dân. 

Hơn bao giờ, trong phút giây quyết định đòi hỏi sự quyết đoán thông minh, bản lĩnh của người lãnh đạo. Quyết định đó sẽ làm nên dấu ấn cá nhân. Chấp nhận chịu trách nhiệm để "xé rào" cứu dân, dấu ấn cá nhân của lãnh đạo được nhân dân ghi nhớ và yêu mến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem