Lao đao 'số phận' dự án 10.000 tỷ đồng ở Quảng Ngãi (Bài 1)

18/08/2023 11:46 GMT+7
Trong vô số dự án đã và đang triển khai tại Quảng Ngãi, hiếm thấy dự án nào gặp khó khăn, bị dư luận liên tục phản ứng kéo dài suốt gần thập kỷ qua và đến tận bây giờ vẫn chưa chấm dứt, như dự án NM Bột – Giấy VNT19.

LTS: Đã 8 năm kể từ khi khởi công và qua 3 lần điều chỉnh, thế nhưng do nhiều nguyên nhân, mà "nút thắt" là phản ứng của người dân về vị trí đường ống xả thải, nên dự án NM Bột – Giấy VNT19, với tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Gặp khó từ lúc…mới sinh

Theo thông tin PV Etime thu thập, được cung cấp từ cơ quan chức năng và liên quan, dự án nhà máy (gọi tắt NM) Bột - Giấy VNT19, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất xây dựng gần 69ha tại thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn.

Lao đao số phận dự án 10.000 tỷ ở Quảng Ngãi (Bài 1) - Ảnh 1.

Dự án NM Bột - Giấy VNT19. Ảnh: Công Hoàng (chụp năm 2017).

Tuy nhiên, sau đó do một số nguyên nhân, dự án được chuyển đến địa điểm mới là thôn Phú Long, xã Bình Phước, cùng huyện Bình Sơn.

Sau khi chủ đầu tư hoàn tất thủ tục và tiến hành khởi công vào năm 2015, vào khoảng cuối năm 2016, dư luận bắt đầu có nhiều ý kiến khác nhau trước thông tin 50/70 ha của rừng dừa nước ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, được ví là "của hiếm' của Quảng Ngãi và một phần "lá phổi xanh" của KKT Dung Quất, sẽ bị phá bỏ để lấy đất thực hiện dự án này.

Tại thời điểm trên, nhiều người dân cho biết, cùng với sử dụng tại chỗ; từ chặt lá và phơi khô chở đi bán để lợp nhà, rừng dừa nước Bình Phước đã mang lại và trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình của địa phương và vùng lân cận.

Khi vật liệu lợp nhà được thay thế bằng ngói, đổ bê tông thì rừng dừa nước chính là nơi mưu sinh của nhiều hộ gia đình bằng đánh bắt tôm. Giá trị hơn về mặt kinh tế, với diện tích rộng trên 70 ha, rừng dừa nước còn được ví là một phần "lá phổi xanh" của KKT Dung Quất.

Cấp, ngành "bở hơi tai" vì lo ngại ô nhiễm của người dân.

Tuy nhiên vấn đề gây "sóng" dư luận lớn nhất và kéo dài cho đến tận bây giờ, đó là lo ngại của người dân về ảnh hưởng môi trường, khi NM Bột – Giấy VNT19 hoàn thành đi vào hoạt động, đặt biệt là việc xây và đặt đường ống dẫn xả thải của NM ra vịnh biển Việt Thanh.

Lao đao số phận dự án 10.000 tỷ ở Quảng Ngãi (Bài 1) - Ảnh 3.

Một góc khu vực rừng dừa nước nằm phía Nam dự án. Ảnh: Công Hoàng (chụp năm 2017)

Theo đó các cấp ngành và tổ chức hội, đoàn thể ở Quảng Ngãi từ xã, huyện, tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc họp, kiểm tra, phản biện…để xác minh và trả lời cho người dân về lo ngại này.

Đơn cử gần đây là lần thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đối với hệ thống xử lý nước thải của NM Bột-Giấy VNT19, do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp cấp ngành tổ chức vào tháng 4/2022.

Theo đó, trước khi tổ chức, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi lưu ý Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, trong quá trình thực hiện (tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đối với hệ thống xử lý nước thải của NM Bột-Giấy VNT19), cần chú trọng thực hiện đầy đủ các ý kiến của Bộ TNMT, về việc tăng cường các biện pháp quản lý sự cố môi trường; phân tích, đánh giá, phản biện công nghệ xử lý nước thải; việc bố trí hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học, bể chỉ thị sinh học để nuôi cá kiểm định chất lượng nước thải sau xử lý; kênh quan trắc tự động… của dự án NM Bột - Giấy VNT19.

Lao đao số phận dự án 10.000 tỷ ở Quảng Ngãi (Bài 1) - Ảnh 5.

Vịnh biển Việt Thanh, nơi dự kiến đặt ống xả thải của dự án. Ảnh: Công Hoàng.

Lao đao số phận dự án 10.000 tỷ ở Quảng Ngãi (Bài 1) - Ảnh 6.

Cuộc họp tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án NM Bột - Giấy VNT19. Ảnh: Công Hoàng (chụp tháng 4/2022).

Dù cấp, ngành chức năng và chuyên môn các cấp của Quảng Ngãi đã hao tổn nhiều công sức như vậy, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương, trong việc cho xây dựng và đặt đường ống xả thải ra vịnh biển Việt Thanh.

Công Hoàng
Cùng chuyên mục