Tiếp thu tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, dẫn nước thải nhà máy Bột – Giấy VNT19

29/04/2022 10:25 GMT+7
Trên cơ sở nội dung tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu và giải quyết những vấn đề liên quan, trong quá trình góp ý thẩm định cấp phép môi trường cho dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19.

Sáng 29/4, trao đổi với PV Etime, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, đã chỉ đạo cho các cấp, ngành tiếp thu và làm rõ nội dung tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật (HKH&KT) Quảng Ngãi.

Tiếp thu tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, dẫn nước thải nhà máy Bột – Giấy VNT19 - Ảnh 1.

Vịnh biển Việt Thanh, nơi dự kiến xả thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19. Ảnh: Thảo Nguyên.

Cụ thể giao cho Sở TNMT chủ trì, phối hợp với BQL KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Bình Sơn và các đơn vị liên quan nghiên cứ nội dung tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, đường ống dẫn nước xả thải dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19 của Liên hiệp các HKH&KT tỉnh, để giải quyết các vấn đề liên quan, trong quá trình góp ý thẩm định cấp phép môi trường cho dự án này.

Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Liên hiệp các HKH&KT theo quy định của pháp luật.

Trước đó vào ngày 6/4, Liên hiệp các HKH&TK tỉnh đã phối hợp với chính quyền huyện Bình Sơn tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, đường ống dẫn nước xả thải của Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, tính hợp lý và khả thi đối với việc xả nước thải của dự án.

Trên cơ sở trình bày của chủ đầu tư, các nhà khoa học và chuyên gia nhận định, dự án đã thực hiện nghiêm và đầy đủ các hạng mục đánh giá tác động môi trường; tiếp thu và thực hiện theo các yêu cầu của các cơ quan chức năng về bổ sung phương pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố đảm bảo an toàn cho môi trường khi nhà máy vận hành.

 Người dân và lãnh đạo các địa phương nằm trong vùng dự án cũng đóng góp nhiều ý kiến đóng góp, phản biện xoay quanh vấn đề tác động môi trường của tuyến đường ống xả thải và nguồn nước thải từ nhà máy.

Tiếp thu tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, dẫn nước thải nhà máy Bột – Giấy VNT19 - Ảnh 3.

Khu vực xây dựng hạng mục xử lý nước thải bên trong của nhà máy Bột - Giấy VNT19. Ảnh: Thảo Nguyên.

Trong đó, tập trung vào công tác giám sát của người dân về việc xả thải của nhà máy, tác động của nước thải đến hệ sinh thái biển và nghề đánh bắt hải sản của ngư dân trong vùng.

Các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo huyện Bình Sơn đề nghị chủ đầu tư nhà máy Bột – Giấy VNT19 giải trình làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa và cam kết hoàn thiện đối với những nội dung góp ý của Hội đồng tư vấn phản biện.

Cần chú ý lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ và quy trình xử lý nước thải, hoặc bố trí lại mặt bằng Khu xử lý nước thải, nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Tính toán, thiết kế và xây dựng, vận hành hồ sự cố, hồ sinh học đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải.

Vận hành quy trình hệ thống xử lý nước thải và xả thải phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường; cam kết lộ trình đầu tư nâng cấp và ứng dụng công nghệ mới, tiến tới xử lý nước thải đạt các chỉ tiêu nước thải sau xử lý trước khi thải ra nguồn tiếp nhận….

Được biết DA NM giấy VNT-19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, nằm ở thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn.

Tiếp thu tư vấn, phản biện hệ thống xử lý, dẫn nước thải nhà máy Bột – Giấy VNT19 - Ảnh 5.

Đại diện chủ đầu tư đang trình bày quá trình triển khai dự án tại hiện trường. Ảnh: Thảo Nguyên.

Qua 3 lần điều chỉnh, hiện DA được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm.

Riêng hệ thống ống dẫn nước xả thải từ nhà máy đến nơi xả thải (vịnh biển Việt Thanh), có tổng chiều dài khoảng 6000m. Trong đó đoạn đi ngầm trên cạn khoảng 5000m, phần còn lại là chiều dài chạy dưới mặt nước biển và được chia làm nhiều nhánh.

Từ khu vực xử lý của nhà máy, tuyến ống dẫn nước xả thải đi qua đường Võ Văn Kiệt, rồi chạy dọc phía Nam (ngoài ranh giới mở rộng NMLD Dung Quất) và đổ ra vịnh biển Việt Thanh, tại vị trí dự kiến cách bờ khoảng 1000m.

Trả lời cho các cơ quan báo chí, đại diện chủ đầu tư nhà máy Bột – Giấy VNT19, KKT Dung Quất khẳng định, thiết bị hệ thống xử lý nước thải của dự án nhập mới 100%, do nhà thầu AQUAFLOW Phần Lan thiết kế, cung cấp, giám sát lắp đặt.

Thảo Nguyên
Cùng chuyên mục