Lao đao vì dịch kéo dài, Japan Airlines muốn vay thêm 2,7 tỷ USD

09/09/2021 14:09 GMT+7
Japan Airlines đang nỗ lực huy động khoảng 300 tỷ JPY (2,7 tỷ USD) để giải quyết phần nào khó khăn dòng tiền trong bối cảnh lưu lượng vận tải hàng không tiếp tục sụt giảm vì làn sóng dịch Covid-19 mới nhất.

Theo tờ Nikkei Asian Review, hãng hãng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) đang nỗ lực huy động khoảng 300 tỷ JPY thông qua các khoản vay thứ cấp và nhiều biện pháp khác. Động thái diễn ra trong bối cảnh lưu lượng vận tải hàng không tại Nhật Bản giảm mạnh do làn sóng dịch bệnh mới nhất gây ra bởi biến thể Delta dễ lây lan, qua đó gây áp lực tài chính nặng nề lên các hãng hàng không.

Ngoài các khoản vay nợ thứ cấp, JAL cũng đang xem xét việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Số vốn huy động có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu đối với trái phiếu JAL.

Việc huy động vốn không chỉ để trang trải khoản chi phí hoạt động khổng lồ của hãng hàng không, mà còn nhằm đầu tư vào các sáng kiến mới để hạn chế lượng khí thải carbon, hướng tới phát triển bền vững.

Lao đao vì dịch kéo dài, Japan Airlines muốn vay thêm 2,7 tỷ USD - Ảnh 1.

Lao đao vì dịch kéo dài, Japan Airlines muốn vay thêm 2,7 tỷ USD (Ảnh: Reuters)

Trước đó, hồi tháng 11 -12 năm ngoái, JAL đã thực hiện các vòng gọi vốn huy động được 180 tỷ JPY. Tuy nhiên, trong tháng này, ban quản trị JAL đã kết luận rằng họ cần huy động thêm tiền mặt do đại dịch kéo dài hơn dự kiến. Nhiều khu vực ở Nhật Bản, trong đó có Tokyo, đã bị đặt trong tình trạng khẩn cấp nhiều tuần liền.

Từng được mệnh danh là một trong những hãng hàng không có nền tảng tài chính lành mạnh nhất toàn cầu với tỷ lệ vốn so với tài sản lên tới 42,4% nhưng JAL vẫn chịu áp lực tài chính to lớn về dòng tiền mặt trong những tháng qua khi nhu cầu vận tải hàng không trong nước giảm mạnh còn vận tải hàng không quốc tế không có dấu hiệu hồi phục. Lưu lượng hành khách trong tháng 7 tại Nhật Bản chỉ tương đương 40% cùng kỳ năm 2019 với các tuyến nội địa và chưa đầy 10% cùng kỳ năm 2019 với các tuyến quốc tế. 

Không riêng JAL, các hãng hàng không trên toàn cầu cũng đang chịu sức ép to lớn khi đại dịch tiếp tục diễn biến bất ổn và rất ít chính phủ có dấu hiệu mở cửa biên giới trở lại. 

Đầu năm nay, ông Brian Pearce - nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định: Đại dịch là “cú sốc lớn nhất mà lĩnh vực hàng không chưa bao giờ gặp phải”. Thật vậy, đại dịch đã kéo ngược hoạt động của ngành hàng không trở về mức của những năm 2003 với lưu lượng 1,3 tỷ hành khách trong cả năm 2020, chưa bằng 30% so với lưu lượng 4,5 tỷ hành khách trong năm 2019.

Việc các chính phủ đóng cửa biên giới để hạn chế sự lây lan dịch bệnh đã khiến các chuyến bay quốc tế giảm mạnh 75,6% vào năm ngoái trong khi các chuyến bay nội địa cũng giảm 48,8%. Cơ quan tư vấn Oliver Wyman ước tính, 3.400 máy bay phải “về hưu” trong cùng kỳ.

IATA dự báo lưu lượng vận chuyển hàng không trong năm 2021 có thể tăng gấp đôi so với năm 2020, nhưng sự bùng phát trở lại các làn sóng dịch gần đây do biến thể Delta đang đe dọa mục tiêu này. Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất khi dự báo này trở thành sự thực, thì lưu lượng vận tải năm 2021 vẫn chỉ tương đương khoảng một nửa mức lưu lượng trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Khi số lượng hành khách chưa thể phục hồi và máy bay vẫn nằm la liệt trên mặt đất, các hãng hàng không đang chịu thiệt hại to lớn. Theo IATA, ngành hàng không có thể thua lỗ tới 38 tỷ USD trong năm nay do những khoản chi phí cố định khổng lồ không thể giảm thiểu.

Hồi đầu tháng 9 qua, Philippine Airlines là hãng hàng không mới nhất vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York, Mỹ. Yêu cầu bảo hộ phá sản của hãng hàng không quốc gia Philippines được sự ủng hộ của các chủ nợ cũng như gia tộc Tan - cổ đông lớn nhất của hãng bay này. Theo một thỏa thuận, gia tộc Tan sẽ bơm 500 triệu USD tài trợ cho quá trình tái cấu trúc của Philippine Airlines. Ngoài ra, hãng bay này cũng nhận được khoảng 150 triệu USD từ các nhà đầu tư mới cũng như thỏa thuận hỗ trợ từ 90% các ngân hàng cùng các bên đối tác cho thuê máy bay.

Thống kê của Skift chỉ ra đã có ít nhất 22 hãng hàng không nộp đơn yêu cầu bảo hộ phá sản, ngừng hoạt động hoặc thanh lý từ đầu đại dịch đến nay. Con số này có thể chưa phản ánh đầy đủ bức tranh, bởi rất nhiều hãng hàng không cũng đang trong tình trạng “hấp hối” hoặc chờ chính phủ “giải cứu”.

IATA ước tính chỉ riêng trong năm 2020, các Chính phủ trên toàn cầu đã bơm khoảng 173 tỷ USD cứu trợ đến các hãng hàng không qua nhiều hình thức. Nhưng con số đó là chưa đủ để xoa dịu những thiệt hại to lớn mà ngành hàng không phải hứng chịu trong cuộc khủng hoảng đại dịch này, nhất là trong bối cảnh các làn sóng dịch tiếp theo bùng phát buộc nhiều chính phủ siết chặt trở lại các biện pháp hạn chế kiểm dịch, trong đó có kéo dài đóng cửa biên giới và buộc ngừng các chuyến bay.


NTTD
Cùng chuyên mục